Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2009
Giới thiệu thơ học sinh - CLB SÁNG TÁC TRẺ (2003)
Bình thơ PHẠM ÁNH (2005) - CLB Sáng tác trẻ
LỐI CŨ ta về…
Đã quen với nếp sống phố thị, hàng ngày đối diện cái chen chúc ồn ào của những cảnh chợ đời, tâm hồn tôi dịu lại khi được gặp những dòng thơ Phạm Ánh, trong tập thơ Lối cũ (NXB Đà Nẵng 2004). Như một khoảnh khắc dẫn dụ của ẩn ức làng quê, thơ anh đưa ta về với đường làng, bóng tre, mái tranh nghèo, hoa dú dẻ, cây cải rau răm, hương bồ kết, mùi rơm rạ… toàn những gì rất cũ rất xưa mà rất thương rất nhớ.
Thơ Phạm Ánh không mới mà vẫn khiến ta xúc động chính vì ký ức làng quê cứ đằm đằm, nhắc nhớ một dĩ vãng không thể nguôi ngoai. Kỷ niệm cứ theo đuổi suốt hành trình nhọc nhằn vượt lên bao mặc cảm số phận, như một nguồn cảm hứng không bao giờ cạn trong thơ anh:
…Tôi tìm về thánh thót tiếng chim
Nơi đồng vắng chiều xanh rất lạ
Câu lục bát trải lòng theo gió
Tôi mềm lòng nghe ai hát dân ca…
(Ký ức quê hương)
Tôi chắc rằng ai đã từng là một cậu bé quê, trước khi là một nhà thơ, sẽ cùng cảm xúc này của Phạm Ánh. Không gian cứ mở ra cùng những nối kết tự nhiên đồng vắng chiều xanh, câu lục bát – dân ca và tiếng chim khắc khoải trong bao chiều thương nhớ, làm sao không thể mềm lòng? Không gian thơ anh là Đề Gi, Hội Sơn, sông La Tinh, Chợ Gồm, Phù Ly, Khánh Lộc… ắp đầy những chất liệu dân dã khúc bài chòi, cái cuốc cái liềm, dây bầu dây bí, bùn lầy lấm lem đã quyện hoà nhuần nhuyễn thành năm tháng ân tình, năm tháng đi về lặng lẽ thời gian để rồi níu thời gian lại lòng đầy bâng khuâng. Không phải tình cờ khi trong 40 bài thơ, anh đã dành hẳn 19 bài viết theo thể lục bát, mỗi bài là một niềm riêng, nhưng xâu chuỗi lại thành một giọng tâm tình chủ đạo trong thơ anh. Các bài còn lại cũng thấp thoáng những thi ảnh ca dao, âm điệu cấu tứ cho đến ngắt nhịp gieo vần. Tôi đã thử làm một phép thống kê trong thơ anh để lý giải cho những cảm nhận một cách “khoa học” hơn: riêng từ láy, anh dùng nhiều nhất những từ đong đưa, chập chờn, thầm thì, lặng lẽ, ngập ngừng, chòng chành, …. Cách nói ấy tạo chúng ta cách nghĩ về một con người hiền lành, không thích những thanh âm ồn ào mà cứ nép mình sống chủ yếu với nội tâm. Những từ láy dày đặc kia chính là điệu hồn của Phạm Ánh đã trải ra cùng thơ, hướng về những vẻ đẹp lấm tấm, long lanh, xôn xao, lấp lánh, phơ phất, dịu dàng, lung linh, xa xôi, ta có thể nhận ra con người anh khá rụt rè, luôn sống cùng những dư ảnh đẹp đẽ thiên về nội cảm, để được nôn nao, bềnh bồng cùng cảm giác thăng hoa sáng tạo của mình. Có lẽ anh có chút gì ảnh hưởng của hồn thơ Lưu Trọng Lư, một chút