LỐI CŨ ta về…
Đã quen với nếp sống phố thị, hàng ngày đối diện cái chen chúc ồn ào của những cảnh chợ đời, tâm hồn tôi dịu lại khi được gặp những dòng thơ Phạm Ánh, trong tập thơ Lối cũ (NXB Đà Nẵng 2004). Như một khoảnh khắc dẫn dụ của ẩn ức làng quê, thơ anh đưa ta về với đường làng, bóng tre, mái tranh nghèo, hoa dú dẻ, cây cải rau răm, hương bồ kết, mùi rơm rạ… toàn những gì rất cũ rất xưa mà rất thương rất nhớ.
Thơ Phạm Ánh không mới mà vẫn khiến ta xúc động chính vì ký ức làng quê cứ đằm đằm, nhắc nhớ một dĩ vãng không thể nguôi ngoai. Kỷ niệm cứ theo đuổi suốt hành trình nhọc nhằn vượt lên bao mặc cảm số phận, như một nguồn cảm hứng không bao giờ cạn trong thơ anh:
…Tôi tìm về thánh thót tiếng chim
Nơi đồng vắng chiều xanh rất lạ
Câu lục bát trải lòng theo gió
Tôi mềm lòng nghe ai hát dân ca…
(Ký ức quê hương)
Tôi chắc rằng ai đã từng là một cậu bé quê, trước khi là một nhà thơ, sẽ cùng cảm xúc này của Phạm Ánh. Không gian cứ mở ra cùng những nối kết tự nhiên đồng vắng chiều xanh, câu lục bát – dân ca và tiếng chim khắc khoải trong bao chiều thương nhớ, làm sao không thể mềm lòng? Không gian thơ anh là Đề Gi, Hội Sơn, sông La Tinh, Chợ Gồm, Phù Ly, Khánh Lộc… ắp đầy những chất liệu dân dã khúc bài chòi, cái cuốc cái liềm, dây bầu dây bí, bùn lầy lấm lem đã quyện hoà nhuần nhuyễn thành năm tháng ân tình, năm tháng đi về lặng lẽ thời gian để rồi níu thời gian lại lòng đầy bâng khuâng. Không phải tình cờ khi trong 40 bài thơ, anh đã dành hẳn 19 bài viết theo thể lục bát, mỗi bài là một niềm riêng, nhưng xâu chuỗi lại thành một giọng tâm tình chủ đạo trong thơ anh. Các bài còn lại cũng thấp thoáng những thi ảnh ca dao, âm điệu cấu tứ cho đến ngắt nhịp gieo vần. Tôi đã thử làm một phép thống kê trong thơ anh để lý giải cho những cảm nhận một cách “khoa học” hơn: riêng từ láy, anh dùng nhiều nhất những từ đong đưa, chập chờn, thầm thì, lặng lẽ, ngập ngừng, chòng chành, …. Cách nói ấy tạo chúng ta cách nghĩ về một con người hiền lành, không thích những thanh âm ồn ào mà cứ nép mình sống chủ yếu với nội tâm. Những từ láy dày đặc kia chính là điệu hồn của Phạm Ánh đã trải ra cùng thơ, hướng về những vẻ đẹp lấm tấm, long lanh, xôn xao, lấp lánh, phơ phất, dịu dàng, lung linh, xa xôi, ta có thể nhận ra con người anh khá rụt rè, luôn sống cùng những dư ảnh đẹp đẽ thiên về nội cảm, để được nôn nao, bềnh bồng cùng cảm giác thăng hoa sáng tạo của mình. Có lẽ anh có chút gì ảnh hưởng của hồn thơ Lưu Trọng Lư, một chút hồn Nguyễn Bính chân quê (không phải Nguyễn Bính giang hồ). Ta có cảm tưởng như anh làm chủ được ngôn ngữ nhưng không thích vượt ra khỏi cái ngưỡng bình thường giản dị để có những cảm giác phiêu bồng lãng đãng như những thi sĩ bình thường. Cũng phải thôi, anh đến với thơ như một nguồn giãi bày tâm sự, không vu khoát, không cao đàm bù khú như những kẻ tài mọn mà lại thích huênh hoang như chúng tôi. Thơ anh thừa cái nồng mà thiếu cái say, bài nào đọc cũng có cảm giác dễ chịu vì rất thật lòng. Thảng hoặc có vài bài màu mè thì cũng không thoát ra cái mạch ca dao nên nhanh chóng trở về với con người thực của anh. Tôi hiểu, để có đứa con tinh thần này, anh đã phải vượt lên cái tỉnh táo thường ngày để làm cái việc “điên rồ” nhất là tự in thơ. Không phải tìm chút danh mà cuối cùng cũng chỉ là cái tình như muốn trả món nợ lòng đeo đẳng với quê hương. Ngay tiêu đề của các bài thơ đã thể hiện rõ tinh thần của tác giả: Hương quê, Hoa quê, Ký ức quê hương, Phù Cát quê tôi, Đêm xa quê, Chút tình quê, Hồn quê ; rồi lại Vườn cũ, Rêu cũ, Lối cũ, Thu xưa, Nhớ trường xưa, Bến xưa, Cội nguồn với những Xóm nhỏ, Sương chiều, Chiều mưa, Bóng chiều, Ngoại tôi, Chiếc nón. Bởi thế, ta dễ hiểu được vì sao tình yêu tìm thấy trong thơ anh trong trẻo và cảm động đến thế:
Tổ tiên xưa vốn cuốc cày
Sinh tôi nặng nợ bùn lầy lấm lem
Mất còn còn mất bon chen
Mong sao sống với tình em ban đầu
(Cội nguồn)
Những câu thơ rõ ràng là tỏ tình mà vẫn cứ mang nặng chất mộc mạc của dân Bình Định vốn thật thà như đếm! Vậy mà không kém ý tứ sâu sắc, bởi lời ấy là lời ước chuyện trăm năm se tơ kết tóc, nên không ngần ngại bộc bạch ngọn-nguồn-lạch-sông cho em khỏi phân vân, là cách nói chính gốc ca dao như của chàng trai quê thứ thiệt. Có một bài thơ để lại cho tôi một dư vị ngọt đằm của nghĩa tình thủy chung:
Dẫu là ngọn cỏ hạt sương
Đêm tàn trăng rụng nỗi buồn chia ly
Dẫu là sông nước trời mây
Tơ trời ai buộc vơi đầy trong nhau
Dẫu em sương khói về đâu
Tôi còn nỗi nhớ như màu lá xanh
Dẫu buồn em ném vào anh
Trăm năm hạt cát nặng tình bến xưa
(Hạt cát)
Bài thơ đọc lên thoáng chút ngậm ngùi: mất – còn, hợp – tan, tiếc – nhớ, buồn – thương, vậy mà vẫn ấm áp vì tình người đôn hậu. Chao ôi, cuộc đời đâu dễ cho ta hạnh phúc niềm vui, mà lại hay thử thách ta qua những nỗi buồn như định mệnh. Bỗng dưng tôi lại nhớ một lời hát của Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”. Có phải bài thơ này cũng là một quan niệm như tấm-lòng-gió-cuốn về cùng lối cũ, để tôi nhận ra rất rõ khuôn mặt người thơ Phạm Ánh?
Quy Nhơn, tháng 9 năm 2005
TRẦN HÀ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét