Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2009

Bình thơ CLB Sáng tác trẻ (2003)

Xương rồng ủ kín niềm thương
Đã bao lần tôi đi ngang qua số nhà 30 Nguyễn Văn Bé, nhưng bằng đôi mắt vô cảm và pha chút tò mò khi thấy những đứa bé làm dấu nói chuyện với nhau bằng tay. Tôi không hiểu chúng, và cũng chưa khi nào tôi đặt câu hỏi băn khoăn cho số phận của những đứa bé tật nguyền. Tôi cũng chưa khi nào để tâm đến số nhà 100 đường Phan Bội Châu – nơi đặt Cơ sở dạy nghề miễn phí Nguyễn Nga. Cho đến khi tôi gặp những bạn trẻ khá đặc biệt lê từng bước nặng nhọc lên gác 3 của Hội VHNT để dự buổi sinh hoạt thơ. Họ ngồi khép nép ở một góc phòng, chăm chú nghe những nhà thơ đàn anh đọc sáng tác. Rồi đến khi tôi nhận được tuyển tập thơ văn “Những vì sao mơ ước” với lời đề tặng trân trọng, tác giả chính là những con người lặng lẽ làm khán giả hôm nào. Tôi đã chăm chú tập trung đọc những bài thơ của các anh chị em sáng tác. Và chợt nhận ra một điều: hình như bản thân tôi mới là người khuyết tật nếu đem so tâm hồn tôi với các bạn. Bởi lẽ, đôi khi tôi rên rỉ quá nhiều cho những thiệt thòi bản thân, dù rằng những mất mát chẳng thấm tháp gì so với nhũng mất mát, mặc cảm mà các bạn đã một thời gian dài đeo đẳng một cách âm thầm. Tôi còn là một kẻ vô tâm, thờ ơ trước nỗi đau đồng loại, tôi đã nhìn những bé câm đùa giỡn bằng con mắt của một người thường, với lòng thương hại nhiều hơn là nghĩ rằng trong bao con người ấy, có một điều lớn hơn và họ cần hơn là lòng thương hại bao la: họ muốn tự khẳng định mình giữa cái thế giới bình thường lành lặn này. Chín cây bút đã chọn cho bút nhóm của mình cái tên giàu ý nghĩa : “Hoa Xương Rồng”. Tôi chợt nhớ câu thơ của người bạn: “Xương rồng ủ kín niềm thương – Đất cằn nắng nghiệt bình thường nở hoa” (Võ Ngọc Thọ), những lời thơ ấy dường như đã nói lên rất đúng vẻ đẹp của loài hoa nơi gió cát. Những niềm thương ủ kín đã được khơi dòng thành những câu thơ lời văn đầy ước mơ, yêu đời lạc quan vượt lên số phận. Tôi đã được đọc, không phải là câu chữ thông thường mà trong đó ẩn chứa những số phận. Một Thuý Hoa trong trẻo với “Tình Xuân” – có ai biết cô gái ấy đã tự đứng lên bằng đôi chân của chính mình chỉ bằng thơ văn của một tâm hồn giàu nghị lực. Đặng Thành Tâm với “Bạn tôi”, Phạm Ánh với “Khúc ca cho em”, Nguyễn Thị Tuyết với “Một đôi” đã quên đi nỗi đau của chính mình để viết về bạn bè bằng những thương mến nồng nàn và lời động viên chí tình. Hay đọc thơ Đoàn Trọng Nghĩa, Yến Hoà, Đồng Thị Nga, Anh Đào, Trà Mỹ Nga với bao tâm sự, khát vọng yêu và sống mãnh liệt, có ai hiểu họ đã phải từng bước vượt lên mặc cảm để đến với đời bằng cả tấm lòng? Tôi chợt nhận ra sự vô duyên đến thừa thãi của mình khi ra sức tán tụng bình phẩm thơ của những con người này, bởi lẽ khi Thơ đã hoá thân vào Đời, độ chân cảm có giá trị hơn bất cứ một sự bình phẩm phân tích nào. Con đuờng của họ còn bao tháng ngày vất vả mưu sinh, công việc của họ đâu chỉ dành cho riêng mình mà mỗi việc làm thường nhật không tên cũng như những vần thơ câu văn được viết lên kia, đang tiếp thêm nghị lực niềm tin cho bao người cùng cảnh ngộ. Riêng tôi , khi đón nhận thơ văn của bút nhóm Hoa Xương Rồng, tôi biết mình vừa có thêm những người bạn tốt, những người bạn giúp tôi cảm nhận rõ hơn và tin tưởng hơn giá trị đích thực của văn chương chân chính giữa đời này.

II. Một số gương mặt thơ sinh viên :
Quy Nhơn trong suy nghĩ của nhiều nhà thơ, nhà văn đã là thành phố thi ca. Biển sóng Quy Nhơn dào dạt ân tình đã đón những con sóng thơ từ các miền quê khác về đây tụ hội: Lê Kiều Hưng - một chàng trai Thanh Hoá, Nguyễn Thị Lam - một cô gái Hà Tĩnh, Nguyễn Thị Hồng – cây bút sinh viên người Nghệ An mà sáng tác của họ đã rải rác xuất hiện trên các tập san học trò Aùo Trắng, Mực Tím và tạp chí Văn nghệ Bình Định. Có lẽ khác với thời chúng tôi còn ngồi tại giảng đường Sư phạm Quy Nhơn, sinh viên thế hệ bây giờ mạnh bạo hơn, va chạm với cuộc sống nhiều hơn và thơ của họ cũng dám nói cả những điều mà thế hệ chúng tôi chỉ trước họ không bao lâu chẳng bao giờ dám hé lộ. Nhưng điều làm nên phần ngọt ngào lắng đọng nhất của các sinh viên này vẫn là những tâm tình hoài niệm hướng về quê hương và cái chất lãng mạn sôi nổi mau buồn chóng vui của tuổi trẻ không lẫn vào đâu được. Những trải nghiệm từ cuộc sống sinh viên sẽ là thứ thuốc thử hữu hiệu để gạt dần đi những xô bồ hỗn tạp, những giọng điệu ồn ào, những triết lý vụn vặt, những buồn thương vơ vẩn, vụn vặt riêng tư để cái còn lại cuối cùng là họ tìm thấy gương mặt của chính mình trong gương mặt cuộc đời. Đúng như suy nghĩ của Nguyễn Thị Hồng: “Phải viết. Có lẽ thế. Tuổi trẻ để phát ngôn một quan niệm thật khó”, những sinh viên đang bước vào thế giới người lớn viết để thử nghiệm, để giải bày, để được sống hết mình bằng chất men nồng của những người trẻ tuổi. Thơ sinh viên còn không ít những suy tư chưa chín, đôi khi thật thà như chuyện trò hàng ngày, nói cho hết, nói cho thoả những cảm xúc ấp ủ trong lòng… Nhưng có nhiều bài, nhiều tứ thơ thật bất ngờ, lắm khi làm chúng ta phải giật mình vì độ già dặn mà vẫn rất trẻ, rất tha thiết mê đắm mà lắm khi những nhà thơ “chuyên nghiệp” không thể nào viết được. Phần lớn những bài thơ ấy đều gắn với thế giới rất riêng tư của lứa tuổi khát sống, giàu mộng tưởng. Trên hành trình thơ nhọc nhằn, đòi hỏi mỗi chúng ta phải tự bứt phá. Các cây bút sinh viên có thừa sự thông minh và nhạy cảm, cùng ý thức phải viết, chắc chắn chúng ta sẽ còn gặp được họ trong những đề tài vượt ra những hoài niệm đắm chìm, không chỉ viết về cuộc sống sinh viên mà còn cảm nhận sâu sắc và chân thực hơn về đất nước, quê hương . Mảnh đất Quy Nhơn ân tình muối mặn sẽ là một nguồn cảm hứng giúp họ bay trên đôi cánh thi ca.

Thơ sinh viên:

LÊ KIỀU HƯNG

BÊN DÒNG SÔNG MÃ

Ngày ấy mẹ tiễn cha ra chiến trường

Chiếc khăn chơi vơi giữa lưng chừng trời đất

Cạn khô bao dòng nước mắt

Chiếc nón cời huơ động cả hoàng hôn

Lũ bạn mình bắt ốc mò gion

Áo rách chân trần nước da đen đủi

Rưng rức thương những cuộc đời lầm lũi

Bát canh chua chan cả nắng mưa về

Tiếng sáo diều vang vọng bờ đê

Rớt xuống lòng sông giấu nỗi niềm chất chứa

Cô gái lấy chồng bên kia không về nữa

Để bao gã trai làng ngẩn ngơ...

Nằm ưu tư chênh chếch một con đò

Vểnh tai run những chiều mưa đổ

Tiếng gọi đò trôi dọc triền sông lở

Bên kia bồi sông đau đáu điều chi?

Và bây giờ mẹ lại tiễn con đi

Bên dòng sông hương mùa đang căng nứt

Ngô lúa non tơ xanh màu xanh mơ ước

Nước sông gieo rười rượi ấm bên lòng...

.-------------------


TRỞ VỀ

Anh dắt em về với tuổi thơ

Cây Kơnia vẫn một mình đứng đó

Phố núi chợt hoá thành con suối nhỏ

Biển hồ khát khao rong ruổi một cánh buồm

Em nhìn sâu hơn vào đôi mắt mẹ buồn

Thấy hanh hao Dã quỳ vàng rực cháy

Mùa khô lại về trên nương rẫy

Và... suốt đời đắng lịm trái cà phê!

Đêm trở mình giữa lòng mẹ Ban mê

Chợt rưng rưng ánh trăng mòn hao khuyết

Qua bao mùa nắng mưa giờ giật mình mới biết

Cái mất - còn rút ruột trái tin yêu

Giờ mới thấy thương những đợt nắng cuối chiều

Mẹ ơi! Mùa giăng đầy trên tóc

Lần thứ hai trong đời biết khóc

Khi con trở về với ấm áp thương yêu...

.--------------


BỨC TRANH

Tựa cằm bó gối ngồi im

Nhắm hờ đôi mắt lặng tìm chơi vơi...

Thật rồi em đã xa tôi

Em đi

Để nửa cuộc đời cho ai?

.---------------

BÃO

Lời rung tiếng cũng nghẹn ngào

Giọt trăng mặn chát tan vào tim đơn

Nói lời chi để buồn hơn

Tình thôi nổi gió thành cơn

Bão lòng!

.--------------

TRĂNG NỬA KHUYA

Nửa khuya trăng sáng vô cùng

Sáng quay quắt sáng cho lòng mênh mang

Sáng da diết đến dịu dàng

Trăng càng sáng anh lại càng vắng em

.---------------

HOA MƯỜI GIỜ

Hỏi rằng ai đẹp như em nhỉ

Làm ngất ngây bao gã tình si

Đời chẳng cho em người tri kỷ

Thì thôi đành khoe sắc mà chi?...

.-------------------


VỀ THĂM NGOẠI

Con lại về đây giữa lòng thơm thảo

Gặp tuổi thơ mơ bảy sắc cầu vồng

Đã qua rồi bao mùa xưa mưa bão

Mà nặng lòng vương những cơn giông!

Đi giữa đường quê say mùi gió mới

Bức tranh quê hương tươi thắm một màu

Sóng lúa dạt dào ngạt ngào hương bưởi

Nghe nắng cười đon đả hỏi thăm nhau

Tuổi thơ ngây riêng gửi niềm quê cũ

Và con đi không biết mấy dặm đường

Qua bao mùa trong vườn hoa trái chín

Ủ ấm lòng con những yêu thương.

Cuối mùa vui hoàng hôn in bóng ngoại

Thời gian trôi bỏm bẻm thắm miếng trầu

Mừng cháu mừng con công thành danh toại

Con rưng buồn nghe lá rụng vườn sau...

.-------------


ĐIỀU ANH MUỐN NÓI

Anh chẳng chạm vào ký ức của em

Sợ làm rung dây cung buồn xa vắng

Em đã vùi chôn vào trong quên lãng

Năm tháng khuất rồi sau trái tim em

Anh nhắc làm gì dĩ vãng của đêm

Là bóng tối của rối mùa mùa nông nổi

Em đừng về con đường xưa lạc lối

Thuở dại khờ nào biết đến khổ đau

Nắng lại hồng sau một thoáng mưa ngâu

Đem cho em bầu trời trong xanh biếc

Có những điều không đáng để mình nuối tiếc

Thì cớ gì phải vương vít buồn đau...

.------------------


VỚI ĐÊM

Anh đứng giữa đêm biển lồng lộng gió

Sóng khẽ ru ngân một khúc nhạc buồn

Đêm nghiêng mình suy tư trăn trở

Thao thức hoài một bóng dáng yêu thương

Muốn cùng em đón mùa vui rộn rã

Lại e trời vương vít chuyện gió mưa

Đêm thắp nến anh vẫn còn khờ quá

Lỡ như em lạc bước phía không mùa!

Anh đứng giữa đêm biển tràn ngập gió

Mà con tim ngột ngạt đến không ngờ

Đêm giấu diếm điều gì chẳng rõ

Nên dối lòng ngay trong cả giấc mơ

Anh với đêm giữa lưng chừng phố biển

Chơi - vơi - ơi! Anh khao khát chính mình

Bên này sóng nửa bên kia cũng sóng

Câu thơ gầy em có thấy chông chênh?

.-----------------------


THƠ GỬI MÙA ĐÔNG

Quy Nhơn bốn mùa dang dở

Thu - Đông - Xuân - Hạ nửa chừng

Ai đi tìm trong nhung nhớ

Nhặt về chút lạnh rưng rưng

Gửi cho mùa đông ngoài nớ

Chút hanh hao ở trong này

Xa xôi thôi đành nhắc nhở

Tự tìm hơi ấm bàn tay

Em khoác mùa đông xuống phố

Ta quàng nỗi nhớ lên vai

Nửa đêm giáo đường chuông đổ

Vọng ngân đôi tiếng thở dài...



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét