Tôi đã đọc kỹ bài viết của thầy Nguyễn Đăng Na và bài phản biện của ông. Với những lý lẽ ông đưa ra nhằm quy chụp PGS.TS Nguyễn Đăng Na, với dụng ý chứng minh cho những lời mạt sát không thương tiếc của ông với một người làm khoa học, tôi chỉ là một giáo viên bình thường đang dạy cho học sinh THPT cảm thấy khó mà chấp nhận nổi! Hơn nữa lối trích dẫn đầy ác ý của ông khiến cho ai chưa đọc bài viết của PGS.TS Nguyễn Đăng Na dễ bị dẫn dụ theo ngôn từ đóng mác “nhà văn”, trong đó có những biện minh theo tôi là mang tính ngụy trá và hồ đồ. Nên có vài lời thưa cùng ông!
Trước hết cần xác định lại cho ông tinh thần thơ ca của Nguyễn Bỉnh Khiêm theo lời của Phan Huy Chú được dẫn trong sách giáo khoa: “Văn chương ông tự nhiên nói ra mà thành, không cần gọt giũa, giản dị mà linh hoạt, không màu mè mà có ý vị, đều có quan hệ đến việc dạy đời”. Lại nhắc thêm cho ông một điều cũng được ghi lại trong sách giáo khoa lớp 10: “Làm quan được tám năm, Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ xin chém mười tám kẻ lộng thần. Không được chấp thuận, ông bèn xin thôi làm quan và về sống ở quê nhà.” (tr.170) và “Tuy ở ẩn nhưng ông vẫn thường được vua nhà Mạc vời đến triều tham gia chính sự” (tr.171). Phải nói rõ như vậy vì những kiến thức trong phần Tiểu dẫn không phải ngẫu nhiên đưa ra mà để cho học sinh có hướng tiếp cận đúng con người của Nguyễn Bỉnh Khiêm. “Chí để ở sự nhàn dật” thế nhưng cái gọi là nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm là thân nhàn mà tâm không nhàn!
Bàn lại với ông về cách tiếp cận Nguyễn Bỉnh Khiêm, trước hết tôi muốn chỉ cho ông thấy ông tự mâu thuẫn với chính mình, khi thừa nhận Nguyễn Bỉnh Khiêm “là bậc thầy nho, y lý, số” nghĩa là điển hình cho kẻ sĩ mẫn tiệp và cho rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm “cứ gì phải bám vào ai,. Thế mà sau đó ông khẳng định luôn với ý chê trách: “Thời xưa, kẻ sĩ luôn miệng Khổng tử viết, Mạnh tử viết…”. Ô hay! Vậy thì ông xếp Nguyễn Bỉnh Khiêm vào vị trí nào? Chả lẽ nói cụ dân dã thì tước luôn vị thế kẻ sĩ, cho cụ làm nông dân cho tiện việc bình bậy của ông hay sao? Hay chẳng qua ông muốn mượn cụ Trạng Trình để tiện việc chửi xéo cái mà ông gọi là “tư tưởng nô lệ nước ngoài”(không biết ngày xưa ông có tuyệt đối không trích dẫn ông Ốp, ông Ép, ông Mao, ông Chu khi viết không? Tôi không phải là ông nên tôi không biết!)
Cái tinh tế của Nguyễn Bỉnh Khiêm chính là ở chỗ đàng sau lời nói giản dị tự nhiên là sự uyên thâm của bậc túc nho đấy! Bám sát văn bản theo kiểu của ông thì chỉ sa vào bình tán, hiểu ngô nghê văn bản mà thôi! Cách hiểu Một mai, một cuốc, một cần câu trong bài viết của PGS.TS Nguyễn Đăng Na xuất phát từ mục đích muốn tầm nguyên tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm, không phải là không có lý, đặc biệt là ý liên hệ với bài Trúc can trong Kinh Thi mà ông đã tảng lờ không trích: “Hai câu đầu cô gái hát “Địch địch trúc can, Dĩ điếu vu Kì” nghĩa là “Cành tre dài von vót, để câu ở sông Kì”. Đấy là cần câu để câu, chứ không phải là công cụ lao động để bắt cá” (TCHN – tr.70). Còn ông khăng khăng bắt cụ Trạng phải thành một nông dân thứ thiệt và xuyên tạc ý về cần câu trong bài viết của thầy Na là “một cách thức tự giới thiệu mình để bậc quân vương để mắt tới”. Một sự xuyên tạc với tâm địa không minh bạch, vì ý nghĩa của những vui thú mà Nguyễn Bỉnh Khiêm hướng tới được PGS.TS Nguyễn Đăng Na nói rõ “Vui thú mà Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn là, tự tại ung dung, một mình - chỉ một mình tôi - giữa đất và trời; không làm bề tôi đội đầu Thiên tử, cũng chẳng làm bạn với các chư hầu vì họ đang đội Thiên tử trên đầu; tự đào giếng mà lấy nươc uống; tự cầy cấy mà lấy thứ ăn; câu chẳng cần mồi, chẳng lưỡi câu mà các bậc thánh hiền như Vũ vương tự tìm đến Khương Tử Nha” (tr.70). Viết như vậy là rõ ràng, thể hiện được cái chí của Nguyễn Bỉnh Khiêm không muốn mắc vào vòng danh lợi, không cúi luồn mà vẫn đau đáu tấm lòng muốn giúp nước.