hồn Nguyễn Bính chân quê (không phải Nguyễn Bính giang hồ). Ta có cảm tưởng như anh làm chủ được ngôn ngữ nhưng không thích vượt ra khỏi cái ngưỡng bình thường giản dị để có những cảm giác phiêu bồng lãng đãng như những thi sĩ bình thường. Cũng phải thôi, anh đến với thơ như một nguồn giãi bày tâm sự, không vu khoát, không cao đàm bù khú như những kẻ tài mọn mà lại thích huênh hoang như chúng tôi. Thơ anh thừa cái nồng mà thiếu cái say, bài nào đọc cũng có cảm giác dễ chịu vì rất thật lòng. Thảng hoặc có vài bài màu mè thì cũng không thoát ra cái mạch ca dao nên nhanh chóng trở về với con người thực của anh. Tôi hiểu, để có đứa con tinh thần này, anh đã phải vượt lên cái tỉnh táo thường ngày để làm cái việc “điên rồ” nhất là tự in thơ. Không phải tìm chút danh mà cuối cùng cũng chỉ là cái tình như muốn trả món nợ lòng đeo đẳng với quê hương. Ngay tiêu đề của các bài thơ đã thể hiện rõ tinh thần của tác giả: Hương quê, Hoa quê, Ký ức quê hương, Phù Cát quê tôi, Đêm xa quê, Chút tình quê, Hồn quê ; rồi lại Vườn cũ, Rêu cũ, Lối cũ, Thu xưa, Nhớ trường xưa, Bến xưa, Cội nguồn với những Xóm nhỏ, Sương chiều, Chiều mưa, Bóng chiều, Ngoại tôi, Chiếc nón. Bởi thế, ta dễ hiểu được vì sao tình yêu tìm thấy trong thơ anh trong trẻo và cảm động đến thế:
Tổ tiên xưa vốn cuốc cày
Sinh tôi nặng nợ bùn lầy lấm lem
Mất còn còn mất bon chen
Mong sao sống với tình em ban đầu
(Cội nguồn)
Những câu thơ rõ ràng là tỏ tình mà vẫn cứ mang nặng chất mộc mạc của dân Bình Định vốn thật thà như đếm! Vậy mà không kém ý tứ sâu sắc, bởi lời ấy là lời ước chuyện trăm năm se tơ kết tóc, nên không ngần ngại bộc bạch ngọn-nguồn-lạch-sông cho em khỏi phân vân, là cách nói chính gốc ca dao như của chàng trai quê thứ thiệt. Có một bài thơ để lại cho tôi một dư vị ngọt đằm của nghĩa tình thủy chung:
Dẫu là ngọn cỏ hạt sương
Đêm tàn trăng rụng nỗi buồn chia ly
Dẫu là sông nước trời mây
Tơ trời ai buộc vơi đầy trong nhau
Dẫu em sương khói về đâu
Tôi còn nỗi nhớ như màu lá xanh
Dẫu buồn em ném vào anh
Trăm năm hạt cát nặng tình bến xưa
(Hạt cát)
Bài thơ đọc lên thoáng chút ngậm ngùi: mất – còn, hợp – tan, tiếc – nhớ, buồn – thương, vậy mà vẫn ấm áp vì tình người đôn hậu. Chao ôi, cuộc đời đâu dễ cho ta hạnh phúc niềm vui, mà lại hay thử thách ta qua những nỗi buồn như định mệnh. Bỗng dưng tôi lại nhớ một lời hát của Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”. Có phải bài thơ này cũng là một quan niệm như tấm-lòng-gió-cuốn về cùng lối cũ, để tôi nhận ra rất rõ khuôn mặt người thơ Phạm Ánh?
Quy Nhơn, tháng 9 năm 2005
TRẦN HÀ
Bình thơ TRIỀU LA VỸ (2001)
Bình thơ LÊ BÁ DU (2002) - Tưởng niệm anh!
