Đã lâu muốn viết điều gì đó, nhưng cứ đắn đo mãi về việc chọn lựa của mình.
Thuở còn là cậu học trò, như bao đứa trẻ khác, từng mơ một giấc mơ làm thi sĩ nổi tiếng khi sang thế kỉ XXI, hồi ấy là một khái niệm có vẻ xa xôi và kì vĩ vô cùng!
Rồi bắt đầu cuộc đời có những bước ngoặt, nhưng hồi đó vẫn tự tin vào khả năng của bản thân ghê lắm. Càng khổ, càng viết được nhiều, rồi một ngày sẽ hãnh diện vì người ta nhắc đến thơ văn của mình!
Niềm đam mê văn chương đầy khổ lụy vẫn chưa tắt, và lại có dịp bùng lên khi về lại nơi mình đã có thành công đầu tiên khi đạt giải Văn đứng đầu cả nước thời phổ thông. Có thầy dìu dắt, mình đã sống những ngày tháng thật Văn tại môi trường ấy.
Rồi bắt đầu ảo tưởng về bản thân khi nghĩ rằng mình giỏi.
Rồi lao vào những hoạt động văn chương không mệt mỏi. Cuối cùng thấy mình càng ngày càng...mệt mỏi và chán ngán với văn chương.
Có những người mình nghĩ hồn họ trong veo và chỉ có những vần thơ chân mộc, giàu tình đời tình người, nhưng rồi một hôm chợt bàng hoàng khi thấy hóa ra họ ...diễn! Thơ ca với họ chỉ là nhằm mục đích tầm thường, phong vương được rồi lại đòi phong thánh!
Có những người bạn, nhưng là đàn anh trong văn giới, sẵn sàng chứng tỏ cái tôi của mình một cách cực đoan. Nhưng rồi đến lượt mình lại trở thành một nạn nhân với lòng tổn thương sâu sắc do chính người bạn mình yêu quý gây ra. Hóa ra trang viết hay chưa chắc đã làm nên một con người tử tế hoàn toàn, theo cái nghĩa toàn vẹn nhất của nó. Dù có thể mai mốt lại cười xòa, lại ngồi bù khú với nhau, nhưng vết thương để lại sẹo khó lành ngày một ngày hai. Chưa bao giờ mình hiểu sâu sắc câu hát của Trịnh đến thế: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...để gió cuốn đi..."!
Ừ, gió hãy cuốn đi giùm ta giấc mộng văn chương phù phiếm...
Ừ, gió hãy cuốn đi giùm ta những muộn phiền vì văn chương giờ đã quá lạc lõng với nhân quần hỗn độn, giả tạo, quyết liệt ăn thua, và ngổn ngang trên văn đàn những thứ quái thai mệnh danh là...văn chương!
Văn chương, cần một cái tâm thật tĩnh để thẩm thấu, ấy vậy mà ta để cho tâm nhiều vọng động. Những mối lo cơm áo gạo tiền không làm ta nguôi niềm đam mê vẻ đẹp văn chương thì giờ đây lại là những chuỗi ngày không phải và không thể sống cho bản thân mình, mình chưa làm được gì tốt đẹp để nêu gương cho con cháu ngoài cái chức danh ông thầy.
Thầy cho ra thầy, khó thay!
Thôi, rời xa giấc mộng không tưởng làm một nhà văn nhà thơ "giang hồ khí cốt, phong nguyệt tình hoài" kiểu Tú Xương hay ngông ngạo kiểu Nguyễn Tuân, thâm trầm Nguyễn Khuyến đi! Các ông làm văn làm thơ thời đó, được người ta biết nhiều về nhân cách hơn đời, đâu chỉ là văn chương? Nam Cao lẳng lặng viết theo phương châm "Sống đã...hãy viết văn!". Bao tấm gương ấy, là ông thầy dạy văn mình chưa truyền thụ hết cho học sinh, vậy mà mộng mơ làm gì cái danh văn sĩ hão thời buổi này?
Bản chất của văn chương là sáng tạo. Mình đã sáng tạo được cái gì mới mẻ cho văn chương chưa? Hay như bậc tiền bối Nam Cao từng đau khổ khi lâm vào cảnh viết những chuyện rất nhạt, gợi những tình cảm rất nông, như một thứ cháo loãng, khiến mình cũng tự chán mình!
Văn chương phải chuyên tâm, mình thì không thể chuyên tâm chuyên chú cho văn chương toàn vẹn. Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau. Cầu mong có người toàn tâm toàn ý và có tâm có tài thật sự gánh vác những chuyện mà lâu nay mình đã bao đồng, đã làm trong ảo tưởng đóng góp cho văn nghệ tỉnh nhà!!! Điểm lại, thì chính mình đang dẫn dắt những hoạt động trong cương vị mình phụ trách vào lối mòn. Không hờn lẫy, không phải là ngoảnh mặt quay lưng với anh em, mà thật sự là do mình vốn bất tài trong văn chương.
Chuyên tâm làm một thầy giáo dạy Văn, vui với học trò, mừng thấy các thế hệ học trò trưởng thành, có chất Văn trong mọi lĩnh vực đời sống, vậy là vui rồi!
Làm người, ở một đất nước như Việt Nam, từ một dòng tộc đáng tự hào, sao mình lại không có cái mơ ước bình thường không cần màu mè khiêm tốn, nói như kiểu Nguyễn Công Trứ: "Phải có danh gì với núi sông". Mà ông nói vậy, đâu phải lưu danh thiên cổ bằng thơ văn đâu, mà bằng chính sự nghiệp góp cho nước nhà, cho lý tưởng sống của mình! Mà sống ung dung khi thoát vòng danh lợi. Sao không học theo?
Từ nay, giã biệt mọi chuyện bao đồng, dồn tâm trí nhiều hơn cho nghề nghiệp, cho trường lớp.
Ngâm câu thơ sảng khoái của Uy Viễn tướng công mà tự dặn lòng:
ĐƯỢC MẤT DƯƠNG DƯƠNG NGƯỜI TÁI THƯỢNG
KHEN CHÊ PHƠI PHỚI NGỌN ĐÔNG PHONG...