Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009

Phân tích: Độc Tiểu Thanh ký - Nguyễn Du

DÀN BÀI PHÂN TÍCH BÀI THƠ ĐỘC TIỂU THANH KÝ – NGUYỄN DU
(Trần Hà Nam – Giáo viên trường THPT chuyên Lê quý Đôn Bình Định)
Vấn đề cần làm rõ :
Sự đồng cảm, xót thương của Nguyễn Du với người con gái tài hoa mệnh bạc
Nghệ thuật thơ chữ Hán Đường luật thể hiện cô đúc tâm sự Nguyễn Du trước thời cuộc.
Tinh thần tiếp thu di sản tinh thần Nguyễn Du của xã hội mới
DÀN Ý :
I. ĐẶT VẤN ĐỀ :
1. Nguyễn Du – đại thi hào dân tộc, nhà thơ hiện thực và nhân đạo lớn nhất trong văn học Việt Nam thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX – không chỉ nổi tiếng với “Truyện Kiều” mà ông còn là nhà thơ sáng tác bằng chữ Hán điêu luyện.
2. “Thanh Hiên thi tập” là những sáng tác bằng chữ Hán thể hiện tình cảm sâu sắc của Nguyễn Du với thân phận con người – nạn nhân của chế độ phong kiến.
3. Trong đó, Độc Tiểu Thanh ký là một trong những sáng tác đưọc nhiều người biết đến, thể hiện sâu sắc tư tưởng Nguyễn Du và làm người đọc xúc động vì tình cảm nhân đạo cao cả của nhà thơ.
II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ :
A/ Định hướng phân tích :
1. Độc Tiểu Thanh ký có nghĩa là “đọc tập Tiểu Thanh ký” của nàng Tiểu Thanh. Đó là người con gái có thật, sống cách Nguyễn Du 300 năm trước ở đời Minh (Trung Hoa). Nàng là người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng vì làm lẽ nên bị vợ cả ghen, đày ra sống ở Cô Sơn cạnh Tây Hồ. Buồn rầu, nàng sinh bệnh chết và để lại tập thơ. Nhưng vợ cả vẫn ghen nên đốt tập thơ, chĩ còn lại một số bài thơ tập hợp trong “phần dư”. Bản thân cuộc đời Tiểu Thanh cũng đã để lại niềm thuơng cảm sâu sắc cho Nguyễn Du.
2. Cảm hứng xuyên suốt toàn bài được diễn tả trong khuôn khổ cô đúc của thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú. Nguyễn Du khóc người cũng để tự thương mình. Dù là cảm xúc về một cuộc đời bất hạnh đã cách ba trăm năm, nhưng thực chất cũng là tâm sự của nhà thơ trước thời cuộc.
B/ Chi tiết :
1. Hai câu đề : Hai câu mở đầu của bài thơ giúp người đọc hình dung ra hình ảnh của nhà thơ trong giờ phút gặp gỡ với tiếng lòng của Tiểu Thanh :
Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
(Tây hồ cảnh đẹp hóa gò hoang
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn)
a) Hai câu thơ dịch đã thoát ý nguyên tác nên làm giảm đi phần nào hàm ý súc tích của câu thơ chữ Hán. Nguyễn Du không nhằm tả cảnh đẹp Tây Hồ mà chỉ mượn sự thay đổi của không gian để nói lên một cảm nhận về biến đổi của cuộc sống. Cách diễn đạt vừa tả thực vừa gợi ý nghĩa tưọng trưng. “Tây hồ hoa uyển” (vườn hoa Tây Hồ) gợi lại cuộc sống lặng lẽ của nàng Tiểu Thanh ở vưòn hoa cạnh Tây Hồ – một cảnh đẹp nổi tiếng của Trung Hoa. Nhưng hàm ý tượng trưng được xác lập trong mối quan hệ giữa “vườn hoa – gò hoang”. Dường như trong cảm quan Nguyễn Du, những biến thiên của trời đất đều dễ khiến ông xúc động. Đó là nỗi niềm “bãi bể nương dâu” ta đã từng biết ở Truyện Kiều. Nhìn hiện tại để nhớ về quá khứ, câu thơ trào dâng một nỗi đau xót ngậm ngùi cho vẻ đẹp chỉ còn trong dĩ vãng.
b) Trong không gian điêu tàn ấy, con người xuất hiện với dáng vẻ cô đơn, như thu mọi cảm xúc trong hai từ “độc điếu”. Một mình nhà thơ ngậm ngùi đọc một tập sách (nhất chỉ thư). Một mình đối diện với một tiếng lòng Tiểu Thanh 300 năm trước, câu thơ như thể hiện rõ cảm xúc trang trọng thành kính với di cảo của Tiểu Thanh. Đồng thời cũng thể hiện sự lắng sâu trầm tư trong dáng vẻ cô đơn. Cách đọc ấy cũng nói lên được sự đồng cảm của nhà thơ với Tiểu Thanh, “điếu” là bày tỏ sự xót thương với người xưa. Không phải là tiếng “thổn thức” như lời thơ dịch, mà nước mắt lặng lẽ thấm vào trong hồn nhà thơ.
2. Hai câu thực :
Hai câu thực đã làm sáng tỏ cho cảm giác buồn thuơng ngậm ngùi trong hai câu đề :
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
(Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương)
a) Nhà thơ mượn hai hình ảnh “son phấn” và “văn chương” để diễn tả cho những đau đớn dày vò về thể xác và tinh thần của Tiểu Thanh gửi gắm vào những dòng thơ. Theo quan niệm xưa, “son phấn” – vật trang điểm của phụ nữ có tinh anh (thần) vì gắn với mục đích làm đẹp cho phụ nữ. Cả hai câu thơ cùng nhằm nhắc lại bi kịch trong cuộc đời Tiểu Thanh – một cuộc đời chỉ còn biết làm bạn với son phấn và văn chương để nguôi ngoai bất hạnh.
b) Mượn vật thể để nói về người. Gắn với những vật vô tri vô giác là những từ ngữ chỉ cho tính cách, số phận con người như “thần” và “mệnh”. Lối nhân cách hóa thể hiện rõ cảm xúc xót xa của nhà thơ về những bất hạnh của kiếp người qua số phận của Tiểu Thanh. Kết cục bi thảm của tiểu Thanh xuất phát từ sự ghen tuông, lòng đố kỵ tài năng của người đời. Dù chỉ là những đồ vật vô tri vô giác thì chúng cũng phải chịu số phận đáng thương như chủ nhân : son phấn bẽ bàng, văn chương đốt dở. Hai câu thơ đã gợi lên sự tàn hẫn của bọn người vô nhân trước những con người tài hoa. Đồng thời, cũng thể hiện nhận thức của Nguyễn Du vốn rất nhạy cảm trước cuộc đời của khách “hồng nhan bạc phận”, gắn với quan niệm “tài mệnh tương đố” của Nho gia. Vật còn như thế, huống chi ngưòi! Vượt lên trên những ảnh hưởng của thuyết thiên mệnh là cả tấm lòng giàu cảm thương của Nguyễn Du.
3. Hai câu luận :
Từ số phận của Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã khái quát thành cái nhìn về con người trong xã hội phong kiến :
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
(Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang)
a) Nỗi oan của Tiểu Thanh không phải chỉ của riêng nàng mà còn là kết cục chung của những người có tài từ “cổ” chí “kim”. Nhà thơ gọi đó là “hận sự”, một mối hận suốt đời nhắm mắt chưa yên. Trong suy nghĩ ấy, có lẽ Nguyễn Du còn liên tưởng đến bao cuộc đời như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ – những người có tài mà ông hằng ngưỡng mộ – và bao người tài hoa bạc mệnh khác nữa. Những oan khuất bế tắc của nghìn đời “khó hỏi trời” (thiên nan vấn). Câu thơ đã giúp ta hình dung rõ cuộc sống của những nạn nhân chế độ phong kiến, dồn nén thái độ bất bình uất ức ủa nhà thơ với thời cuộc, đồng thời cũng thể hiện một sự bế tắc của Nguyễn Du.
b) Khóc người để thương mình, cảm xúc đồng điệu đã làm thành câu thơ bất hủ “phong vận kỳ oan ngã tự cư” (Ta tự cho mình cũng ở trong số những kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã). Ở đó là tình cảm chân thành đồng điệu của Nguyễn Du, cũng thể hiện tầm vóc lớn lao của chủ nghĩa nhân đạo rất đẹp và rất sâu của ông.
c) Không phải chỉ một lần nhà thơ nói lên điều này. Ông đã từng hóa thân vào nàng Kiều để khóc thay nhân vật, ông đã từng khẳng định một cách đầy ý thức “thuở nhỏ, ta tự cho là mình có tài”. Cách trông người mà ngẫm đến ta ấy, trong thi văn cổ điển Việt Nam trước ông có lẽ hiếm ai thể hiện sâu sắc như vậy. Tự đặt mình “đồng hội đồng thuyền” với Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã tự phơi bày lòng mình cùng nhân thế. Tâm sự chung của những ngưòi mắc “kỳ oan” đã đưọc bộc bạch trực tiếp mạnh mẽ trong tiếng nói riêng tư khiến người đọc cũng không khỏi ngậm ngùi. Tâm sự ấy không chỉ của riêng Nguyễn Du mà còn là nỗi niềm của các nhà thơ thời bấy giờ.
4. Hai câu kết :
Khép lại bài thơ là những suy tư của Nguyễn Du về thời thế :
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hà hà nhân khấp Tố Như
(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Ngưòi đời ai khóc Tố Như chăng)
a) Khóc cho nàng Tiểu Thanh ba trăm năm trước bằng giọt lệ chân thành của trái tim đồng điệu, dòng suy tưởng đã đưa nhà thơ đến ba trăm năm sau cùng một mối hồ nghi khó giải tỏa. Tiểu Thanh còn có tấm lòng tri kỷ của Nguyễn Du tìm đến để rửa những oan khiên bằng giọt nưóc mắt đồng cảm. Còn nhà thơ tự cảm thấy sự cô độc lẻ loi trong hiện tại. Câu hỏi người đời sau ẩn chứa một khát khao tìm gặp tấm lòng tri âm tri kỷ giữa cuộc đời. (Đó cũng là tâm trạng của Khuất Nguyên – “người đời say cả một mình ta tỉnh”, cách Nguyễn Du hai nghìn năm; của Đỗ Phủ, cách Nguyễn Du một nghìn năm : “Gian nan khổ hận phồn sương mấn”)
b) Nhà thơ tự thể hiện mình bằng tên chữ “Tố Như” không phải mong “lưu danh thiên cổ” mà chỉ là tâm sự của một nỗi lòng tha thiết với cuộc đời. Câu thơ còn là tâm trạng bi phẫn của nhà thơ trước thời cuộc. Khóc ngưòi xưa, nhà thơ tự khóc cho chính mình, giọt lệ chảy quanh kết lại một bóng hình Nguyễn Du, lặng lẽ cô đơn khiến người đọc phải se lòng khi ngẫm đến những nỗi đau thấm thía và dày vò tinh thần của những ngưòi tài hoa phải sống trong bóng đêm hắc ám của một xã hội rẻ rúng tài năng.
III. KẾT THÚC VẤN ĐỀ :
1. Đã hơn hai trăm năm trôi qua, bài thơ của Nguyễn Du vẫn còn lưu giữ một tấm lòng với con người sâu sắc và chân thành. Đó là tình cảm không biên giới, vượt thời gian, xuất phát từ gốc rễ “thương người như thể thương thân” của dân tộc.
2. Không phải đợi đến ba trăm năm sau, ánh sáng của thời đại mới đã làm sáng mãi tên tuổi của Nguyễn Du trong lòng dân tộc, tên tuổi Tố Như đã làm vinh danh dân tộc Việt Nam. Cuộc sống đã đổi thay, nhiều niềm vui của dân tộc đang nhân lên trước cánh cửa vào thế kỷ XXI, thế nhưng chúng ta vẫn trân trọng và cảm thông nỗi buồn của Nguyễn Du – nỗi buồn thời đại quá khứ. Thời đại mới giải tỏa cho những bế tắc của Nguyễn Du và thời đại của ông, tiếp thu tinh thần nhân bản dân tộc ấy :
Hỡi Người xưa của ta nay
Khúc vui xin lại so dây cùng Người
(Kính gửi cụ Nguyễn Du – Tố Hữu)
T.H.N