Thơ Lê Bá Du là những mảng hồi ức, những giấc mơ, rất dịu dàng đầy luyến nhớ :
… Đưa em về vùng quê
Mưa đầu mùa bất chợt
Vuốt ướt mái tóc thề
Đọng bờ môi ấm ngọt…
(Kỷ niệm)
Anh không ham hố tìm tòi cách tân thơ mà thường chọn cho mình một giọng điệu tâm tình quen thuộc để gửi gắm những nỗi niềm thơ. Ngay cả trong đề tài cũng thường gắn với những gì rất riêng tư, thường là những câu chuyện nho nhỏ, những giấc mơ xinh xinh. Phải chăng vì vậy phần lớn các bài thơ mới dừng lại ở ý tưởng chứ chưa tạo thành một tứ riêng?Thơ anh đến được với bạn đọc thường là nhờ vào những hình ảnh quen, những suy tư mà người đọc ít nhiều nhận ra chút tình đồng điệu :
Lạc loài giữa phố bơ vơ
Lối ngang đường dọc bàn cờ ngược xuôi
Nửa như tới, nửa như lui
Lòng ai lắm ngả để tôi lạc loài
(Lạc loài)
Anh tự nhận mình là một kẻ lang bạt, phải chăng vì vậy ta nhận ra anh thường khát khao một bến dừng bình yên? Đôi khi trong thơ anh thoáng nét suy tư của một người từng trải nhưng những suy tư ấy chưa thật sự sâu sắc và chưa thật đọng. Những “giọt sầu”, “lỗi hẹn”, “hững hờ” dễ trở thành sáo ngữ, thơ bị lộ ý và trở nên dễ dãi. Nhưng khi những kỷ niệm đã thành máu thịt một đời, thơ anh trở nên đằm thắm lạ thường. Theo tôi, bài thơ thành công nhất của Lê Bá Du là Về thăm Tuy Phước quê em , ở đó đã kết hợp được tình yêu – tình quê hương và rất nhiều trăn trở của một đời lang bạt. Ta nghe được một lời tâm tình rất thật, rất sâu sắc :
Xin người chớ vội đổi thay
Lũy tre khói bếp luống cày mạ xanh
Đời ta lang bạt đã đành
Bỗng dưng phút chốc hóa thành trẻ con
Quả thật, mỗi người chúng ta sẽ mãi vẫn là một đứa trẻ khi về lại cùng quê hương. Cái hay của bài thơ là chỗ quê em đã thành quê anh, để tình đời – tình quê – tình người càng thêm nồng đậm.
Với một người làm thơ đã bước qua tuổi năm mươi như Lê Bá Du, chúng ta không trông chờ có những bước đột phá, những giọng điệu mới mẻ hay một ý tưởng táo bạo như các nhà thơ trẻ. Chỉ mong sao anh giữ được mãi bền tình thơ để góp cho đời thêm những tiếng tâm tình lắng đọng.
Bình thơ TRẦN LỄ (2001)
DUYÊN THƠ TRẦN LỄ
Câu lạc bộ Văn học Xuân Diệu được bao nhiêu tuổi thì cũng chừng ấy năm người ta được biết đến một người mần thơ đến rất đều đặn, gần như không buổi nào bỏ các kỳ sinh hoạt. “Ông già Patêsô” - Lão nướng bánh đã đến với thơ như một mối duyên tình cờ và thành̀ người tình chung thủy của nàng Thơ đến trọn kiếp. Mà cũng lạ, đầu bạc, răng rụng, mắt mờ, chân yếu, tay run, ấy vậy mà người ta biết nhiều đến một anh Trần Lễ thơ tình trẻ tráng như thuở hai mươi, sung sức lắm!
