Bài cho Câu lạc bộ trẻ - Hội VHNT Bình Định
Những vần thơ mang tình đất
Trường Lê Quý Đôn mấy năm nay đã thành địa chỉ đỏ đón học sinh từ các huyện về học. Cùng bao bỡ ngỡ âu lo khi bước chân vào ngưỡng cửa cấp III, các em còn mang theo tâm hồn tươi rói màu đất phù sa và mượt mà giai điệu những dòng sông quê miền Trung xanh ngăn ngắt.
Thơ học trò - mỗi khi chúng ta nghĩ đến mảng thơ này thường lại có một cách hình dung kẻ cả của những người lớn "học trò ấy mà!". Tôi đã đọc và tôi cũng đã nghĩ như vậy (có lẽ đó cũng là cố tật của người làm nghề dạy học, hay bới lông tìm vết, nhất là thơ ấy lại là của học trò mình). Nhưng quả thật, tôi đã phải một phen ngạc nhiên vì cấu tứ, hình ảnh thơ khá già dặn trong thơ của các em. Vẫn có những lời còn vụng dại, thế nhưng những tâm tình nhắn gửi của các em trong thơ thì không hề non nớt chút nào. Một nỗi nhớ quay quắt hình ảnh mẹ :
Ôi, những mùa đông trôi qua buốt rát
Chắt chiu quê nghèo mẹ lặn lội nuôi con
Bao yêu thương, hy vọng mãi luôn còn
Dãi dầm nắng mưa, nét son mẹ phai dấu
(Bến cả -Lê Anh Nguyệt)
Một rung động thiếu nữ được diễn tả bằng những lời thật ngọt :
Chiều chiều, "người ấy" lại đi qua
Hôm nay sao đứng lại bên nhà
Len lén nhìn lên song cửa sổ
Một giàn giấy tím đã nở hoa
(Bâng khuâng - Nguyễn Hà Huyền Trân)
Những tác giả được giới thiệu hôm nay tuổi đời còn rất trẻ, mới qua ngưỡng trăng tròn. Hai gương mặt thơ Nguyễn Hà Huyền Trân và Lê Anh Nguyệt thật ngẫu nhiên lại cùng đến từ huyện Hòai Ân – nơi những ngày qua cuồng xoay những dòng lũ xóay, với bao nỗi đau thắt lòng nhà sập, nước dâng. bởi thế các em không chỉ có những dòng thơ tươi trẻ mà đã chớm hằn những âu lo khi lần đầu xa quê, xa mẹ. Có lẽ quê hương còn nhiều vất vả cũng là nguồn thương làm nên thế giới thơ riêng của các em. Thế giới thơ ấy khác hẳn thơ chúng tôi thời trước, cũng không giống như bây giờ chúng tôi làm thơ về lứa tuổi học trò. Có lẽ một phần vì các em mê thơ, say văn nên đã đến với thơ như nguồn giãi bày những ẩn ức, những tình cảm trong trẻo của thế hệ mình. Tình quê, tình mẹ, bao nỗi niềm được các em thể hiện bằng tất cà những bồi hồi xúc động của học trò lần đầu xa quê. Có ai đó đã nói “Không có thơ trẻ, thơ già, chỉ có thơ hay, thơ dở”, nhưng tôi lại nghĩ khi thơ được soi chiếu qua lăng kính tâm hồn của những người trẻ lại có một sức sống rất riêng, không phải “cưa sừng làm nghé” như nhiều bài thơ người lớn. Hy vọng rằng những tình cảm được nhen lên thành thơ hôm nay vẫn là một ngọn lửa ủ ấp trong suốt những năm tháng học trò . Đôi khi tôi bỗng thèm mình còn giữ được chất men nồng như thế để cất lên những lời ca ngợi cuộc sống mến thương này.
Nguyễn Hà Huyền Trân
BÂNG KHUÂNG
Tan học thì đường ai nấy đi
Lại theo người ta chẳng nói gì,
Cứ vờ nhìn lá mây trên phố
Rực hồng hoa phượng đến mùa thi
Chiều chiều, "người ấy" lại đi qua
Hôm nay sao đứng lại bên nhà
Len lén nhìn lên song cửa sổ
Một giàn giấy tím đã nở hoa
Tan học chiều nay không có ai
Lặng lẽ đi theo trên lối dài
Phố vẫn đông, sao thấy vắng
Ngu ngơ với gió, bước chân nai
"Người ấy" ra trường vào năm nay
Sân trường vắng ngắt chợt buồn thay
Tiếng ve ngân khúc, thênh thang nhớ
Bất giác vu vơ bỗng nhớ ai.
