Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Rèn luyện cảm xúc...

Giữ được cảm xúc cho những tác phẩm đã đọc đi đọc lại thật là một vấn đề nan giải. Nhưng nếu chịu khó rèn luyện có lẽ cũng không khó để nuôi dưỡng cảm xúc! Điều duy nhất có thể làm chính là luyện viết, tập diễn đạt! Đọc đi đọc lại một tác phẩm nào đó, sẽ có cảm hứng viết cho những suy nghĩ mới mẻ của mình! Chỉ cần dành chút thời gian cho văn chương thì văn chương không phụ. Và một điều nữa, tác phẩm văn chương sẽ có thêm nhiều ý nghĩa nếu như ta biết liên hệ với thực tế, viết qua trải nghiệm của bản thân. Mà trải nghiệm của con người thì không ngừng đầy đặn thêm cùng thời gian. Bởi thế mà mới có câu "thầy già, con hát trẻ"! Rồi sẽ đến lúc những nhu cầu diễn đạt hình thức tân kì qua đi, cái còn lại chính là độ sâu của lời văn, độ chín của tư duy.
Có lẽ đây cũng chỉ mới là những phác thảo cho một cách học văn hiệu quả, và tự bóc tách chính mình, để ra đề cho mình viết, cho siêng năng hơn, và bớt chai lì!
***
Tiếp tục tản mạn văn chương, xung quanh Đời Thừa của Nam Cao - một tác phẩm từng là nỗi ám ảnh những ngày đầu đi dạy. Trải nghiệm bằng tâm thế hiện giờ, xem thử lòng mình có khác!
Hộ là một nhà văn - một nhân vật mà Nam Cao gửi gắm chính mình trong đó rất nhiều. Những trăn trở về nghề nghiệp cũng là nỗi niềm đắng chát trước hiện thực và sự trăn trở của chính Nam Cao trên hành trình khát vọng của mình. Thời Nam Cao, danh xưng nhà văn thật cao quý, và ông đã thổi vào trong nhân vật của mình khát vọng sống nhân đạo và viết nhân đạo. nhân vật bị đặt giữa những xung đột nghệ thuật và cuộc sống, những suy tư giằng xé làm thế nào để được sống đúng là mình, không mang mặc cảm sống thừa. Bi kịch ấy chỉ có được ở những cây bút có lương tri, lương năng. Thời nay, khi các giá trị thực dụng lên ngôi, không biết cuộc sống có bao người như Hộ? Và giả sử Nam Cao tiếp tục phát triển những suy tư của mình về Hộ, thì liệu một khi nhà văn trải qua quá nhiều thực tế đắng chát, anh ta có còn ắp đầy giọt nước mắt ân hận, có còn nghiến răng tự rủa xả mình? Câu chuyện về Hộ, chuyện đời của Hộ dành cho những ai ôm hoài bão cháy bỏng về văn chương, không quá đề cao nghệ thuật tối thượng để tách rời khỏi những nhu cầu cơ bản nhất của đời sống cơm áo gạo tiền. Những mong làm một cái gì thật lớn lao, nhưng chỉ lo cơm áo gạo tiền đủ mệt óc - điều Nam Cao trăn trở ấy có lẽ không giới hạn trong thời ông sống mà là chuyện của muôn đời. Có thể ứa nước mắt vì thấy rằng giấc mộng viết tác phẩm "vượt lên trên mọi bờ cõi và giới hạn, là tác phẩm chung cho cả loài người" ở một xã hội rẻ rúng văn chương thì chỉ là một giấc mơ không bao giờ thành hiện thực. Và như vậy, nhà văn Việt Nam chân chính mãi mãi lâm vào bi kịch. Truyện Nam Cao lớn vì mổ xẻ những điều vặt vãnh của cuộc sống một cách thấu đáo, không đại ngôn bốc đồng như những cây bút thích nói những điều to tát nhưng chuyển tải thông điệp cuộc sống bé con con. Có bao người khi ngồi trước trang giấy, cảm thấy mệt mỏi vì những áp lực cuộc sống biến mình thành kẻ vô tích sự, một người thừa như Hộ? Có lẽ trong các truyện của Nam Cao về đề tài trí thức, đây là một trong những tác phẩm nói về giá trị của tiền một cách có lý. Tiền bạc và Hạnh phúc với một nhà văn nghèo "có cả một gia đình phải chăm lo" dường như vận hành theo một chu trình trái ngược nhau. Nam Cao còn chỉ ra cả những nguyên nhân chủ quan làm nên bi kịch của Hộ là thói bốc đồng nghệ sĩ, căn bệnh sĩ khiến cho trong phút chốc tiền bạc không cánh mà bay theo những mơ ước viển vông xa vời và những lời đao to búa lớn. Những "văn sĩ" thời nay khi coi văn chương là một trò chơi, một cuộc chơi có thể kiếm cho họ rất nhiều tiền liệu có bĩu môi trước một anh Hộ của một thời không xa lắm? Sự nhạy cảm của một nhà văn đã khiến cho Nam Cao sau này đã viết truyện Đôi Mắt để nói về dạng "văn sĩ kiêm tay chợ đen" qua nhân vật Hoàng - một đối cực với Hộ của Đời Thừa. Nghĩa là Nam Cao trung thành với tín điều đã xác định "có ai giàu có bạc vạn đem đổi lấy cái khổ thì vị tất đã đổi của mình". Cái khổ của sự sáng tạo với Nam Cao dường như không song hành với tiền bạc như nước. Và nhà văn khi để đồng tiền chi phối thì văn chương dường như cũng nhạt đi. Hộ là một mẫu hình trí thức theo quan niệm Nam Cao - thuần túy không pha tạp chất con buôn của những tay đầu cơ chữ nghĩa và đánh đĩ văn chương. Bởi thế nhân vật cũng là một cảnh tỉnh với những người cầm bút.
11.2011
T.H.N