Có lẽ tôi bắt đầu biết nghe nhạc Trịnh từ cuối thời phổ thông và suốt những năm tháng học Đại học. Tôi tự hào vì ông là sinh viên trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, vì vậy khi nghe những Biển Nhớ, Hạ Trắng...tôi cứ cố hình dung ông viết ở nơi nào trong khuôn viên của trường Đại học!
Cũng lạ, chẳng hiểu sao những năm 86 - 90 quán xá lại nhiều băng Khánh Ly hát đến thế, có điều thời đó còn nhầm lẫn khi Khánh Ly hát Trầm Tử Thiêng mà cũng nghĩ đó là Trịnh! Cũng phải thôi, vì chúng tôi đâu có sinh ra và lớn lên ở miền Nam, đâu có dịp tiếp xúc hết với gia tài của Trịnh. Còn nhớ ở Quán cà phê Kem - Biên Cương ngồi nghe và hình dung qua những ca khúc Da Vàng: "Đại bác đêm đêm dội vào thành phố, người phu quét đường dừng chổi lắng nghe...", thương cho đất nước và con người Việt Nam phải chịu cảnh đạn bom khốc liệt quá lâu! Và cảm nhận nỗi đau của người nghệ sĩ qua lửa đạn chiến chinh!
Còn nhớ những khoảnh khắc hàng giờ liền ngồi thiền nghe nhạc Trịnh, cảm nhận qua màn mưa những lời thủ thỉ "...mưa vẫn mưa bay qua miền đất rộng - Ngày sau sỏi đá vẫn cần có nhau..."! Nhạc Trịnh nghe vào những ngày mưa buồn thật, nhưng lại thấy lòng trong trẻo lạ! Có khi đi chơi vào Gành Ráng hay Quy Hòa, gặp hôm nắng đẹp là lại nghêu ngao: "Gọi nắng, trên vai em gầy, đường xa áo bay, nắng qua mắt buồn, lòng hoa bướm say..."
Rồi mưu sinh mỏi mệt, thành công và thất bại trong cuộc sống cũng nhiều, lại tìm đến Trịnh như một nguồn an ủi, như tìm chút động viên. Còn nhớ, khi trải qua cảm giác ê chề vì bị sỉ nhục (dù rằng là thông tin sai), cả một đêm nghe đi nghe lại không chán bài hát "Tôi ơi, đừng tuyệt vọng" qua giọng ca của chính ông, và nhận lời an ủi của anh bạn cùng trường đang học bên kia bờ đại dương, thấy lòng vơi phiền muộn rất nhiều. Và như phép màu, qua 1 giờ đêm, từ nỗi tủi nhục biến thành niềm hạnh phúc vô bờ khi thông tin được đính chính. Lại có cảm giác Trịnh như đã đến bên mình, dịu nhẹ vỗ về...
Và còn bao lần nghe Trịnh, trong cảm giác lòng thắt lại vì thương những cảnh ngộ thiệt thòi, những số phận trớ trêu. Lúc ấy, lại vang lên lời hát như nhắn nhủ: "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi..."
Vâng, để gió cuốn đi....
Thấm thoắt đã 10 năm. Ngày ấy, ngồi tại trường, đúng ngày Cá tháng Tư, đọc tin trên báo cứ ngỡ ngàng sửng sốt như một trò đùa. Tạo hóa thật nghiệt ngã chọn đúng ngày Cá để đón Trịnh về...Đến nỗi, khi đưa thông tin nóng lên mạng home.vnn.vn mình còn bị mắng: đùa gì mà ác thế! Và hơn 10 ngày sau, khi có mặt tại Sài Gòn, mình đã đến quán Sài Gòn Xanh dự một đêm tưởng niệm Trịnh thật đặc biệt do nhóm bạn ở Quãng Ngãi tổ chức. Hôm đó, đã hát như lên đồng liên khúc "Cát Bụi - Tình Xa", dù còn có chút vấp váp nhưng cũng đủ cho cảm nhận nỗi bàng hoàng: Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi. Ôi, cát bụi mệt nhoài, mặt trời soi một kiếp rong chơi(...) Bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi, lá úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm vào chết một ngày (...) Ngày tháng nào, đã ra đi khi ta còn ngồi lại, cuộc tình nào đã lên khơi ta còn mãi nơi đây. Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mê...
Thấm thoắt đã 10 năm, nhạc Trịnh vẫn còn làm ta nhớ bao ngày tháng đã đi qua, dù cho "mệt quá đôi chân này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi". Nhạc Trịnh vẫn vang ngân, "dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai..."