Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

TẾT

 

Sáng nay cho một đề luyện tập mở cho lớp Văn, vỏn vẹn một chữ: Tết!
Mới thấy ý niệm về Tết thật là ít ỏi đối với học trò. Chợt nhớ những bài học trong Quốc văn giáo khoa thư thời của cha, dạy cho học trò từng ly từng tí về lễ nghĩa đạo đức cần phải có. Những bài học cho tuổi thơ thật trong trẻo và gần gũi với đời sống.
Có vẻ như giáo dục hiện nay ở môn Văn không chú trọng bồi đắp nền tảng văn hóa cho học trò một cách nhẹ nhàng mưa dầm thấm lâu mà thiên về áp đặt khuôn mẫu...

Tết là gì?
Tôi nhớ ngày tôi còn nhỏ, háo hức mỗi khi Tết đến, khoảng 27 - 28 tháng Chạp là "canh me" chỉ để được nhảy qua xóm bên ngồi túm tụm cùng mấy đứa bạn xóm "trường Đảng" ngồi coi nồi bánh chưng. Hồi mẹ còn ở ngoài Bắc chưa về, cha về quê bỏ lại một mình trông nhà, vắng vẻ thấy mà phát sợ. 
Ngày Tết, cũng thích đi qua nhà cô sát bên cạnh để dện bánh in, hồi ông nội còn sống thương thằng cháu, mà thằng cháu thì nghịch ngầm và hoang lung. Để bây giờ tiếc vì được học ông nội quá ít: vừa nhận mặt được mấy quẻ bát quái - kiền tam liên, khảm trung mã, cấn phúc quyển, chấn ngưỡng bồn, tốn hạ đoạn, ly trung hư, đoài thượng khuyết. Thêm vào đó là hai câu đối treo ở phòng ông: Lan quế đằng phương xuân vị ngại - Đấu thăng đãi dưỡng nhật do trường. Là hết! Ngày Tết, ông nội cũng lì xì cho thằng cháu ít đồng lẻ, sung sướng lắm! Hồi đó, còn nhớ cô Dư lì xì nhiều nhất, mà có lẽ hồi nhỏ mình hay qua chơi bên nhà cô, vì bếp ăn tập thể công đoàn tỉnh hồi đó gần nhà cô... Tết thích nhất là lì xì, mà chẳng biết tiêu gì, ra hội chợ chơi lô tô, chơi trò chơi hết sạch! Năm nào cũng mang về ít bộ ly, có lần trúng lô tô được cái lốp xe (đáng lẽ được khung xe nhưng do chơi lần đầu, lúc người ta hô "kinh!", mình mới hỏi người bên cạnh, lật đật hô "kinh!" - thế là giải chia đôi! Thắng chả bù thua, tại hồi đó ham chơi bầu cua tôm cá mãi đến hết cấp 2 thì mới thề không thèm chơi nữa, mới biết để dành tiền! Mà hết tiền đâm ra láu cá, lại nhớ coi có bác, có thím nào chưa thăm, tới nhà chơi, chúc Tết rôm rà, để ... nhận tiền lì xì ra ngồi sòng tiếp!!! Thành thử lại được khen là...ngoan, lễ phép, biết thăm và chúc Tết bà con, dù không có cha mẹ đi kèm! Thế là sau này lớn lên, năm nào cũng được nhắc đi thăm người này người kia! Hì, cũng là để chuộc tội láu cá hồi nhỏ.
Tết, hồi nhỏ được kèm cặp đánh đồ đồng bằng chanh và tro bếp rây mịn, năm nào cũng đánh, thành chuyên gia! Trước 23 thường về quê đi chạp mả. Riết rồi quen, năm nào không đi cảm thấy thiếu thiếu! Hai anh em được ông nội dạy cúng, nhưng có lẽ do mình vào trước 3 năm, ở gần ông nội nên cúng quen hơn, còn ông anh thì lạy như bửa củi! (Hì, bây giờ bác làm trưởng nam nên thành chuyên gia đại diện gia đình đi cúng giỗ, cũng là để bù!!!). Mình học cúng bài bản, được ông nội khen, thích lắm! Ba bái bốn lạy, đúng kiểu nhất bộ nhất bái! Mà lòng tay cúng ông bà thì úp xuống, không ngửa ra như lễ Phật! Ngày Tết thì 30 cúng rước, mồng 3 cúng đưa, có đi chơi đi thăm ai cũng phải nhớ mà về làm đủ lễ nghĩa! Bày mâm cúng thì khỏi nói, ông nội coi bày không đúng phép tắc thì chỉnh từng li từng tí! Dịp Tết năm ngoái, lên lễ đền Tây Sơn, mình mới được biết thêm: lạy vua 5 lạy. Trước đó chỉ biết lạy Phật 3 lạy, lạy ông bà 4 lạy, lạy linh sàng 2 lạy!!!
Tết khi mẹ vào Nam từ năm 1979 thì còn sướng là được ăn thịt kho Tàu ăm ắp, thịt nấu măng khô, bánh chưng mẹ gói. Ngon ơi là ngon! Mẹ nấu món Tết ngon lắm, đi chơi đâu về lăn vào kiếm cái bánh chưng, hay cuốn bánh tráng đổ chả kèm rau sống là sung sướng cuộc đời! Sau mẹ truyền nghề cho con dâu, ăn mấy món khoái khẩu ngày Tết, lại rưng rưng nhớ mẹ...
Hồi còn ở với mẹ, năm nào giao thừa cũng thức đốt pháo cho đến khi Nhà nước cấm pháo, chả bù hồi trước, có lần giao thừa mình lang thang ngoài đường lượm pháo, về tha thẩn ngồi trước nhà, lôi từng viên pháo mót ra đốt mà ứa nước mắt! Sau này kể lại cho mẹ nghe, mẹ cũng khóc ứa nước mắt. Biết làm sao, cha năm nào cũng phải về quê, không có mẹ, có anh,, thui thủi chả khác mồ côi, sao mà không chạnh lòng! Có mẹ, có anh, khi cha về quê thì mấy mẹ con quây quần bên ấm trà, quả bánh, lúc lớn hơn lại có hẳn ly rượu mừng, mẹ con chúc nhau sau giao thừa thật vui! Đến khi có vợ ra ở riêng, sau giao thừa lại có niềm vui gọi điện chúc Tết cha,  mẹ và bà con phía ngoại (vì quê nội thường ít ai thức đến giờ đó đón giao thừa, buồn hiu!). 
Mồng 1 thường mấy anh em về quê sớm, đi thăm Từ đường lớn, từ đường các phái, uống chén rượu xuân, hỏi thăm chúc Tết bà con. Lớn lên, có gia đình vẫn giữ được lệ này. Mấy cu con nhà mình nhìn chung chưa được giáo dục đầy đủ và nghiêm ngặt như ba nó, nên bây giờ lớn rồi mà vẫn cứ lộc ngộc, lơ ngơ chả biết ai với ai. 
Lễ nghĩa ngày Tết nhiều khi phiền toái, nhưng ngẫm kĩ lại hay, vì nối kết được tình gia đình, tộc họ, quê hương. Tết thời nay nhạt đi nhiều phần lễ mà chú trọng nhiều phần hội, chơi là chính ăn là phụ, tình tộc họ cũng nhạt đi nhiều, trẻ con ít thích về quê hay có về phần nhiều cũng lơ ngơ!
Cho một đề Văn, mà tự dưng có bao điều để nhớ lại, cũng hay! Thấm thoắt mà đón Tết ở quê nội Bình Định đã 35 năm rồi! Bây giờ, đâm ra hoài cổ như một ông già... Học trò nghe dăm chuyện Tết mình kể, cứ như là nghe chuyện ngày xửa ngày xưa!
 Ừ, ngày xửa ngày xưa, Tết là…
27 tháng Chạp Tân Mão
Trần Hà Nam