Ông Hoàng Tiến lấy Nguyễn Khuyễn để so sánh với Nguyễn Bỉnh Khiêm để nhấn mạnh “Không được cá cũng không sao. Di dưỡng tinh thần là chính” thì hiểu quá đơn giản cả Nguyễn Bỉnh Khiêm lẫn Nguyễn Khuyến! Nghĩa là ông trói hai ông ở hai thời đại khác nhau, hai tâm trạng khác nhau để làm cái việc vô tính hoá hai ông, minh hoạ nhàn nhạt cho cái thuyết “độc thiện kỳ thân” của nhà Nho! Cả hai cụ tầm lớn hơn thế nhiều, ông nhà văn nói thế, các cháu học sinh non nớt không khéo nghĩ hai cụ đại nho này đều về quê làm nông dân cày sâu cuốc bẫm, câu cá kiếm cơm thì cơ khổ cho hai cụ.
Ông Hoàng Tiến còn tỏ ra hồ đồ và vội vàng, khoe kiến thức, dẫn giải cho PGS.TS Nguyễn Đăng Na về hình nhi hạ, hình nhi thượng. Rồi mách nước có 11 chữ giá… cũng không ngoài mục đích tự tôn ông lên, mạt sát người khác một cách lố bịch, mà chẳng có gì mới mẻ hơn. Ông không buồn để ý đến lập luận trong bài viết, mà chăm chăm lọc tỉa ý để bóp méo theo cách hiểu của ông. Bài viết của PGS.TS Nguyễn Đăng Na lưu ý rõ tính “nhất khí” của thơ Đường luật, để bàn về mối liên hệ giữa phần Mở và phần Luận của bài thơ. Ông thì chăm chăm “bám sát văn bản” để xuyên tạc, mà không nhận thấy dụng ý bình chữ giá trong tổng thể bài viết đã nói rõ. Mà không hiểu hoặc cố tình không hiểu thì cũng đừng tán dương những cách hiểu bình tán (bản thân nhà thơ Xuân Diệu tán hay nhưng nhiều khi đi quá xa văn bản, dẫn đến hiểu sai!). Một bài nghiên cứu sâu mang tính chuyên ngành như bài của PGS.TS Nguyễn Đăng Na thì ông nên nghiền ngẫm kỹ rồi hãy phản bác, nó mới thật sự tôn ông lên, còn vì trái ý mình, đọc phải những lời trong bài viết mà ông cảm thấy bị chạm nọc, vội vàng giãy nảy lên và cho người khác là tâm thần thì tôi thấy ông là người dễ nổi nóng vô cớ quá ông nhà văn ạ! Kẻ dốt này đọc bài viết của bậc thầy như Nguyễn Đăng Na sáng ra nhiều điều, tự nhủ phải biết dẹp tự ái vặt hay cao đạo để khôn lên. Còn chân lý khoa học, tư cách nhà nghiên cứu thì không phải vì mấy lời mắng mỏ của ông nhà văn mà bị bóp méo, bị hạ thấp! Dù cho lời ấy có đăng trên website của Hội nhà văn cũng chẳng làm sang thêm cho ông, bởi một người đáng trọng như PGS.TS Nguyễn Đăng Na không có thì giờ để đọc những lời bậy bạ. vô văn hoá như thế!
Trung ngôn nghịch nhĩ, tôi có vài lời hóng hớt vậy thôi, ngỏ vài lời trên ÔNG MẠNG, may ra ông có đọc và mắng thêm vài câu cũng chả sao!Lãng tử Trần Nam