Hãy lắng nghe một chút giọng thơ này :
Anh đưa em vào hạ
Em thả cánh phượng hồng
Bay qua miền phố lạ
Chớm mùa sữa “Ya-ua”
Còn giấu trong yếm lụa
Ươm men hườm chưa chua
(Mùa sữa “Ya-ua”)
và : Sáng nay mình xí được
Nụ hôn trên cúc vàng
Đêm về thơm giấc mộng
Em đến đòi nụ hôn…
(Mộng cúc vàng)
ai có biết chăng người viết nên những vần thơ như vậy lúc đó đã qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy” lâu rồi. Chất trẻ trung, tươi mới trong thơ Trần Lễ không phải là cách làm duyên, uốn éo đến khó chịu ở một số người cố tỏ ra mình trẻ mà xuất phát từ một tâm hồn còn rất mặn nồng với Tình Yêu – Thiếu Nữ. Nói đến một Trần Lễ trẻ, không hẳn chỉ là những vần thơ hướng về tuổi trẻ, mà còn có thể nhận ra sự trẻ trung trong suy nghĩ của một con người coi thơ là một điều rất thiêng liêng, coi những ân tình giữa cuộc đời là điều đáng trân trọng. Trong thơ Trần Lễ có những khoảnh khắc suy tư của một người tâm hồn đã chín :
Chờ em bên tách cà phê
Giọt đen đắng đọng lòng tê tái sầu
Biết rồi, em chẳng đến đâu
Mà tôi vẫn đợi thâm sâu với tình
Tách cà phê cũng thương mình
Nhỏ buồn
Giọt chậm
Cho mình
Đợi em…
(Đợi)
Không biết người ấy đã phải chờ đợi bao lâu khiến thời gian cứ tí tách rơi buồn, đọng đắng? Để có được duyên thơ tri kỷ ấy, nhà thơ của chúng ta đã phải trải qua biết bao tháng ngày cơ cực vật lộn với đời : kéo xe ở Sài Gòn, làm vôi Long Thọ, bán kẹo ăn mì vất vưởng, thui thủi ra đi… Những ngày tha hương đằng đẵng của một kiếp người vẫn đọng lại một nỗi niềm không nguôi hướng về quê hương với kỷ niệm xót xa: “Mấy chục năm xa Huế/Gởi về quê tấm lòng/ Con tằm không dứt được bãi dâu/ Tôi làm sao quên được mùi cơm hến/Nón rách chờ em đêm mưa bến Ngự/Chén bánh bèo đỡ dạ dốc Nam Giao…” “Tình quê” ấy đau đáu đã kết thành những vần thơ từ những lúc hoa niên đến khi thành ông lão :
Miệng móm cười méo xẹo
Chiếc bánh nở tròn vo
Đêm dài con dế hát
Ngọn đèn thức đợi chờ
Nhện mỏi mòn đan tơ…
(Lão nướng bánh).
Tôi nhận ra một điều rất quý giá trong những bài thơ hay của Trần Lễ : đó là sự chân thành và điềm tĩnh. Có những bài thơ như một lời kể chuyện rất thật thà về cuộc đời nhiều sóng gió, có những bài lại là một rung động bất chợt trước Hoa – Thiếu Nữ trong một không gian mang dáng dấp Cổ Tích, Huyền Thoại. Thơ tình Trần Lễ phần nhiều là Tình Thơ – một mảng hồi ức đẹp, một thoáng bâng khuâng trước vẻ đẹp cuộc đời. Nhưng có lẽ đọng nhiều ấn tượng nhất là những giấc mơ đan xen cả hạnh phúc và khổ đau, để người “mần thơ” ấy nghe được tiếng lòng sâu thẳm của mình : “Mở mắt thấy hoa đẹp/Nhắm mắt thấy mình già/Thời gian mòn quá khứ/Không gian thì bao la (…) Hôm nay mình còn lại/Nỗi vui buồn cho nhau/Bốn mùa hoa vẫn nở/Bốn mùa không trước sau” (Hoa bốn mùa). Rõ ràng sự cảm nhận của Trần Lễ tưởng như giống thi nhân đời Đường mà đã khác Đường thi nhiều lắm. Sự khác biệt xuất phát từ một hồn thơ không sợ già, không sợ chết: “Lỡ mai em về/Anh không còn nữa/Xin em đừng đặt hoa lên mộ đá/Nguồn thương yêu anh gởi cả em rồi!” (Xin em).
