Trong lịch sử hát bội Việt Nam, vị hậu tổ Đào Tấn (1845 - 1907) còn chưa được nghiên cứu một cách hệ thống, đầy đủ. Chỉ đến khi hội nghị nghiên cứu Đào Tấn lần thứ I (1977) thì tên tuổi cũng như sự nghiệp của ông mới thật sự được chú trọng trong giới nghiên cứu, học thuật của nền văn học cách mạng. Người tiên phong trong việc khẳng định vai trò Đào Tấn chính là thi sĩ Xuân Diệu. Trong các cuộc hội thảo lần thứ II (1982) hội thảo lần thứ III (2001) các ý kiến đánh giá về Đào Tấn, các bài tham luận của nhiều học giả đã bổ sung thêm nhiều tài liệu quý báu. Thế nhưng hầu như sau các cuộc hội thảo ấy, thành tựu chỉ nằm trong các tập kỉ yếu hội nghị. Cụ Đào Tấn không có dịp đến với công chúng cả nước. Tại hội thảo lần thứ III, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đã đặt vấn đề tập hợp công bố di cảo đồ sộ của Đào Tấn cũng như các kết quả nghiên cứu ban đầu, với dự định sẽ phải hơn nghìn trang viết. Nhưng rồi, không ai đủ kinh nghiệm, công sức cũng như niềm đam mê theo đuổi đến cùng việc nghiên cứu Đào Tấn như Vũ Ngọc Liễn. Vậy là vị lão tướng đã xấp xỉ bát tuần lại dồn hết tâm sức để làm một việc tưởng chừng như không tưởng, thực hiện đơn đặt hàng của Nhà nước để làm nên bộ công trình đồ sộ ba tập: Đào Tấn Thơ và Từ (in 2003), Đào Tấn Tuồng hát bội (in 2005) và Đào Tấn qua thư tịch (in 2006). Ròng rã bốn năm trời, khi bộ sách hoàn thành cũng là lúc ông nâng ly mừng thọ 82 tuổi!
Cảm động biết bao nhiêu công việc thầm lặng mà đầy ý nghĩa này. Cảm động biết bao nhiêu những lời tác giả ghi sau của cuốn sách, với sự khiêm tốn nhận lỗi sai sót trong quá trình biên khảo và lời tri ân : "Nhân dịp bộ sách Đào Tấn hoàn tất việc in ấn tôi xin ghi ơn những người đã có công đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp vào công trình nghiên cứu danh nhân Đào Tấn bao năm qua, trong số ấy nhiều người đã quá cố như anh Xuân Diệu, Hồ Đắc Bích, cụ Mạc Như Tòng, cụ Tống Phước Phổ, anh Đỗ Văn Hỷ... Tôi đặc biệt cảm ơn hai ông bạn vong niên Bùi Lợi và Mạc Côn đã cùng tôi lăn lộn sưu tầm tài liệu về Đào Tấn suốt thời gian dài. Cảm ơn cô Kim Hưng (Nhà xuất bản Văn học) đã giúp tôi chăm sóc bản thảo tập Thơ và Từ Đào Tấn in lần đầu ở Nhà Xuất bản Văn Học (1987). Cảm ơn ông bạn Nguyễn Thanh Hiện đã cùng tôi vật lộn với chữ nghĩa làm bản thảo tập Thơ và Từ Đào Tấn in lần đầu. Cảm ơn Ty Văn Hóa - Thông Tin Nghĩa Bình trước đây và Sở Văn Hóa Thông Tin Bình Định hiện nay luôn cổ vũ tôi hoàn thành công trình nghiên cứu về Đào Tấn. Cảm ơn Nhà xuất bản Sân khấu của hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam luôn đôn đốc và tạo điều kiện giúp đỡ tôi hoàn tất công tác biên khảo bộ sách này" (Ghi sau - Đào Tấn qua Thư tịch). Chúng ta hãy hiểu niềm cảm động biết ơn của một nhà nghiên cứu tuổi 82, đã không hề quên công những người đã giúp ông có dũng khí, niềm tin và sức lực cho một bộ ba tác phẩm đồ sộ về Đào Tấn.
