Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

CON NGƯỜI QUA TÁC PHẦM BÀ LÃO IDECGHIN... (KẾT)

Truyền thuyết về chàng Đankô là bài ca tuyệt đẹp về sức mạnh của con người với ánh lửa rực cháy của lý tưởng sống. Đây là con người có tính cách tương phản với Larra - kẻ từ bỏ đồng loại của mình. Bóng đêm, đầm lầy và khu rừng tượng trưng cho những thế lực đen tối muốn ngăn cản sức vươn tới của con người. Những thế lực ấy đã làm cho những người trước kia vốn hùng dũng, quả cảm đã phải chùn bước. Trong hoàn cảnh hết sức điển hình ấy, bản chất của mỗi con người được bộc lộ rõ ràng. Đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết, kẻ mất tinh thần đã “kinh hoảng trước cái chết, không ai còn sợ cuộc đời nô lệ nữa…”. Giữa lúc ấy “Đankô xuất hiện”. Cái quyết tâm của chàng trai là ý chí sắt đá của con người trước mọi trở lực nguy nan, là ý chí của những người dám hành động. Chỉ có những người dám hành động thì mới có thể biến ước mơ thành hiện thực “Nghĩ ngợi không thể hất bỏ được tảng đá trên đường ta đi. Kẻ nào không mó tay vào việc gì thì chẳng làm nên công chuyện gì. Cứ nghĩ làm chi cho hao tâm tổn sức? Hãy đứng lên, chúng ta sẽ đi vào rừng và xuyên qua rừng, bởi vì rừng cũng có chỗ kết thúc, mọi cái trên đời đều có chỗ kết thúc! Ta đi đi! Nào! Tiến bước!...”. Sức mạnh của Đankô là sức mạnh của người quả cảm, sức mạnh của con người tự tin vào bản thân mình. Đankô, chàng trai dũng mãnh dẫn đầu đoàn người đã phải đối chọi với cái hèn nhát của con người khi họ gặp trở lực mới. Mâu thuẫn xung đột lên đến đỉnh điểm khi đoàn người dừng lại và kết án Đankô. Những lời lẽ của chàng trai một lần nữa chứng minh cho giá trị chân chính của con người: “Tôi có gan dẫn đường và tôi dẫn các người đi! Còn các người, các người đã làm gì để tự giúp mình? Các người chỉ cắm cổ đi và không biết giữ sức để đi được lâu dài hơn! Các người chỉ mải miết như đàn cừu!”. Giá trị chân chính của con người là đi và biết hướng phải đi tới. . Chàng Đankô cũng bị chính đồng loại của mình đẩy vào ranh giới của sự sống và cái chết. Trong con người anh giờ cháy lên hai ngọn lửa: ngọn lửa uất hận trước sự u tối của con người và ngọn lửa của tình yêu thương đồng loại. Cái cao thượng của Đankô đang đối chọi với cái thấp hèn của bầy người u mê. Một điều tất yếu sẽ xảy đến: Đankô phải chết, và Con - Người - viết – hoa ấy đã chọn cái chết cho bản thân, cái chết cho đúng với bản chất con người cao thượng của anh. Hành động anh hùng “xé toang lồng ngực” đã làm nên điều thần kỳ; Đankô đã nâng những tâm hồn đồng loại lên. “Trái tim cháy sáng rực như mặt trời, và cả khu rừng im lặng, sáng lên dưới ngọn đuốc của lòng thương yêu vĩ đại đối với mọi người”. Mặt trời chỉ có một, Đankô chỉ có một trái tim, cuộc sống chỉ có một chân lý vĩnh cửu; ánh sáng cháy rực của trái tim Đankô chính là ánh sáng của chân lý. Con Người ấy trong những giờ phút phải giáp mặt giữa ranh giới của sự sống và cái chết, sự căm thù và lòng thương yêu, cá nhân và tập thể, đã chọn con đường hành động theo đúng nghĩa con người, đánh thức những phần tốt đẹp trong bản chất con người. Hình tượng Đankô đầy tính lãng mạn mà M.Gorki đã xây dựng nên tượng trưng cho hình mẫu lý tưởng của con người. Qua hình tượng Đankô, tác giả muốn nhắn nhủ con người: hãy vươn lên đến những chân trời tốt đẹp hơn.
* *
*
Dựng lên ba mẩu chuyện, ái hư chen cái thực, cái thực hoà vào cái hư, bút pháp lãng mạn của M.Gorki đã đem đến cho chúng ta một tác phẩm tuyệt vời. Với truyện ngắn “Bà lão Idecghin”, M.Gorki đã gửi gắm đến chúng ta một nhận thức đẹp về con người, thúc đẩy chúng ta vươn lên đến giới hạn của con người, CON-NGƯỜI-VIẾT-HOA; đó là giá trị nhân văn trong tác phẩm này của ông cũng như bao tuyệt tác khác, ông đã từng cất lên những lời ca bất tuyệt về con người: “Con Người, tiếng ấy tự hào biết bao”
7.11.1987
TRẦN HÀ NAM
(Văn 2B khoá 9 )
(Đánh lại vi tính xong ngày 31.12.2009)

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2009

CON NGƯỜI QUA TÁC PHẦM BÀ LÃO IDECGHIN... (tiếp)

Trong câu chuyện thứ hai, ta bắt gặp chính mảng hiện thực của cuộc đời hiện ra trần trụi, khoẻ khoắn tràn trề sức sống. Mỗi tính cách trong câu chuyện này hiện lên chân thật rõ ràng như trong đời thường ta vẫn hay gặp. Con người trong câu chuyện thứ nhất thuộc về huyền thoại, còn con người ở đây hiện lên với niềm vui và nỗi buồn, sự bình thản và hoảng hốt, sự bình tĩnh và hèn nhát, sự cao thượng và đê tiện, con người có tình yêu và sự đau khổ, con người đi qua những cột mốc thời gian. Trong câu chuyện thứ hai này, ta có thể thấy một anh thuyền chài “chỉ biết ca hát và hôn hít”, một anh chàng Guxun với “một cái đầu rực lửa”, lão Thổ Nhĩ Kỳ “nói năng như một đấng chúa tể”, một thằng bé mười sáu tuổi với tình yêu “rực cháy trong người”, một gã Ba Lan ti tiện và giả dối v.v…. Tất cả những con người ấy được lột tả tính cách qua nhân vật trung tâm là chính bà lão Idecghin.

Bà lão được tác giả quan sát rất kỹ càng: “Tôi nhìn mặt bà lão. Cặp mắt đen của bà vẫn mờ đục, hồi ức không làm cho cặp mắt ấy linh hoạt lên. Ánh trăng rọi sáng cặp môi khô nứt nẻ của bà, rọi sáng cái cằm nhọn vêu vao dính những sợi tóc bạc và cái mũi nhăn nheo khoằm xuống như mỏ cú. Hai má trũng xuống thành hai hõm đen: từ dưới mảnh giẻ đỏ quấn quanh đầu, một mớ tóc màu muối tiêu xoã ra, bê nết vào bên hõm má. Da mặt, da cổ và da tay chằng chịt nếp nhăn nom như những vết khía và mỗi khi bà lão cử động tôi cứ tưởng như làn da khô héo ấy sẽ rách tơi tả bong xuống từng mảnh và trước mắt tôi sẽ hiện lên bộ xương trần trụi với hai hốc mắt đen ngòm đờ đẫn.”. Con người ấy trong quá khứ lại là một phụ nữ tràn đầy sức sống và khát vọng tình yêu. Tình yêu của người phụ nữ này thật kỳ lạ, rất mãnh liệt và rất tha thiết. Cô gái Idecghin sẵn sàng dâng hiến tấm thân trinh bạch cho người mình yêu, nhưng lập tức có thể dứt bỏ ngay tình yêu ấy vì đó là tình yêu “yêu chỉ để mà yêu”, và cuộc đời đâu chỉ có “ca hát và hôn hít”. Tình yêu của cô với anh chàng Guxun cũng dữ dội không kém. Cả anh chàng thuyền chài Prút và anh chàng Guxun, hai người yêu của cô cùng giáp mặt với cái chết một lần. Trước cái chết, anh chàng Guxun dũng cảm “phì phèo tẩu thuốc” và anh thuyền chài “tái mét mặt khóc lóc” là hai hình ảnh tương phản của hai tính cách ngang tàng và hèn nhát của con người. Người phụ nữ Idecghin này còn yêu cả một gã Thổ Nhĩ Kỳ “giàu có và trịnh trọng”. Nhưng suốt một tuần sống trong “khuê phòng” với “tám ả đàn bà” “suốt ngày chỉ biết có ăn, ngủ và tán chuyện lăng nhăng”, con người có tình yêu nồng nàn ấy đã nhận ra tình yêu không thể làm nô lệ cho sự giàu có, và đã ra đi với tình yêu mới, tình yêu như sao băng với một thằng bé còn quá non nớt để hiểu thực tế phũ phàng của cuộc đời. Người phụ nữ Idecghin này luôn trăn trở để tìm ra đâu là tình yêu chân chính, đâu là giá trị thực của cuộc sống. Thực tế cuộc sống đã xô đẩy làm phiêu dạt số phận người phụ nữ ấy nhưng không dập tắt nổi ngọn lửa sống, ngọn lửa tình yêu trong tim bà. Tình yêu của người phụ nữ Idecghin tìm đến với một điều gì phi thường, với những con người có thể lập nên kỳ công. Lời phát biểu của bà lão cũng chính là quan niệm của tác giả về con người” “Anh biết không, trong cuộc sống bao giờ cũng có chỗ để làm nên sự nghiệp phi thường, còn những kẻ không tìm được cơ hội để lập nên kỳ công thì chỉ là những kẻ lười biếng hoặc hèn nhát hoặc là không hiểu cuộc sống, vì nếu hiểu cuộc sống thì mỗi người đều muốn lưu lại bóng dáng mình sau khi mình không còn trên đời này nữa. Và như thế thì cuộc sống sẽ không ngốn ngấu con người mà không để lại vết tích gì”. Quan niệm như vậy nhưng bà lão ấy đã có một thời bị ngọn lửa tình yêu làm cho mù quáng khi yêu một kẻ đểu cáng không xứng đáng là con người. Người phụ nữ ấy đã nếm trải sự đau khổ khi bị ruồng rẫy. Nhưng tình yêu chân chính trong con người bà đã giúp bà nhận ra những lớp son giả dối ở gã ti tiện người Ba Lan ấy. Và mặc dù đã đem mạng sống của mình mạo hiểm cứu hắn, người đàn bà Idecghin ấy đã dứt bỏ một cách thanh thản để ra đi. Hành trình dài suốt quãng đời son trẻ đã được đền bù xứng đáng, người phụ nữ ấy cuối cùng cũng tìm ra hạnh phúc cho bản thân. Câu chuyện thứ hai của bà lão Idecghin có thể nói là một bài học về tình yêu, về cuộc đời và con người. Con người, trong cuộc đời, luôn luôn phải gìn giữ ngọn lửa sống và hãy luôn luôn sáng suốt để có thể tự tìm cho mình những giá trị chân chính của cuộc đời. Bà lão Idecghin vẫn kể câu chuyện ấy cho bao lớp trẻ vì “họ cần nghe những chuyện đó”. Nhận thức của bà về cuộc đời thật đẹp và đáng để chúng ta suy nghĩ: “Đã có thời ta cũng như thế…Có điều là thời ấy, cái thời xa xưa của ta, con người có nhiều sức lực và lửa sống hơn, vì thế sống vui hơn và thú hơn… Đúng thế…”. Trong cơ thể già nua héo hắt ấy vẫn âm ỉ một ngọn lửa sống. Ngọn lửa sống ấy, bà cụ đã ban phát cho biết bao người và tiếp tục thổi bùng những khát vọng vươn tới tương lai, qua câu chuyện thứ ba, câu chuyện về chàng trai dũng cảm Đankô, về Con - Người - viết – hoa.

Phân tích BÀ LÃO IDECGHIN

Bài viết này đã hoàn thành khi tôi còn là sinh viên năm thứ 2 khoá 9 khoa Ngữ Văn Đại học sư phạm Quy Nhơn (1987). Lâu ngày tìm lại được bản viết tay, vi tính hoá để lưu giữ kỷ niệm một thời!
CON NGƯỜI QUA TÁC PHẦM BÀ LÃO IDECGHIN CỦA MACXIM GORKI

Bà lão Idecghin của Macxim Gorki là một trong những sáng tácở giai đoạn đầu của ông, vào cuối thế kỷ XIX. Truyện ngắn này mang tính dân gian cao và là một trong những sáng tác điển hình của ông. Thông qua tác phẩm, M.Gorki đem đến cho chúng ta những hình ảnh đầy chất lãng mạn và hiện thực về con người. Hay nói đúng hơn, đó là những bức tranh về tính cách. Và tác giả đã ca ngợi nhiệt thành những giá trị chân chính của con người.

* *

*

Không khí trong những câu chuyện của bà lão Idecghin là không khí của những câu chuyện cổ tích dân gian Nga xưa “Không khí nhiễm đầy mùi hơi biển gay gắt và khí bốc nồng đậm của đất thấm đẫm nước mưa từ lúc gần tối…Giữa các mảng mây những mảnh trời xanh ngời lên thứ ánh sáng dịua dàng, lấm tấm những vì sao óng ánh như vụn vàng…âm thanh và mùi vị, mây và người đều đẹp và buồn lạ lùng”. Bà lão Idecghin, người kể chuyện, cũng được phác ra như một con người của thế giới cổ xưa: “Thời gian đã làm cho lưng bà lão cong gập xuống, cặp mắt xưa kia đen láy giờ đây đã mờ đục và lúc nào cũng nhoà lệ. giọng nói khô khan của bà lão nghe đến kỳ lạ như tiếng xương va nhau lục cục…”. Bao nhiêu câu chuyện ẩn chứa trong thân hình còm cõi già nua ấy, khi được kể ra bỗng có sức hút quyến rũ lạ thường.

* *

*

Câu chuyện thứ nhất của bà lão là một truyền thuyết về đứa con trai của đại bàng, Larra, một “chàng trai đẹp và khoẻ”, đôi mắt “lạnh lùng và kiêu hãnh như mắt chúa các loài chim”. Vẻ đẹp của Larra là một vẻ đẹp của sự hoang dã, của hai mươi năm không tiếp xúc với xã hội loài người. tính cách của gã trai trẻ ấy được khắc họa trên hai mối quan hệ tiêu biểu: quan hệ với những người cao tuổi và quan hệ với phụ nữ. Chỉ có thông qua hai mối quan hệ trên mới có thể hiểu đầy đủ bản chất của Larra bởi vì suốt hai mươi năm sống tách biệt xã hội, người duy nhất gã tiếp xúc là mẹ gã, cô gái trẻ đẹp ngày xưa bị đại bàng bắt. Bà mẹ của Larra hội đủ hai yếu tố của những người mà Larra tiếp xúc. với các bậc trưởng lão, gã con trai đại bàng đối xử “như những người bằng vai” với thái độ và cử chỉ ngạo mạn hỗn xược. Với phái đẹp, gã đã hành động một cách man rợ và mất hết tính người. Gã ý thức được rằng gã là con trai của đại bàng nên đã cả gan thách thức cả bộ lạc, thách thức với tất cả các giá trị đạo đức của xã hội bằng việc giết một người con gái đẹp một cách dã man trước mặt mọi người. Bản chất của gã con trai đại bàng được rút ra sau một loạt đối thoại giữa gã và những người trong bộ lạc như sau: “nó tự coi mình là người thứ nhất trên đời và ngoài bản thân nó, nó không nhìn thấy gì nữa hết (…). Nó không có bộ lạc, không có mẹ, không có gia súc, không có vợ và cũng chẳng muốn các thứ đó”. Gã chính là hình ảnh cá nhân sống tách rời cộng đồng. hình phạt có một không hai trong câu chuyện như muốn nhắn nhủ: là người hãy sống đúng như một con người. Larra - kẻ bị ruồng bỏ cuối cùng đã nhận ra tác dụng của hình phạt khủng khiếp đó, Từ câu chuyện trên, tác giả đã đưa đến cho chúng ta một kết luận thấm thía về cách sống làm người: khi anh muốn rời xa mọi người thì anh sẽ phải chuốc lấy hậu quả không lấy gì làm tốt đẹp do chính anh gây ra. Cái đáng sợ nhất của con người chưa phải là cái chết mà là sự cô đơn, sống tách rời với xã hội và bị xã hội ruồng bỏ. Chi tiết những giọng hát ở cuối câu chuyện thật thú vị: đó là sự hoà đồng của những tâm hồn, đem đến cho lòng người cảm hứng mạnh mẽ đồng thời như chứng minh tiếp cho câu chuyện Larra bằng một lời kết ngắn gọn “Tiếng hát át tiếng sóng”, và để cho tiếp nối một câu chuyện mới, một bài ca bất diệt về sức sống tràn trề ẩn chứa trong những con người bình thường.