Giọng điệu Trần Lễ thích hợp với nhịp ngũ ngôn gợi lên những hoài niệm và nhịp lục bát truyền thống gợi những cảm xúc ngọt ngào. Những bài thơ tự do đọng lại thường là câu chuyện kể xúc động, dù đôi khi vần điệu chưa chặt chẽ nhưng chính điều đó mới làm nên một nét riêng. Tôi đã từng nghe ông nói rất say sưa về thơ và rất chân thành nghe đóng góp của anh em thi hữu để sẵn lòng chuốt lại câu thơ. Nhưng đôi khi sự đẽo gọt ấy làm mất đi chất Trần Lễ trong ông. Chẳng hạn bài thơ “Chiếc nón” đã từng đọng lại rất lâu trong tôi cái mộc mạc “Đến tặng em chiếc nón/Từ Huế tôi mang về…” giờ đây khi tác giả sửa lại : “Tặng em chiếc nón Bài Thơ/Vấn vương từ Huế mang về…”, tôi thấy lòng mình nguội đi nhiều lắm! Đâu cứ phải “nón Bài Thơ vấn vương”, “chừ”, “mô” mới ra chất Huế ? Tôi mong được đọc Trần Lễ nhiều ở những bài giản dị nhưng rất có hồn, để giữ được trong lòng mình một bác Trần Lễ, anh Trần Lễ quý mến chân tình trong lời thơ rất nhiều nhớ thương dào dạt:
“Tiếng đàn Xuân vời vợi
Trăng mười bốn thơ thơ
Sao giăng đèn phố biển
Sóng hát vỗ xanh bờ”
(Chiếc lá Sydney)
Thương và quý lắm!
14/11/2001
Bình thơ CLB Sáng tác trẻ (2003)
II. Một số gương mặt thơ sinh viên :
Thơ sinh viên:
LÊ KIỀU HƯNG
BÊN DÒNG SÔNG MÃ
Ngày ấy mẹ tiễn cha ra chiến trường
Chiếc khăn chơi vơi giữa lưng chừng trời đất
Cạn khô bao dòng nước mắt
Chiếc nón cời huơ động cả hoàng hôn
Lũ bạn mình bắt ốc mò gion
Áo rách chân trần nước da đen đủi
Rưng rức thương những cuộc đời lầm lũi
Bát canh chua chan cả nắng mưa về
Tiếng sáo diều vang vọng bờ đê
Rớt xuống lòng sông giấu nỗi niềm chất chứa
Cô gái lấy chồng bên kia không về nữa
Để bao gã trai làng ngẩn ngơ...
Nằm ưu tư chênh chếch một con đò
Vểnh tai run những chiều mưa đổ
Tiếng gọi đò trôi dọc triền sông lở
Bên kia bồi sông đau đáu điều chi?
Và bây giờ mẹ lại tiễn con đi
Bên dòng sông hương mùa đang căng nứt
Ngô lúa non tơ xanh màu xanh mơ ước
Nước sông gieo rười rượi ấm bên lòng...
.-------------------
TRỞ VỀ
Anh dắt em về với tuổi thơ
Cây Kơnia vẫn một mình đứng đó
Phố núi chợt hoá thành con suối nhỏ
Biển hồ khát khao rong ruổi một cánh buồm
Em nhìn sâu hơn vào đôi mắt mẹ buồn
Thấy hanh hao Dã quỳ vàng rực cháy
Mùa khô lại về trên nương rẫy
Và... suốt đời đắng lịm trái cà phê!
Đêm trở mình giữa lòng mẹ Ban mê
Chợt rưng rưng ánh trăng mòn hao khuyết
Qua bao mùa nắng mưa giờ giật mình mới biết
Cái mất - còn rút ruột trái tin yêu
Giờ mới thấy thương những đợt nắng cuối chiều
Mẹ ơi! Mùa giăng đầy trên tóc
Lần thứ hai trong đời biết khóc
Khi con trở về với ấm áp thương yêu...
.--------------
BỨC TRANH
Tựa cằm bó gối ngồi im
Nhắm hờ đôi mắt lặng tìm chơi vơi...