Điều đáng nói là sau khi công trình này ra đời, nhiều nhà nghiên cứu, các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quy Nhơn, Đại học KHXHNV thành phố Hồ Chí Minh đã có thể có một cái nhìn tổng thể, toàn diện hơn về Đào Tấn, tiếp tục khai thác để cho sự nghiệp của danh nhân Đào Tấn thật sự hoàn thiện trong mắt mọi người. Đã bắt đầu có nhiều luận văn thạc sĩ ở Hà Nội, Quy nhơn, TP. Hồ Chí Minh có điều kiện khai thác sâu hơn về Đào Tấn, nhờ những tư liệu quý từ bộ sách. Nhiều sinh viên trẻ đã tìm đến với Vũ tiên sinh để cùng nhau nói về tuồng hát bội, về thơ và từ Đào Tấn, tham khảo những ý kiến của một người tuổi tác đáng cụ, đáng ông nhưng tấm lòng với Đào Tấn vẫn sôi sục nhiệt thành như tuổi đôi mươi. Đáng nể hơn là họ vẫn thấy ông cặm cụi biên soạn các công trình mới, phổ cập đến đại chúng những tài liệu vốn dĩ thường được lưu trong dòng tộc như gia bảo rồi dần dần mai một! Lần lượt những tài liệu "Chầu Đôi" (Trúc Tôn Phạm Phú Tiết) được chỉnh sửa hoàn thiện, "Góp nhặt dọc đường", "Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu - ông đồ nghệ sĩ" của ông ra đời và được đón nhận nồng nhiệt. Đó là cái Tâm với tuồng, với cả bậc thầy của hậu tổ Đào Tấn, tấm lòng dành cho bậc cha chú đã dìu dắt ông vào nghề. Một con người như vậy, thật đáng kính. Có lẽ cũng chính từ tình yêu không mệt mỏi với nghệ thuật tuồng đã giúp ông vượt lên cả trận đột quị tai biến để hoàn thành tâm nguyện biên khảo về Nguyễn Diêu - thầy của hậu tổ hát bội Đào Tấn vào năm 2011 vừa qua.
Một con người lao động bền bỉ, chỉ với một tâm nguyện đưa tên tuổi Đào Tấn, đưa nghệ thuật tuồng đến với công chúng hôm nay xứng đáng được ghi nhận công lao. Và biết bao người làm văn hóa nghệ thuật đã phải kính phục con người vượt lên chính mình, luôn học hỏi rèn luyện cầu thị để trở thành một nhà nghiên cứu tuồng hàng đầu Việt Nam. Không những thế, con người ấy luôn tỏ rõ sĩ khí trước những hành vi làm vấy bẩn bầu không khí văn chương, thẳng thắn lên tiếng trước những điều sai trái. Đáng trân trọng thay!
Vĩ thanh: vậy mà từ khi bộ ba công trình về Đào Tấn cùng với "Góp nhặt dọc đường" của tác giả Vũ Ngọc Liễn được đề cử giải thưởng Nhà nước như một ghi nhận công lao của người bền bỉ phấn đấu vì sự nghiệp bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng hát bội, người góp phần không nhỏ đem Đào Tấn đến với công chúng thế hệ sau, đã có một số kẻ không khỏi hận thù. Một vài bài báo trên những tờ chẳng liên quan gì đến văn chương học thuật như "Tài nguyên và Môi trường" và gần đây là báo "Tiền Phong" đã cho đăng những bài thóa mạ, vu cáo, xuyên tạc, xúc phạm tên tuổi của Vũ Ngọc Liễn, mà tên tuổi của người viết khiến người đọc ngơ ngác chẳng biết họ là ai! Rồi một vài trang mạng đăng lại, có những trang đăng hàng chục còm-men với lời lẽ đầy thù hận, hằn học mà không một lần dám chính danh. Tất cả những thông tin ấy đến tai anh em văn nghệ sĩ Bình Định, nhiều người nổi giận muốn tìm ra chân tướng những kẻ nặc danh ti tiện. Đã quá cũ rồi cái trò tung hỏa mù để tạo dư luận hòng cho hội đồng xét giải thưởng Nhà nước gác lại công trình của tác giả "có vấn đề"! Những luồng gió độc lởn vởn ấy có làm cho nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn bận tâm chăng? Gặp ông định hỏi, nhưng Vũ Tiên sinh dường như không chút bận lòng. Ông lại say sưa với ý định viết về Xuân Diệu, tìm hiểu về những người bạn văn tuyệt vời của Bàn Thành Tứ Hữu...
23.2.2012
TRẦN HÀ NAM