Mưa Xuân của Nguyễn Bính - những cảm nhận!

Đoạn 1: Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: "Thôn Đoài hát tối nay".

Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng tay lại giữa thoi xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chả sang xem!

Em xin phép mẹ vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe
Mưa bụi nên em không ướt áo
Thôn Đoài cách có một thôi đê.

Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.:
Nguyễn Bính (1918 - 1966)
Nguyễn Bính đã ghi dấu ấn của mình trên những trang thơ tài hoa thấm đẫm hồn quê, tình quê. Vẻ đẹp chân quê ấy, ngày nay như một của hiếm nên những vần thơ của Nguyễn Bính dường như lại càng có sức lay động, thức tỉnh người nhà quê trong chúng ta một cách mãnh liệt. Không gian ấy dệt nên những duyên tình đôi lứa, cho ta chứng kiến chất mộc mạc dân dã mà rất tinh tế nhẹ nhàng của những trai làng, thôn nữ. Những cô gái quê vào thơ ông thật đẹp:
Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già...
Cô gái quê trong bài thơ Mưa Xuânđã thật sự làm ta nhớ nhung một vẻ đẹp chân quê làm nên hồn thơ Nguyễn Bính!
Trên nền không gian mưa xuân đặc trưng đất Bắc, Nguyễn Bính đã dệt nên một thế giới của những mộng ước thật trong trẻo và làm nao lòng bất cứ những ai chớm bước vào mùa xuân đẹp nhất của cuộc đời! Khi viết bài thơ, nhà thơ cũng đã đem vào tất cả cái trong trắng của chàng trai mười tám tuổi, giàu mơ mộng và rất đa tình, để khắc hoạ những rung động trước vẻ đẹp của "lòng trẻ còn như cây lụa trắng"...
Khung cảnh mở đầu của bài thơ cũng mang theo những nét quen thuộc của làng quê với nghề canh cửi, phảng phất hương vị dân gian, thật yên bình cái thuở: "trai hiền bạn với gái đồng trinh" (Hoa với rượu). Không gian như hoà điệu với lòng người trong cảnh sắc:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hai hình ảnh "mưa xuân" và "hoa xoan" như làm nên sự gắn kết rất hài hoà của mùa xuân đất Bắc. Tất cả hiện lên cảm giác nhẹ nhàng, cái "phơi phới" của mưa xuân như mang theo vẻ tươi tắn của đất trời, cái nao nức của lòng người trong mùa hội.
Nhà thơ dẫn dắt người đọc vào câu chuyện tâm tình của người con gái bên khung cửi, từ khoảnh khắc câu nói bâng quơ của mẹ:
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay
Đó là khoảnh khắc để cho hạt mưa xuân kia giăng mắc những tơ tình ngổn ngang lòng người thôn nữ! Thời gian như chứa đựng cái hồi hộp bâng khuâng của lần hò hẹn cùng người trai thôn Đoài đủ làm hai má em "bừng đỏ". Nhà thơ đã khéo léo đặt hai từ "hình như" và "có lẽ" ở đầu hai dòng thơ để cắt nghĩa cho cái xao xuyến mong manh của lòng người. Thời gian đã chuyển từ ngoại cảnh vào tâm trạng, điểm nhịp theo từng hạt mưa bụi li ti "mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh". Dường như người đọc có thể cảm nhận cái se lạnh của đất trời đã làm nên phút chờ đợi ẩn chứa bao hy vọng và tin tưởng:"Thế nào anh ấy chả sang xem". Không có một hồn thơ nhạy cảm, có lẽ khó mà diễn đạt nổi cái đợi chờ của người thiếu nữ như Nguyễn Bính!

THƠ NGUYỄN TRÃI

Nguyễn Trãi (1380 - 1442) để lại cho đời những bài thơ chữ Hán và chữ Nôm đặc sắc, qua đó để chúng ta hiểu rõ về chân dung của người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Hơn thế nữa, qua thơ chữ Hán và chữ Nôm của ông, ta có thể nhận ra chân dung một nghệ sĩ, một con người chính trực. Tìm hiểu Nguyễn Trãi thông qua một tác phẩm chữ Hán trong Ức Trai thi tập và một tác phẩm chữ Nôm trong Quốc âm thi tập tuy chưa giúp hình dung đầy đủ về tâm hồn Nguyễn Trãi, nhưng chúng ta cũng có thể nhận ra tâm sự cũng như cảm hứng của nhà thơ.
I. Mạn hứng bài số 4:
Nguyên tác:
Cửu vạn đoàn phong ký tích tằng
Đương niên thác tỷ bắc minh bằng
Hư danh tự thán thành cơ đẩu
Hậu học thùy tương tác chuẩn thằng
Nhất phiến đan tâm chân hống hỏa
Thập niên thanh chức ngọc hồ băng
Ưu du thả phục ngôn dư hiếu
Phủ ngưỡng tùy nhân tạ bất năng.
Dịch nghĩa:
Nhớ xưa từng có ý muốn cưỡi gió lên chín vạn dặm cao
Bây giờ toan tự sánh mình với chim bằng ở biển bắc
(Tự thẹn) hư danh (vô dụng) chẳng khác nào sao cơ sao đẩu
Kẻ học sau ai lại đem mình ra làm mức làm chuẩn
Một tấm lòng son sắt như lò lửa luyện kim đan
Mười năm phục vụ liêm khiết trong như bầu ngọc
Lại bảo rằng ta ưa thanh nhàn
Còn như cúi mình theo người thì ta không có khả năng.
Dịch thơ:
Từng ước mơ bay chín vạn tầng
Giờ mong biển bắc giống chim bằng
Đáng than danh giả thành nia đấu
Khó để người sau dựa mực cân
Một tấm lòng son như thuốc luyện
Mười năm chức sạch tựa bầu băng
Thanh nhàn, ấy rõ điều ta thích
Luồn cúi theo người ta chẳng vâng.
(Bản dịch của Lê Cao Phan)
Căn cứ vào nội dung, có thể suy đoán bài thơ này được Nguyễn Trãi sáng tác khi đã hoàn thành sự nghiệp chống quân Minh giải phóng đất nước và đang còn làm quan tại triều Lê. Trong hoàn cảnh bọn quyền thần lũng đoạn triều chính, chí lớn giúp vua an dân của ông không thể thực hiện được, bản thân Nguyễn Trãi cũng bị chèn ép, vì vậy bài thơ chính là nỗi niềm của người anh hùng trước thời thế đổi thay, mang nặng tâm sự về nhân tình thế thái, bộc lộ rõ khí tiết thanh cao của bậc đại nhân, đại trí, đại dũng.
Bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, cô đúc những nỗi niềm sâu kín, cũng như thấy những xung đột giữa khát vọng và hiện thực, giữa quá khứ và hiện tại, khởi đầu của những bi kịch trong cuộc đời người anh hùng Nguyễn Trãi - một nhà nho tiết tháo, một kẻ sĩ cương trực.
Hai câu đề của bài thơ toát lên cốt cách và hào khí của người anh hùng mang chí lớn, thể hiện cái hào sảng ngất trời của con người đã góp công sức trong công cuộc Bình Ngô:
Cửu vạn đoàn phong ký tích tằng
Đương niên thác tỷ bắc minh bằng
Kết hợp với hai câu thực, chúng ta mới nhận ra ý nghĩa của phần tiền giải trong bài thơ: Nguyễn Trãi đang tự giễu chính mình, đặt những khát vọng ước mơ của quá khứ đối mặt với thực tại để ý thức rõ hơn hoàn cảnh của mình. Con người từng mơ làm cánh chim bằng bay chín vạn tầng mây đâu phải là loại tầm thường dễ chịu khép mình vào trong vòng danh lợi! Con người ấy thực tế đã làm cánh chim bằng thoả chí lớn cứu nước trả thù nhà, góp công sức đuổi sạch quân thù ra khỏi bờ cõi. Thế nhưng, trong cái triều đình buổi đầu lập nước đã sớm xuất hiện bè phái nghi kỵ nhau, bản thân Nguyễn Trãi cảm nhận rõ sự lẻ loi của một người mang chí lớn:
Hư danh tự thán thành cơ đẩu
Hậu học thùy tương tác chuẩn thằng
Với ông, công danh chỉ là thứ “hư danh” có thể làm hỏng con người mà thôi. Nguyễn Trãi từng viết trong một bài thơ khác những lời đầy cay đắng:
Hư danh thực họa thù kham tiếu
Chúng báng cô trung tuyệt khả liên
Tấm lòng cô trung của ông đặt vào giữa một triều chính do bọn quyền thần thao túng quả là thứ “thực họa”. Thế nhưng, Nguyễn Trãi cũng kín đáo mượn tiếng cười giễu mình mà phê phán bọn người “hậu học” không thể hiểu nổi con người có chí cao như cánh chim bằng kia. Thực tế của triều Lê đã phơi bày bao nhiêu điều chướng tai gai mắt, khiến Nguyễn Trãi không khỏi chạnh lòng. Trong một bài thơ chữ Nôm, ông từng nhận thấy: “Phượng những tiếc cao, diều hãy liệng – Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi”! Một người đã thấm nhuần đạo lý phò vua giúp nước, muốn đem sở học của mình để đem lại quốc thái dân an, thế nhưng những trở lực bên ngoài khiến ông cảm thấy mình như bất lực. Nguyễn Trãi đã chọn lựa cách sống của mình theo đúng phương châm ứng xử của kẻ sĩ: “độc thiện kỳ thân”. Trong hoàn cảnh ấy, chúng ta thấy nhà thơ vẫn vững vàng một phẩm cách thanh cao :
Nhất phiến đan tâm chân hống hỏa
Thập niên thanh chức ngọc hồ băng
Cái cứng cỏi, chính trực của Nguyễn Trãi hiện lên thật đáng để ta khâm phục. Ông sống không hổ thẹn với chức trách của mình. Lăn lộn giữa chốn quan trường “hư danh” ấy, ông vẫn giữ mình trọn vẹn “nhất phiến đan tâm” (một tấm lòng son) giữa lò luyện ngục. Đúng ra, Nguyễn Trãi có thể hoàn toàn cho phép mình được thụ hưởng những thành quả sau những công lao ông đóng góp cho việc bình Ngô phục quốc, thế nhưng con người ấy với tấm lòng ưu quốc ái dân canh cánh trước sau như một không đánh đổi mình. Đó là cái chí của bậc trượng phu : “Phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Mười năm giữa chốn quan trường, lòng ông thanh khiết như bầu ngọc. Bản thân ông tự hào về điều đó. Giữ được mình giữa chốn hư danh chẳng phải là điều khó lắm sao, nhưng Nguyễn Trãi đã khẳng định chính mình bằng phẩm chất thanh cao tuyệt vời, dửng dưng như băng tuyết trước bả vinh hoa phú quí. Con đường lánh xa danh lợi đã được ông chỉ ra trong hoàn cảnh luôn bị câu thúc cũng là con đường của bao kẻ sĩ chân chính:
Ưu du thả phục ngôn dư hiếu
Phủ ngưỡng tùy nhân tạ bất năng.
Chí “ưu du” đã được nhà thơ nói tới trong hoàn cảnh này, như thể hiện dứt khoát một sự chọn lựa. Đó không phải là thái độ tiêu cực lánh đời mà chính là cách xử sự theo đúng phương châm “hành tàng” của kẻ sĩ. Dũng khí của nhà thơ toát lên trong câu cuối: đến như việc cúi ngửa theo người thì ta không có khả năng! Nói về mình nhưng cũng thể hiện thái độ cương quyết với hạng người xu nịnh luồn cúi nhũng loạn triều đình. Câu thơ hàm ý mỉa mai nhưng đồng thời cũng chứa đựng nỗi đau đời của Nguyễn Trãi. Bởi thế nhan đề bài thơ là Mạn hứng thế nhưng đó chính là cô đúc những suy tư thời cuộc và bộc lộ thái độ kiên quyết đứng ngoài vòng danh lợi của nhà thơ.
II. Mạn thuật (bài 30):
Chân chăng lọt đến cửa vương hầu,
Ấy tuổi nào thế đã bạc đầu.
Liệu cửa nhà xem bằng quán khách,
Ðem công danh đổi lấy cần câu.
Thân đà hết lụy thân nên nhẹ,
Bụt ấy là lòng bụt há cầu.
Bui một quân thân ơn cực nặng,
Tơ hào chưa báo hãy còn âu.
Nếu ở những bài Mạn hứng trong thơ chữ Hán ta gặp một Nguyễn Trãi với nỗi băn khoăn thời thế, chủ yếu trong cương vị của một ông quan đương triều thì ở thơ chữ Nôm, ta lại gặp một Nguyễn Trãi trong chùm Mạn thuật với tư cách một người đã nhẹ bước phong vân, giã từ danh lợi tầm thường. Dù ở cương vị nào, ông vẫn nguyên vẹn là một người hết lòng vì dân vì nước, cốt cách thanh cao, tâm hồn trong sạch. Đó cũng là tinh thần chung của chùm bài Mạn hứng.
Toàn bộ bài thơ là hình ảnh của Nguyễn Trãi gắn với thái độ bình thản trước danh lợi, bộc lộ một nhân cách cao quí. Con người đời thường giản dị ấy đã có khoảnh khắc ngắm nhìn lại mình:
Chân chăng lọt đến cửa vương hầu,
Ấy tuổi nào thế đã bạc đầu.
Không màng đến cửa vương hầu, đó là cách mà Nguyễn Trãi muốn khẳng định mình, khi công danh đã thành miếng bả cho những kẻ tham danh cầu lợi xâu xé. Nỗi buồn thời thế đọng lại thành suy tư về thân phận, trong mái đầu bạc không chỉ vì thời gian mà vì những nỗi niềm thời thế. Nguyễn Trãi đã xuất hiện với tư cách của một người rũ sạch danh lợi, tìm về với cuộc sống ẩn sĩ:
Liệu cửa nhà xem bằng quán khách,
Ðem công danh đổi lấy cần câu.
Trong câu thơ này, ít nhiều Nguyễn Trãi đã chịu ảnh hưởng của triết lý Phật giáo và tư tưởng Đạo gia xem cuộc đời là hư huyễn. Phải chăng trong đó có nỗi niềm chán ngán khi đối sánh những cái hư - thực, có – không? “Cửa nhà” như “quán khách”, thú vui con người là chiếc cần câu gắn với cuộc đời của một ông Ngư. Người ta câu lợi danh, còn Nguyễn Trãi thì ung dung cuộc sống hoà nhập với thiên nhiên, với thú nhàn. Trong một bài thơ khác, Nguyễn Trãi cũng từng viết:
“Công danh đã được hợp về nhàn
Lành dữ âu chi thế nghị khen”
Cuộc sống quen với áo nâu bô cật vận xênh xang thật đầy hứng thú, có thể giúp người anh hùng quên đi những nỗi đời nặng trĩu? Thái độ phủ nhận danh lợi trước sau như một của Nguyễn Trãi liệu có mang dấu ấn của tư tưởng bi quan yếm thế hay cậy nhờ học thuyết vô vi của Đạo gia? Trong hai câu luận, nhà thơ viết:
Thân đà hết lụy thân nên nhẹ,
Bụt ấy là lòng bụt há cầu.
Bản thân nhà thơ đã tự bộc lộ con người đầy cá tính của mình qua hai câu thơ này. Xem lợi danh nhẹ tựa lông hồng, với Nguyễn Trãi, một ngày ở chốn quan trường là phải gánh lụy trần gian đầy hung hiểm. Bởi thế rũ bỏ khỏi những ám ảnh lợi danh, ông cảm thấy sung sướng nhẹ gánh. Tuy nhiên, Nguyễn Trãi cũng không chọn con đường an ủi bằng cách trốn tránh vào những triết lý hư vô. Tâm hồn ông đã đạt đến ngộ tính, bởi những thăng trầm thế sự đã được ông chiêm nghiệm và hiểu rõ: “Nhân gian mọi sự đều nguôi hết”. Ông hiểu chốn quan trường hiểm ác, nghi kỵ lẫn nhau, bởi vậy rũ áo ra đi lòng ông không hề vướng bận. Không đi tìm một niềm tin mơ hồ nơi cửa Phật, cũng không hoàn toàn đắm chìm vào triết lý của Đạo gia, trước sau như một Nguyễn Trãi vẫn là một con người của lý tưởng “trí quân trạch dân”:
Bui một quân thân ơn cực nặng
Tơ hào chưa báo vẫn còn âu.
Đây không phải là lần đầu tiên Nguyễn Trãi nhắc đến khái niệm “quân thân”. Nỗi đau ấy từng theo ông trong bao đêm mất ngủ, trằn trọc nhìn vầng trăng lạnh, từng làm nên bóng dáng cô đơn của ông giữa đêm hàn:
Bình sinh độc bão tiên ưu chí
Toạ ủng hàn khâm dạ bất miên
Không ngủ vì bên lòng canh cánh chí “tiên ưu”, không ngủ cũng vì “một sự quân thân chẳng khứng nguôi”. Đúng như nhận xét khái quát của PGS.TS Lã Nhâm Thìn về con người Nguyễn Trãi trong thơ, đó là “con người trọng nhân nghĩa, khinh quyền mưu, lấy cái huyễn ảo của Đạo gia để phủ nhận danh lợi; con người thức tỉnh, ý thức về cá nhân; theo thuyết “ái ưu” của Nho gia, chỉ nhắc đến “tiên ưu”, không nhắc đến “hậu lạc.” Nguyễn Trãi trong bài thơ này vẫn một tư thế cứng cỏi, đối mặt với bi kịch chính mình bằng tinh thần trước sau như một của một “mái đầu bạc” nhưng vẫn vẹn “tấm lòng son”.
Đọc thơ Nguyễn Trãi, dù chữ Nôm hay chữ Hán, ta đều nhìn thấy trọn vẹn chân dung của một anh hùng, một thi nhân, một con người chính trực kiên cường mà cũng rất ung dung bình thản. Thơ là nhân cách, là tâm hồn Nguyễn Trãi, “trong sáng và đầy sức sống” (Phạm Văn Đồng).
Ngày 15 tháng 3 năm 2008
Trần Hà Nam

Thơ thiên nhiên trong Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi)

Tìm hiểu kho tàng thơ chữ Nôm và chữ Hán của Nguyễn Trãi để lại cho hậu thế, chúng ta có thể thấy một nét đặc sắc trong những bài thơ thiên nhiên của ông. Cùng viết về thiên nhiên, nhưng những bài thơ chữ Hán trong Ức Trai thi tập có sự khác biệt trong đề tài, cảm hứng, chủ đề, tư tưởng cũng như nghệ thuật ngôn ngữ, xây dựng hình tượng so với thơ chữ Nôm trong Quốc âm thi tập.
Nói đến thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi, trước hết chúng ta cần đặt trong mối quan hệ qui chiếu với cuộc đời của nhà thơ để giải mã rõ hơn cảm hứng cụ thể trong từng tác phẩm ở hai tập thơ. Đây là vấn đề đòi hỏi quá trình khảo cứu công phu và thuộc phạm vi nghiên cứu của một công trình lớn. Người viết chỉ xin được so sánh mảng thơ thiên nhiên của Nguyễn Trãi ở thơ chữ Hán và thơ chử Nôm của ông ở những khía cạnh cơ bản nhất, trên cơ sở phân tích một số tác phẩm tiêu biểu và tương đối quen thuộc với chúng ta lâu nay.
Theo một truyền thống thi ca trung đại “cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ” (Hồ Chí Minh), những bài thơ của Nguyễn Trãi dành một số lượng khá lớn viết về thiên nhiên. Thiên nhiên gắn với cuộc đời thăng trầm đầy bi kịch của người anh hùng, như cũng soi chiếu tâm tư của chính nhà thơ trong những hoàn cảnh khác nhau.
Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày
Có thuốc trường sinh càng khoẻ thay
Hổ phách phục linh nhìn mấy biết
Dành, còn để trợ dân này
Những câu thơ Nguyễn Trãi viết về Tùng như sự khẳng định nhân cách của chính ông, một con người cả đời canh cánh nỗi lòng “ưu quốc ái dân”. Nguyễn Trãi tìm về thiên nhiên và để lại hàng trăm bài thơ chữ Hán và chữ Nôm, hầu như bài thơ nào cũng toát lên vẻ đẹp lồng lộng thanh cao và cứng cỏi như dáng tùng vững chãi giữa tuyết sương.
Trong buổi đầu của nền thi ca trung đại Việt Nam, Nguyễn Trãi đã tạo dựng nên một kiểu nhà nho - nghệ sĩ đích thực, khi tâm hồn ông hoà quyện với từng vẻ đẹp đất nước, rung động trước non nước mây trời, cỏ cây hoa lá để người đời sau hình dung đầy đủ diện mạo của con người có tấm lòng sáng tựa “sao Khuê buổi sớm” ấy. Lúc làm quan giữa triều, khi về ở ẩn sống đời thanh bần giữa núi rừng, dù ở đâu thiên nhiên vẫn chiếm một địa vị quan trọng, một người bạn tâm giao để Nguyễn Trãi kí thác nỗi lòng luôn quặn thắt những ưu tư thời thế:
Non cao non thấp mây thuộc
Cây cứng cây mềm gió hay
Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết
Bui một lòng người cực hiểm thay
Đề tài thiên nhiên trong thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm của Nguyễn Trãi vô cùng phong phú như phản chiếu cuộc đời lắm thăng trầm của chính ông. Nếu như trong thơ chữ Hán, ta gặp nhiều địa danh gắn với quãng đời sôi nổi, với hoài bão « trí quân trạch dân », với tầm nhìn bao quát lịch sử, chiêm nghiệm thời thế một cách cụ thể thì ở thơ chữ Nôm lại là những cảm xúc tinh lọc thăng hoa trong những đề tài tưởng như mòn cũ vì ước lệ « tùng, trúc, cúc, mai », « phong, hoa tuyết nguyệt ». Nhưng dù cho đề tài cụ thể hay trừu tượng thì Nguyễn Trãi đều thể hiện con người đầy cá tính của ông một cách rõ nét trước thiên nhiên.
Cảm hứng bao trùm trong những bài thơ chữ Hán viết về thiên nhiên phải chăng có thể khái quát trong hai câu thơ này của Nguyễn Trãi :
Kim cổ vô cùng giang mạc mạc
Anh hùng hữu hạn diệp tiêu tiêu
Ngay cả những bài thơ chữ Hán thấm đẫm phong vị trữ tình cũng phảng phất nỗi niềm người anh hùng trước lẽ hưng phế, đọng lại những hoài niệm về các triều đại đã qua. Dù cho đó là cảnh đã bao nhiêu lần thưởng ngoạn thì vào thơ, Nguyễn Trãi vẫn tạo được những rung động khác thường. một Dục Thuý sơn qua cảm xúc của ông hiện rõ là nơi « tiên cảnh trụy trần gian » với vẻ đẹp thật diễm lệ :
Tháp ảnh trâm thanh ngọc
Ba quang kính thúy hoàn
Vẻ diễm kiều như một nàng thiếu nữ của núi Dục Thúy cũng không làm ông nguôi ngoai hoài niệm về bậc tài danh tiền bối Trương Hán Siêu, trong mối đồng cảm của người đề thơ núi Thuý. Đó không chỉ là gặp gỡ của hồn thơ yêu cảnh đẹp, mà còn là nhớ bậc tiền nhân đã cống hiến tài trí phò vua giúp nước : Hữu hoài Trương Thiếu bảo – Bi khắc tiển hoa ban. Nhiều bài thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi thường khắc hoạ những phong cảnh hùng vĩ của đất nước với bút lực cuồn cuộn, với hơi văn dào dạt như thuở Bình Ngô : một Thần Phù hải khẩu :
Kình phun lãng hống thôi nam bắc
Sóc ủng sơn liên ngọc hậu tiền
Hay một Vân Đồn « thiên khôi địa thiết phó kì quan », một Bạch Đằng hải khẩu :
Sóc phong xuy hải khí lăng lăng
Khinh khởi ngâm phàm quá Bạch Đằng
Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc
Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng
Cảnh ấy, tình ấy gắn với niềm tự hào dân tộc lớn lao, bởi những danh thắng cũng đồng thời gắn với những anh hùng mà bản thân nhà thơ ngưỡng vọng : THần Phù là nơi anh hùng Hồ Quí Ly chống sự xâm lăng của vua Chiêm Chế Bồng Nga, Vân Đồn vang danh chiến công của Trần Khánh Dư và bao triều đại anh hùng vùi thây quân giặc cướp trên sóng Bạch Đằng. Nhưng đồng thời, Nguyễn Trãi còn nhận ra những mối tương quan trời đất và con người khi suy ngẫm trước cảnh trời đất vô cùng, để ngậm ngùi cho mối hận anh hùng, để suy ngẫm về gốc rễ vững bền của đất nước :
Phúc chu thủy tín dân do thuỷ
Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên
Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật
Anh hùng di hận kỉ thiên niên
(Quan hải)
Có lẽ chưa ai nhìn thiên nhiên đất trời mà luận anh hùng sâu sắc như Nguyễn Trãi, anh hùng là phẩm chất cá nhân, nhưng muốn thành nghiệp lớn phải gắn với nhân dân như thuyền với nước.
Tiếp xúc với thiên nhiên trong thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi trong Ức Trai thi tập, chúng ta có thể nhận thấy ý kiến đánh giá của PSG.TS Lã Nhâm Thìn thật xác đáng: đó là một thiên nhiên kỳ vĩ, hoành tráng nhưng cũng đồng thời mỹ lệ, thi vị; thiên nhiên gắn với những địa danh như một cuốn nhật kí gắn với cuộc đời phong phú từng trải của Nguyễn Trãi; qua đó ta nhận ra một tâm hồn cao rộng, khoáng đạt, phong tình và tinh tế. Phần lớn những bài thơ của Nguyễn Trãi viết về thiên nhiên bằng chữ Hán đều tuân thủ nghiêm ngặt thể loại Đường luật nhưng không hề gò bó cảm xúc. Thơ thiên nhiên gắn với tâm hồn trí tuệ của một con người lừng danh “viết thư, thảo hịch tài giỏi hơn hết một thời” cũng mang theo cái mạnh mẽ phóng khoáng của một tấm lòng nặng niềm “ưu ái”, bao giờ cũng phảng phất bóng dáng con người hăm hở gánh vác giang sơn, trổ tài kinh bang tế thế để thực hiện hoài bão trí quân trạch dân. Bên cạnh đó là một thiên nhiên chất chứa ưu tư.
Cùng chung cảm hứng này, trong những bài thơ Nôm, Nguyễn Trãi lại có dịp bộc bạch nhiều ưu tư hơn. Ông tìm thấy trong thiên nhiên những bài học lớn, đặc biệt là thiên nhiên trong chùm thơ Bảo kính cảnh giới ở Quốc âm thi tập. Quãng đời lui về ẩn cư quê ngoại Côn Sơn giúp Nguyễn Trãi có dịp hoà nhập với thiên nhiên hết mình hơn, khi “công danh đã được hợp về nhàn”, những cảm xúc thiên nhiên trong chùm thơ Mạn thuật, Thuật hứng, những cảm nhận về hoa cỏ trong Hoa mộc môn…cũng bộc lộ con người ông thật bình dị gần gũi. Ta cũng nhận ra chân dung tâm hồn Nguyễn Trãi sinh động tự nhiên hơn trong những vần thơ dân dã nôm na.
Thiên nhiên trong thơ Nôm Nguyễn Trãi là cả một không gian bát ngát tình người, tràn căng sức sống “thế giới đông lên ngập một bầu”. Điểm khác biệt về cảm hứng giữa thơ chữ Nôm và thơ chữ Hán xuất phát từ chính những nét đặc biệt trong hoàn cảnh của nhà thơ khi về ẩn cư:
Ao cạn vớt bèo cấy muống
Đìa thanh phát cỏ ương sen
Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc
Thuyền chở yên hà nặng vạy then…
(Thuật hứng)
Vẫn là “phong nguyệt yên hà” nhưng có cái mềm mại lung linh trong cảm xúc của một hồn thơ nhạy cảm. Trong cuộc sống của vị hưu quan, vẫn còn ắp đầy những hoài bão hướng về cuộc đời trăn trở niềm “tiên ưu”. Cuộc sống thanh bình của dân gian cũng tạo nên niềm vui giúp ông vượt lên nỗi niềm riêng:
Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ, khắp đòi phương
(Bảo kính cảnh giới, 43)
Thiên nhiên đến với nhà thơ trong tư cách “Núi láng giềng, chim bầu bạn, mây khách khức, nguyệt anh tam”, nên ông cũng thả lòng mình thật tự nhiên không rào đón. Nếu như đọc thơ chữ Hán, ta đã gặp một Nguyễn Trãi với Côn Sơn ca thật tiêu dao:
Côn Sơn hữu tuyền
Kỳ thanh linh linh nhiên
Ngô dĩ vi cầm huyền
Côn Sơn hữu thạch
Vũ tẩy đài phô bích
Ngô dĩ vi đạm tịch
Nham trung hữu tùng
Vạn cái thuý đồng đồng
Ngô ư thị hồ yển tức kỳ trung…
Thì trong thơ chữ Nôm, ông còn thoải mái viết những câu vượt ra khỏi mọi ràng buộc câu thúc lễ nghi để thật sự hoà đồng cùng cây cỏ đất trời:
Già chơi dầu có của no dùng,
Chén rượu câu thơ ấy hứng nồng.
Ngỏ tênh hênh nằm cửa trúc,
Say lểu thểu đứng đường thông…
(Thuật hứng, 16)
Ta nhận ra một Nguyễn Trãi thật tự do phóng khoáng giữa đất trời, thật táo bạo với những từ ngữ thuần Việt đắt giá “tênh hênh”, “lểu thểu” mà vẫn không suồng sã, tưởng khó thành thơ mà vẫn lộ rõ cốt cách thanh cao nhưng giản dị của Nguyễn Trãi. Thơ chữ Nôm Nguyễn Trãi thường nói về cảnh nhàn, cuộc sống nhàn rỗi bất đắc dĩ nhưng không vì thế làm mất đi vẻ thư thái tự tin của nhà thơ: “Quét trúc bước qua lòng suối - Thưởng mai về đạp bóng trăng”. Bên cạnh những bài thơ vịnh cảnh theo truyền thống với những biểu tượng thiên nhiên gắn với người quân tử như “tùng trúc cúc mai” còn là những loài hoa cỏ bình thường nhưng lại toả ra phẩm chất thi nhân của Nguyễn Trãi tinh tế nhất. Thưởng thức lại những vần thơ cô đọng mà thấm đượm vẻ tình tứ trong bài Cây chuối, ta mới thấy Nguyễn Trãi đã vượt trước thời đại mình biết bao nhiêu:
Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
Đầy buồng lạ mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem
Hồn thơ ấy cũng không gò bó câu thúc trong khuôn khổ thơ luật Đường mà tìm cách thể hiện cá tính của mình trong những phá cách lục ngôn. Nghiêm cẩn trong thơ chữ Hán bao nhiêu thì ông lại phóng túng trong thơ chữ Nôm bấy nhiêu, đó cũng là dấu ấn đặc sắc của Nguyễn Trãi trong Quốc âm thi tập. Người đọc có thể hình dung một Nguyễn Trãi “Cơm ăn chẳng quản dưa muối - Áo mặc nài chi gấm thêu” giữa một thiên nhiên rất giàu cảm xúc và đậm nét đời thường:
Quê cũ nhà ta thiếu của nào,
Rau trong nội, cá trong ao.
Cách song mai tỉnh hồn Cô Dịch ,
Kề nước cầm đưa tiếng Cửu Cao
Khách đến vườn còn hoa lạc,
Thơ nên cửa thấy nguyệt vào.
Cảnh thanh dường ấy chăng về nghỉ,
Lẩn thẩn làm chi áng mận đào
(Mạn thuật, 35)
Bản thân nhà thơ dẫu chán ngán cảnh quan trường, nhưng không hề run sợ khuất phục trước cường quyền, không phải lánh đời theo triết lý “độc thiện kỳ thân” mà chính thiên nhiên tiếp cho ông sức mạnh, tìm ra cách ứng xử với bọn quyền thần một cách đầy dũng khí. Thiên nhiên ấy hun đúc nên một Nguyễn Trãi đầy khí phách:
Mai chăng bẻ thương cành ngọc,
Trúc nhặt vun tiếc cháu rồng
Bui một tấc lòng ưu ái cũ,
Ðêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.
(Ngôn chí, 50)
Qua những bài thơ viết về thiên nhiên của Nguyễn Trãi, ta có thể nhận ra đầy đủ về chân dung một con người hội tụ “khí phách của dân tộc, tinh hoa của thời đại”. Thiên nhiên mà ông tìm đến cũng là một thiên nhiên đầy sức sống, thanh cao như tâm hồn ông luôn cuồn cuộn hoài bão lo cho dân cho nước. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những vần thơ của ông vẫn toát lên vẻ đẹp của con người chân chính và “tài năng làm hay làm đẹp cho nước xưa nay chưa từng thấy” đúng như những lời ca ngợi hậu thế dành cho ông.

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009

Cảm hoài (Đặng Dung)

Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
Trí chủ hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị phục đầu tiên bạch
Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma
Bản dịch của Trần Hà Nam:
NỖI LÒNG
Việc thế mênh mang tuổi đã già
Đất trời đảo lộn khúc cuồng ca
Gặp thời đê tiện thành công dễ
Mạt vận anh hùng hận xót xa
Lòng nguyện giúp vua xoay trục đất
Không đường rửa giáp tới thiên hà
Quốc thù chưa báo đầu phơ bạc
Gươm báu mài trăng mấy độ qua!

Bài bình ca dao

MÌNH MÃI CÒN SON
Mình nói với ta mình hãy còn son
Ta đi qua ngõ thấy con mình bò
Con mình những trấu cùng tro
Ta đi gánh nước tắm cho con mình
Con mình vừa đẹp vừa xinh
Một nửa giống mình, nửa lại giống ta

    Ca dao với cặp hô ứng “mình – ta” có nhiều dạng : có bài thì tha thiết : “Mình về có nhớ ta chăng/Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”; có bài lại độc địa với nhau : “Bao giờ chạch đẻ ngọn đa/Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình…”. Riêng ba cặp lục bát của bài ca dao này đã chứa đựng rất nhiều kịch tính bắt nguồn từ chuyện “mình nói với ta  mình hãy còn son”.

ĐỌC LẠI TÂY TIẾN CỦA QUANG DŨNG


ĐỌC LẠI TÂY TIẾN CỦA QUANG DŨNG*
            Giữa cái bộn bề của thị trường thơ hôm nay, lật trang sách cũ, gặp Tây Tiến của Quang Dũng, chợt xôn xao cõi lòng theo những vần thơ đượm màu kiêu bạc hào  hoa: Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi...
            Thơ hay có sức rung động mãnh liệt là vậy. Không cần tỉ mẩn bóc từng câu từng chữ mà thấm vào lòng người sự rung cảm chân thật đến run rẩy từng làn da thớ thịt. Tây Tiến đã thực sự chinh phục người đọc bằng tâm trạng của người trai ra đi cứu nước trong buổi đầu kháng chiến – với tâm tư in bóng trong dáng hình sông núi:
                        Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi...
            Cảnh ấy cũng là tình. Cũng là sương, là hoa, là mây,  là mưa – những chi tiết thường gặp trong thơ cổ – nhưng còn đượm thêm không khí trầm hùng của thời đại được diễn tả bằng những từ ngữ, thanh điệu khi đọc lên ta cảm thấy ngang tàng. Hình ảnh của một đoàn quân mỏi đi trong cái khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút, giữa cái bồng bềnh sương khói chơi vơi được tác giả phác hoạ bằng những nét chấm phá tài tình. Con mắt thơ không dừng lại ở trong không gian rừng núi mà còn mở ra một không gian – tâm trạng của một hồn thơ chiến sĩ. Phảng phất một chút Lý Bạch trước Hoàng Hà – ngút ngát chí tang bồng của người trai thời loạn. Trong gian nan của người chiến sĩ Tây Tiến, ta vẫn gặp chút hóm hỉnh ở hình ảnh súng ngửi trời. Chạm mặt với thực tế khắc nghiệt – song chất hào hoa lãng tử không mất đi mà lại càng được tô đậm thêm, chân thật sống động trong những câu thơ đượm tình quê, tình đồng đội, tình quân dân. Một hiện thực về người lính Tây Tiến – anh Bộ đội Cụ Hồ trong những năm đầu chiến đấu gian khổ. Đó là cơn mưa gợi nỗi nhớ nhà sâu thẳm, là sợi khói cơm thơm quyện chặt tình người, một bóng hình đong đưa làm xao xuyến những trái tim trai trẻ...
  

Quan niệm của Xuân Diệu trong VỘI VÀNG


    Nhà thơ Thế Lữ, trong lời Tựa  cho tập Thơ Thơ của Xuân Diệu, đã có nhận xét khá tinh tế: “Xuân Diệu là một người của đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ của ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian” . Đã hơn hai mươi năm Xuân Diệu giã từ chúng ta vào cõi hư vô, nhưng “tấm lòng trần gian” của ông dường như vẫn còn ở lại. Cứ mỗi lần xuâ ntới, những trái tim non trẻ của các thế hệ học sinh lại rung lên những cảm xúc mãnh liệt trước tâm tình của Xuân Diệu gửi gắm với đời trong bài thơ Vội vàng, gắn với niềm khát khao giao cảm với đất trời, con người tràn mê đắm của thi nhân, trong mùa xuân diệu kì!
    Làm thơ xuân vốn là một truyền thống của thi ca Việt Nam, bao nét xuân đi vào thi ca đều mang một dấu ấn cảm xúc riêng. Đặc biệt, trong thơ lãng mạn Việt Nam 1932 – 1945, mùa xuân còn gắn với cái tôi cá nhân cá thể giàu cảm xúc của các nhà thơ mới. Có thể kể đến một Hàn Mặc Tử với “khách xa gặp lúc mùa xuân chín…”, một Nguyễn Bính với “mùaxuân là cả một mùa xanh…”. Nhưng có lẽ Xuân Diệu chính là người đã đem vào trong cảm xúc mùa xuân tất cả cái rạo rực đắm say của tình yêu. Vội vàng là lời tâm tình với mùa xuân của trái tim thơ tuổi hai mươi căng nhựa sống.
    Bài thơ mở đầu bằng những ước muốn thật kì lạ:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
    Con người ở giữa không gian của “nắng” và “hương” này thật lạ! Anh ta có những ước muốn và đòi hỏi thật vô lí, muốn vượt ra khỏi qui luật bình thường của tạo hoá. Nhưng qui luật thời gian vẫn lạnh lùng nghiệt ngã, nắng vẫn chầm chậm trôi về cuối ngày, gió vẫn lang thang hoài không nghỉ, báo hiệu cho tàn phai và phôi pha sắp sửa bắt đầu. Xuất phát từ điểm nhìn của một cái tôi chủ quan, chẳng qua Xuân Diệu chỉ muốn diễn giải đầy đủ hơn sự có lí của tâm hồn: giữ trọn vẹn hơn những vẻ đẹp cuộc đời, hưởng thụ tận cùng màu sắc và hương vị của sự sống.
Điều nhà thơ “muốn” trong một không gian ngập đầy nắng gió đã nói lên ý thức về thời gian trong tâm tưởng con người: nỗi lo sợ trước viễn cảnh chia li, như có lần Xuân Diệu đã từng chứng kiến:
Đương lúc hoàng hôn xuống
Là giờ viễn khách đi
Nước đượm màu li biệt
Trời vương hương biệt li
    (Viễn khách)
    Ý niệm về thời gian ấy còn là nỗi lo sợ cho tương lai “Đời trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn” nên trái tim “giục giã” nhà thơ bày tỏ nỗi niềm tha thiết với mùa xuân.
    Mùa xuân đến, trong sự mong đợi của nhà thơ, cùng với hương và sắc, làm bừng lên sức sống của không gian:
    Của ong bướm này đây tuần tháng mật
    Này đây hoa của đồng nội xanh rì
    Này đây lá của cành tơ phơ phất
    Của yến anh này đây khúc tình si
    Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
    Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa
    Chưa bao giờ, trong thi ca Việt Nam, mùa xuân lại hiện ra xôn xao như thế. Xuân không còn là bóng dáng mà đã hiện hình cụ thể đến từng chi tiết: vẻ đẹp ngọt ngào trong “tuần tháng mật” “của ong bướm”, rực rỡ trong “hoa của đồng nội xanh rì”, mơn mởn trong “lá của cành tơ phơ phất”, mê đắm trong “khúc tình si” “của yến anh” và ngây ngất niềm vui “gõ cửa” cho mọi tâm hồn bừng lên “ánh sáng”! Sức sống của mùa xuân làm vạn vật có linh hồn, quấn quít giao cảm đến độ cuồng nhiệt. Bằng những tiếng “này đây” vồ vập, linh hoạt giữa những hàng thơ, tạo nên điệp khúc, Xuân Diệu háo hức như muốn sờ tận tay, chạm mặt mùa xuân. Bước chuyển của mùa xuân nhờ vậy cũng rõ rệt hơn, bay lên cùng cái náo nức rộn rã, mê mải trong lòng tác giả, nồng nàn và tinh tế.

VỢ NHẶT của Kim Lân


Vợ nhặt của Kim Lân
(Bài dành cho học sinh chuyên - Trần Hà Nam)
I. Tác giả nói về tác phẩm:
1. “Cái đói” là nỗi lo lắng của con người ở tất cả mọi dân tộc và mọi thời đại. Cho nên đó cũng thuộc về bản chất của đời sống. Các nhà văn viết về cái đói ở khía cạnh tối tăm và bất lực của con người trước nó (…) Khi tôi viết, ý tưởng thường trực trong tôi là những người đói dù thế nào đi nữa vẫn luôn luôn khao khát cuộc sống tốt hơn, vẫn tin tưởng một cách mơ hồ vào cuộc sống tương lai. Cái “mơ hồ” ấy là do cuộc sống thực tại luôn hành hạ họ.
2. Tôi muốn phân tích tâm trạng và thân phận của con người trong cái hoàn cảnh cùng đường ấy, nơi cuộc sống dường như không còn lối thoát. Tôi muốn hướng họ vào sự sống, sự thương yêu nhau, không phải là sự giành giật nhau (…). Bối cảnh của truyện là khi cái đói hoành hành khắp nơi. Nhưng các nhân vật của truyện thì đứng ở ngưỡng cửa của cái đói. Nơi ngưỡng cửa khốn khổ đó, họ sẽ chứng tỏ số phận và tính cách của mình, đồng thời ở nơi đó họ sẽ bắt đầu một niềm tin mới, một niềm hạnh phúc mới, dù là rất mong manh.
3. Tôi muốn cho độc giả thấy dù hoàn cảnh thế nào đi nữa thì tình người vẫn vượt lên trên tất cả. Có tình người là có cuộc sống. Có tình người là có hy vọng vào tương lai.
II. Một số điểm lưu ý trong quá trình tiếp cận tác phẩm:

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2009

Nghị luận xã hội: Yêu quê hương


LẬP DÀN Ý VÀ BÀI VIẾT CHO ĐỀ NGHỊ LUẬN XÃ HỘI TRONG NGỮ VĂN 11   
Đề 3: Từ các bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, Đây mùa thu tới, Thơ duyên, Tràng giang, Chiều xuân…hãy viết bài văn trình bày quan niệm của anh (chị) về lòng yêu quê hương
DÀN Ý :
I. Mở bài: Giới thiệu các bài thơ, nêu quan niệm về lòng yêu quê hương
II. Thân bài:
A. Tổng:
1. Khái quát nội dung lòng yêu quê hương qua các bài thơ
2. Thế nào là yêu quê hương?
B. Phân:
1. Những biểu hiện của lòng yêu quê hương
2. Phê phán quan niệm chật hẹp về lòng yêu quê hương
C. Hợp:
1. Tổng quát lòng yêu quê hương - đất nước
2. Liên hệ bản thân, rút ra bài học
III. Kết bài:
Ý nghĩa lòng yêu quê hương
Bài viết:
Đã có thời trong xã hội chúng ta quan niệm một cách đơn giản về lòng yêu quê hương chỉ gắn với tình cảm công dân, ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc. Vì vậy những bài thơ lãng mạn trong phong trào Thơ Mới được xem là tiếng nói tình cảm cá nhân ủy mị, tiêu cực. Tuy nhiên, cùng với những thành quả đổi mới đất nước, những tác giả tác phẩm lãng mạn được đưa vào trong chương trình phổ thông. Tiếp xúc với các tác phẩm của Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Anh Thơ, chúng ta chợt nhận ra lòng yêu quê hương có nội dung phong phú đa dạng hơn nhiều.
            Những bài thơ gắn với tiếng nói cá nhân vẫn ẩn bên trong một tình cảm yêu nước kín đáo, bộc lộ qua tình yêu với con người, cảnh vật, quê hương. Hình ảnh quê hương đất nước hiện lên trong các bài thơ đem lại những cảm nhận rất riêng nhưng lại rung cảm bao thế hệ độc giả. Một địa danh thôn Vỹ đi vào nỗi nhớ, gắn kết ân tình với xứ Huế trong Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử, làm ta yêu hơn cái trong trẻo  nắng hàng cau, cái huyền ảo của bến sông Trăng, cái bâng khuâng sương khói mờ nhân ảnh của mảnh đất cố đô. Không gian của buổi chiều thu cho đôi lứa tìm đến nhau trong Thơ Duyên cũng khiến ta cảm nhận sắc thái thiên nhiên hoà hợp quấn quít trên cây cỏ, chim muông, trên con đường nhỏ nhỏ, sắc nắng trở chiều, màu mây biếc và bâng khuâng với “con cò trên ruộng cánh phân vân”. Ta ngỡ ngàng khi phát hiện những vui buồn của con người gửi cả vào trong sắc thái mùa thu ở Đây mùa thu tới, một rặng liễu, một sắc “áo mơ phai dệt lá vàng”, “nàng trăng tự ngẩn ngơ”, những hình ảnh mùa thu rất quen và rất lạ được nói lên qua hồn thơ say đắm của Xuân Diệu. Quê hương còn hiện lên qua nỗi buồn mang tầm vóc vũ trụ, của chàng thi sĩ Huy Cận đứng trên quê hương mà vẫn cảm thấy “thiếu quê hương”, chuyển tải bao tâm sự nỗi niềm của người dân mất nước, khi đối diện Tràng giang: nỗi “sầu trăm ngả” lan toả trên sóng nước, con thuyền, cành củi, cánh bèo, “sông dài trời rộng bến cô liêu” kết lại thành nỗi niềm “lòng quê dợn dợn vời con nước – không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” gợi dậy tình yêu giang sơn Tổ quốc. Quê hương còn đẹp giản dị trong Chiều xuân của Anh Thơ, làng quê Việt Nam đẹp một cách nao lòng trong cỏ xanh, mưa xuân, đàn bò đủng đỉnh, cô yếm thắm…qua những rung cảm trong trẻo của tâm hồn thiếu nữ. Tất cả những bài thơ ấy viết về con người, cảnh vật, làng quê…đều gặp nhau ở một điểm: tình cảm yêu nước kín đáo.