Thật rồi em đã xa tôi
Em đi
Để nửa cuộc đời cho ai?
.---------------
BÃO
Lời rung tiếng cũng nghẹn ngào
Giọt trăng mặn chát tan vào tim đơn
Nói lời chi để buồn hơn
Tình thôi nổi gió thành cơn
Bão lòng!
.--------------
TRĂNG NỬA KHUYA
Nửa khuya trăng sáng vô cùng
Sáng quay quắt sáng cho lòng mênh mang
Sáng da diết đến dịu dàng
Trăng càng sáng anh lại càng vắng em
.---------------
HOA MƯỜI GIỜ
Hỏi rằng ai đẹp như em nhỉ
Làm ngất ngây bao gã tình si
Đời chẳng cho em người tri kỷ
Thì thôi đành khoe sắc mà chi?...
.-------------------
VỀ THĂM NGOẠI
Con lại về đây giữa lòng thơm thảo
Gặp tuổi thơ mơ bảy sắc cầu vồng
Đã qua rồi bao mùa xưa mưa bão
Mà nặng lòng vương những cơn giông!
Đi giữa đường quê say mùi gió mới
Bức tranh quê hương tươi thắm một màu
Sóng lúa dạt dào ngạt ngào hương bưởi
Nghe nắng cười đon đả hỏi thăm nhau
Tuổi thơ ngây riêng gửi niềm quê cũ
Và con đi không biết mấy dặm đường
Qua bao mùa trong vườn hoa trái chín
Ủ ấm lòng con những yêu thương.
Cuối mùa vui hoàng hôn in bóng ngoại
Thời gian trôi bỏm bẻm thắm miếng trầu
Mừng cháu mừng con công thành danh toại
Con rưng buồn nghe lá rụng vườn sau...
.-------------
ĐIỀU ANH MUỐN NÓI
Anh chẳng chạm vào ký ức của em
Sợ làm rung dây cung buồn xa vắng
Em đã vùi chôn vào trong quên lãng
Năm tháng khuất rồi sau trái tim em
Anh nhắc làm gì dĩ vãng của đêm
Là bóng tối của rối mùa mùa nông nổi
Em đừng về con đường xưa lạc lối
Thuở dại khờ nào biết đến khổ đau
Nắng lại hồng sau một thoáng mưa ngâu
Đem cho em bầu trời trong xanh biếc
Có những điều không đáng để mình nuối tiếc
Thì cớ gì phải vương vít buồn đau...
.------------------
VỚI ĐÊM
Anh đứng giữa đêm biển lồng lộng gió
Sóng khẽ ru ngân một khúc nhạc buồn
Đêm nghiêng mình suy tư trăn trở
Thao thức hoài một bóng dáng yêu thương
Muốn cùng em đón mùa vui rộn rã
Lại e trời vương vít chuyện gió mưa
Đêm thắp nến anh vẫn còn khờ quá
Lỡ như em lạc bước phía không mùa!
Anh đứng giữa đêm biển tràn ngập gió
Mà con tim ngột ngạt đến không ngờ
Đêm giấu diếm điều gì chẳng rõ
Nên dối lòng ngay trong cả giấc mơ
Anh với đêm giữa lưng chừng phố biển
Chơi - vơi - ơi! Anh khao khát chính mình
Bên này sóng nửa bên kia cũng sóng
Câu thơ gầy em có thấy chông chênh?
.-----------------------
THƠ GỬI MÙA ĐÔNG
Quy Nhơn bốn mùa dang dở
Thu - Đông - Xuân - Hạ nửa chừng
Ai đi tìm trong nhung nhớ
Nhặt về chút lạnh rưng rưng
Gửi cho mùa đông ngoài nớ
Chút hanh hao ở trong này
Xa xôi thôi đành nhắc nhở
Tự tìm hơi ấm bàn tay
Em khoác mùa đông xuống phố
Ta quàng nỗi nhớ lên vai
Nửa đêm giáo đường chuông đổ
Vọng ngân đôi tiếng thở dài...