Đáp án giống nhau, sai giống nhau
Vừa rồi chúng tôi chấm bài cho hệ giáo dục thường xuyên của hai hội đồng tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, gặp lắm chuyện cười ra nước mắt. Một thực trạng khi chấm bài thi Giáo dục thường xuyên (GDTX) là có rất nhiều bài thi giống nhau trong những câu hỏi giáo khoa, có khi cả một phòng thi chỉ có một kiểu trả lời, đều giống nhau ở chỗ thiếu và sai so với đáp án chuẩn giống nhau. Điều đó chỉ có thể giải thích là học viên chép từ cùng một nguồn tài liệu, nhưng vì không có biên bản nên giám khảo coi như là học sinh cùng được hướng dẫn ôn tập ở một nguồn. Rải rác có những bài làm văn ở hai phòng khác nhau nhưng có những chỗ sai thì lại giống y như nhau, giám khảo cũng chỉ biết lắc đầu cười trừ mà đối chiếu đáp án cho điểm, vì không có cơ sở để lập biên bản chấm.
Những câu văn cười ra nước mắt
Đề giáo dục thường xuyên, ở câu 1 yêu cầu nêu hoàn cảnh ra đời của bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng, có thí sinh viết: “Bài thơ Tây Tiến được ra đời trong lúc tác giả cùng đồng đội hành quân xuyên rừngsang giúp nước bạn Lào chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt giành độc lập”. Một thí sinh khác lại viết : “Tây Tiến là đơn vị được thành lập năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp với quân đội Pháp ở biên giới Việt Lào cũng như ở vùng Tây Bắc …”. Một thí sinh còn sáng tạo kinh hoàng khi viết Quang Dũng sinh ra ở Huế, làm văn nghệ sĩ ở xứ Nghệ, và tiếp tục tán “Ông sứng đáng là một người háo danh. Truớc lúc ông đã ra đi tìm đường cứu nước ông vì một người mà phải hy sinh anh dũng thật là khổ danh là một người lính Tây Tiến…vào năm một ngàn chín trăm sáu bảy, ông đã từng đi du học nước ngoài ở Mĩ. Trước khi ông hy sinh ông đã làm một kiến trúc sư…Ông còn làm một tập truyện ngắn, nhật kí trong tù của Phạm Tiến Duật…”. Thật là hãi hùng kiến thức học sinh!
Câu làm văn 5 điểm với đề phân tích hình tượng Rừng xà nu trong truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành, giám khảo lại được chứng kiến những câu văn kinh hoàng!
Một thí sinh hội đồng thi Kon Tum viết: “…rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành sẽ mãi còn được đưa vào chương trình học của học sinh vì bài này luôn nhắc nhở mỗi con người chúng ta phải biết yêu thương rừng. Vì rừng đã bảo vệ chúng ta trong chiến tranh mà rừng còn là lá phổi của chúng ta. Con người không thể sống nếu không có phổi…”. Một học sinh khác viết “Xà nu đã giúp cho con người sống có lúc không nhà. Nguyễn Trung Thành đã cảm nhận được công từ rừng. Hình tượng về rừng giúp con người nhớ mãi không thể quên được.vì con người đã chặt phá củi vì vậy rừng đã có bão…”
Một bài thi đáng suy ngẫm
Những kỳ chấm thi tốt nghiệp, không tránh khỏi gặp những bài thi cười ra nước mắt. Nhưng làm giám khảo tại hội đồng chấm thi tốt nghiệp Bình Định 2010, chúng tôi đã được đọc một bài thi của học viên giáo dục thường xuyên đáng suy ngẫm! Bài làm câu 2 về vai trò của nhà trường trong việc truyền thụ kiến thức văn hoá cho học sinh, một học viên ở Kon Tum đã viết như sau:
“Như chúng ta thấy rõ trước mắt việc truyền thụ kiến thức văn hoá là quan trọng nhất. Sau này có đi đâu chúng ta không biết kiến thức văn hoá cũng bằng không. Thời hiện đại chúng ta cần phải học hỏi nhiều kiến thức bên ngoài hơn để sau này ra ngoài xã hội chúng ta còn có thể học thêm được nhiều việc có lợi cho bản thân. Thời bây giờ người địa phương cũng như người Kinh đều khuyên các con em lên trường học, dù chúng ta học dốt nhưng chỉ cần mình biết được kiến thức và cố gắng chắc chắn mình cũng có thể vượt qua được chính mình. Kiến thức đối với con người chúng rất quan trọng. Chúng ta có kiến thức mới có thể làm được việc như bản thân mình đã mong ước, cũng giống hiện tại giờ chúng đang dự thi tốt nghiệp năm 2010, lúc mà trong thời ôn tập để thi chúng ta cũng đã biết rõ cái đầu chúng có giới hạn, học bài nhiều đầu càng rối tung lên – trong thời gian ta ôn chúng ta nên có thời gian giải trí đầu óc để có trí óc để có thể học bài để mà có kiến thức. Truyền thụ kiến thức có thể cho chúng ta hiểu biết nhiều việc, trong trường học cũng như ngoài xã hội. Chúng ta ra ngoài xin việc người ta cần nhất là những ng` có kiến thức cao mới có thể xin được việc làm. Chúng ta cũng biết thời học sinh sinh viên hiện đại người ta đang cần nhiều kiến thức để có thể lập được nghiệp, biết được kiến thức càng nhiều càng tốt càng có lợi cho chính bản thân mình. Ví dụ như mình xin việc trong một công ty nào đó – mình chỉ sai xót chút ít, người ta nói mình thế này thế kia, chửi hay la mắng, mình hãy nhớ lời họ dạy bảo để rút kinh nghiệm để có thêm nhiều kiến thức hơn. Giờ đang trong thời gian thi tốt nghiệp, có rất nhiều thí sinh mang tài liệu vào phòng thi, theo em mắt thấy dù có mang tài liệu cũng không được coi, cần gì phải mang mất công bị đình chỉ không được vào phòng thi, mồ hôi và nước bọt bao nhiêu năm mình đã cố gắng cuối cùng đi thi mang tài liệu. Chúng học bài biết đến đâu thì làm đến đó, mình học ít thì biết kiến thức ít, học nhiều thì biết thêm nhiều hơn.”
Quả thật một bài thi không đúng đáp án nhưng phản ánh khá trung thực tình trạng học tập cũng như thi cử của học viên giáo dục thường xuyên, phản ánh thực trạng của giáo dục. Thí sinh này làm bài không tốt nhưng so với các bài làm trong nhiều túi giám khảo chấm, đây là bài làm trung thực nhất. Ngoài ra một số bài có những ý khiến giáo viên chúng ta phải giật mình, khi thí sinh viết “nhưng điều mà em muốn nói nhất trong ngành giáo dục là sự thờ ơ của một số thầy cô giáo trong việc truyền thụ kiến thức văn hoá cho chúng em là họ còn nhìn việc học để trao dồi kiến thức của chúng em còn chưa hết mình và còn dạy theo sách giáo khoa họ chưa sáng tạo được những môn mà họ dạy…”. Hay một thí sinh khác viết: “Và một lần nữa em muốn nói đến việc truyền thụ kiến thức văn hóa cho chúng em còn chưa quan tâm lắm. Đó là một số thầy cô giáo còn phân biệt người Kinh và dân tộc, điều đó cũng làm ảnh hưởng tới mỗi người nên em thấy việc này còn làm nặng lòng cho chúng em, còn về bên nhà trường thì luôn là sự an ủi của chúng em và còn là nơi chúng em nên người”.
Phải chăng chúng ta, những người làm giáo dục cần nhìn lại chính mình trước khi cười bài làm của thí sinh trong các kỳ thi tốt nghiệp?
TRẦN HÀ