NHỚ QUÊ
Lên thành phố đã ba năm
Xôn xao trong những đêm nằm nghe mưa
Biết cha đang bận cày bừa
Mẹ lo nhà dột, phên thưa, gió lùa
Thèm ăn cá lóc canh chua
Mẹ mình vẫn nấu mỗi mùa gặt xong
Chiều chiều đi giữa phố đông
Học trò tỉnh lẻ nhói lòng nhớ quê
Nguyễn Hà Huyền Trân
TIẾNG QUÊ
Quê mình ngày này đẹp lắm chị ơi!
Đẹp như khi chị tròn mười sáu
Vầng trăng non còn đang ẩn náu
Khoác lên mình chiếc áo nàng tiên
Chị ra đi, chân mải miết triền miên,
Chỉ còn mẹ và những ngày quê nắng đỏ
Bờ đê dài bóng ai sao bé nhỏ
Lấm lem bùn lầy như thuở còn chăn trâu
Thời gian ơi xin hãy trôi mau,
Để chị về cho quê hết tủi
Để mẹ bước ra đồng không lủi thủi
Ruộng quê mình gấp gáp những cánh cò
Thu về, em cảm thấy âu lo
Giấy nhập học ướt nhoè hai mi mắt
Nhà bây giờ chỉ còn mẹ quay quắt
Đợi chị về cùng mẹ và quê hương
MỘT THUỞ MƯỜI LĂM
Những ngày tháng đẹp như trang cổ tích
Trôi qua mau như cơn gió theo mùa
Ta chẳng thể cứ mãi mười lăm tuổi
Sao thương hoài thuở hoa bướm ngày xưa
Mái trường và bao kỷ niệm buồn vui
Hộc bàn cũ, chỗ ngồi quen mùi vở
Vu vơ những buồn vui tưởng chừng vô cớ
Ngỡ đâu mình đã quên...
Khép lại tuổi hồng một thuở quàng khăn
Thời gian làm sao xoá nhoà thương nhớ
Bạn bè ơi! Phải chăng còn mắc nợ
Ứơc một ngày sum họp thoả hàn huyên
Lê Anh Nguyệt
HOA CỎ MAY
Hoa cỏ may
Rơi nhẹ nhàng
Theo gót em về trên con đê nhỏ
Vướng mắt ai nhìn
Bỗng, xa xăm!
Một trời hoàng hôn
Mắt em xanh
Trong thơ ngây biếc lạ
Một mùa hạ vô tình
Lững thững vội đi qua
Cơn mưa hạ
Rơi áo ai, khắc khoải!
Hay mắt em nhìn
Vẫn vô tình như thuở mây trôi...
Rồi một ngày,
Hoa cỏ may
Đưa nỗi buồn
Vào lòng ai thương nhớ
Chợt bỡ ngỡ
Đưa gót quay về
Vấp lối cũ
Hoa cỏ may
Bay...!
Lê Anh Nguyệt
BẾN CẢ
Ngày qua ngày, con ngóng thời gian trôi lặng lẽ
Năm tháng xa nhà con nhớ quá mẹ ơi!
Thành phố phồn hoa nhưng trôi qua vội vã
Đêm khuya về lầm lũi tiếng chổi thưa
+
Con đường xưa về quê mẹ sao xa tắp
Bụi quay về lấp loá dấu chân con
Mẹ lên thăm với đôi mắt mỏi mòn
Gió thời gian thổi tóc mẹ thêm bạc
+
Ôi, những mùa đông trôi qua buốt rát
Chắt chiu quê nghèo mẹ lặn lội nuôi con
Bao yêu thương, hy vọng mãi luôn còn
Dãi dầm nắng mưa, nét son mẹ phai dấu
+
Thời gian trôi như giấc mơ xa vắng
Giật mình con kêu Mẹ giữa đêm khuya
Dù mai đây con mê mải chưa về
Tiếng kêu mẹ con vẫn còn nhớ mãi
+
Đêm nay thời gian lại trôi lặng lẽ
Ngóng về quê, con nhớ mẹ quá thôi
Sóng cuộc đời đưa đẩy con dạt trôi
Thì mẹ vẫn là nơi con gối bãi .
Lê Anh Nguyệt
ĐÔI MẮT HÒN VỌNG PHU
Tôi đến thăm người chờ chồng hoá đá
Bên biển khơi bóng bạc hoá rêu xanh
Đôi mắt đỏ mưa lần trôi vết dấu
Mỏi mòn theo nhịp đếm của thời gian
+
Tôi đã biết đôi mắt người hoá đá
Vẫn mang theo bao chất chứa trong lòng
Mỗi hoàng hôn chim bay nơi phương lạ
Mắt của người hoá đá bỗng rưng rưng
+
Nơi biển xanh người đi xa chẳng lại
Để mắt người mang sóng biển xa xăm
Tay bế con, đôi mắt sâu vời vợi
Chở đong đầy bao ký ức , tháng năm...
+
Tôi đến đây
Và tôi đã thấy
Gió thổi đầy đôi mắt vọng phu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét