Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Suy nghĩ về tuồng hát bội của cụ Tú Nhơn Ân


1. Tổng quan về nghiên cứu Nguyễn Diêu và kịch bản tuồng
            Cụ Tú Nhơn Ân là cách gọi tôn kính dành cho cụ Nguyễn Diêu, hiệu Quỳnh Phủ, quê quán Nhơn Ân, Phước Thuận, Tuy Phước. Theo tài liệu của tác giả Thúy Vi đăng trên Báo Bình Định ngày 15.4.2003 thì cụ sinh vào ngày 21/7 năm Minh Mệnh thứ 2 (1822), mất ngày 19-3 năm Tự Đức thứ 33 (1880). Cụ là soạn giả tuồng hát bội nổi tiếng, là thầy dạy học và nghiệp sư hát bội của hậu tổ hát bội Đào Tấn (1845 – 1907). Tuồng hát bội Bình Định nửa cuối thế kỉ XIX gắn liền với tên tuổi của hai thầy trò cụ Tú Nhơn Ân. Trong đó, các vở diễn của Quỳnh Phủ tiên sinh vẫn được lưu diễn đến tận ngày nay là Ngũ Hổ Bình Tây (Liêu), Liệu đố (Chữa bệnh ghen), Nguyệt Cô hóa cáo(còn có các tên gọi Võ Tam Tư trảm Nguyệt CôCổ miếu vãn ca, còn gọi theo lối dân dã làChém Cáo)… Năm 2011 vừa qua, công trình Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ của nhà nghiên cứu lão thành Vũ Ngọc Liễn đã tập hợp, giới thiệu trọn vẹn văn bản của ba vở tuồng này.
            Những nghiên cứu văn bản, cảm nhận, giai thoại về cuộc đời và sự nghiệp của nhà soạn tuồng Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu phần lớn chỉ đăng rải rác, mang tính chất bàn góp hoặc điểm xuyết trong quá trình nghiên cứu tuồng hát bội nói chung, chưa có công trình nào tập hợp đầy đủ và bước đầu có ý thức hệ thống như công trình của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn. Nhưng như tác giả công trình đã trình bày về việc biên soạn trong điều kiện bệnh tật, chạy đua với thời gian nên không khỏi còn bỏ sót, nhầm lẫn hoặc chưa đầy đủ, vì vậy trong phạm vi tham luận này, người viết xin điểm thêm một vài ý kiến đánh giá trong hệ thống tư liệu cá nhân thu thập được mà chưa được nói đến trong quyển sách của Vũ tiên sinh.