Thứ Tư, 30 tháng 12, 2009

Phân tích BÀ LÃO IDECGHIN

Bài viết này đã hoàn thành khi tôi còn là sinh viên năm thứ 2 khoá 9 khoa Ngữ Văn Đại học sư phạm Quy Nhơn (1987). Lâu ngày tìm lại được bản viết tay, vi tính hoá để lưu giữ kỷ niệm một thời!
CON NGƯỜI QUA TÁC PHẦM BÀ LÃO IDECGHIN CỦA MACXIM GORKI

Bà lão Idecghin của Macxim Gorki là một trong những sáng tácở giai đoạn đầu của ông, vào cuối thế kỷ XIX. Truyện ngắn này mang tính dân gian cao và là một trong những sáng tác điển hình của ông. Thông qua tác phẩm, M.Gorki đem đến cho chúng ta những hình ảnh đầy chất lãng mạn và hiện thực về con người. Hay nói đúng hơn, đó là những bức tranh về tính cách. Và tác giả đã ca ngợi nhiệt thành những giá trị chân chính của con người.

* *

*

Không khí trong những câu chuyện của bà lão Idecghin là không khí của những câu chuyện cổ tích dân gian Nga xưa “Không khí nhiễm đầy mùi hơi biển gay gắt và khí bốc nồng đậm của đất thấm đẫm nước mưa từ lúc gần tối…Giữa các mảng mây những mảnh trời xanh ngời lên thứ ánh sáng dịua dàng, lấm tấm những vì sao óng ánh như vụn vàng…âm thanh và mùi vị, mây và người đều đẹp và buồn lạ lùng”. Bà lão Idecghin, người kể chuyện, cũng được phác ra như một con người của thế giới cổ xưa: “Thời gian đã làm cho lưng bà lão cong gập xuống, cặp mắt xưa kia đen láy giờ đây đã mờ đục và lúc nào cũng nhoà lệ. giọng nói khô khan của bà lão nghe đến kỳ lạ như tiếng xương va nhau lục cục…”. Bao nhiêu câu chuyện ẩn chứa trong thân hình còm cõi già nua ấy, khi được kể ra bỗng có sức hút quyến rũ lạ thường.

* *

*

Câu chuyện thứ nhất của bà lão là một truyền thuyết về đứa con trai của đại bàng, Larra, một “chàng trai đẹp và khoẻ”, đôi mắt “lạnh lùng và kiêu hãnh như mắt chúa các loài chim”. Vẻ đẹp của Larra là một vẻ đẹp của sự hoang dã, của hai mươi năm không tiếp xúc với xã hội loài người. tính cách của gã trai trẻ ấy được khắc họa trên hai mối quan hệ tiêu biểu: quan hệ với những người cao tuổi và quan hệ với phụ nữ. Chỉ có thông qua hai mối quan hệ trên mới có thể hiểu đầy đủ bản chất của Larra bởi vì suốt hai mươi năm sống tách biệt xã hội, người duy nhất gã tiếp xúc là mẹ gã, cô gái trẻ đẹp ngày xưa bị đại bàng bắt. Bà mẹ của Larra hội đủ hai yếu tố của những người mà Larra tiếp xúc. với các bậc trưởng lão, gã con trai đại bàng đối xử “như những người bằng vai” với thái độ và cử chỉ ngạo mạn hỗn xược. Với phái đẹp, gã đã hành động một cách man rợ và mất hết tính người. Gã ý thức được rằng gã là con trai của đại bàng nên đã cả gan thách thức cả bộ lạc, thách thức với tất cả các giá trị đạo đức của xã hội bằng việc giết một người con gái đẹp một cách dã man trước mặt mọi người. Bản chất của gã con trai đại bàng được rút ra sau một loạt đối thoại giữa gã và những người trong bộ lạc như sau: “nó tự coi mình là người thứ nhất trên đời và ngoài bản thân nó, nó không nhìn thấy gì nữa hết (…). Nó không có bộ lạc, không có mẹ, không có gia súc, không có vợ và cũng chẳng muốn các thứ đó”. Gã chính là hình ảnh cá nhân sống tách rời cộng đồng. hình phạt có một không hai trong câu chuyện như muốn nhắn nhủ: là người hãy sống đúng như một con người. Larra - kẻ bị ruồng bỏ cuối cùng đã nhận ra tác dụng của hình phạt khủng khiếp đó, Từ câu chuyện trên, tác giả đã đưa đến cho chúng ta một kết luận thấm thía về cách sống làm người: khi anh muốn rời xa mọi người thì anh sẽ phải chuốc lấy hậu quả không lấy gì làm tốt đẹp do chính anh gây ra. Cái đáng sợ nhất của con người chưa phải là cái chết mà là sự cô đơn, sống tách rời với xã hội và bị xã hội ruồng bỏ. Chi tiết những giọng hát ở cuối câu chuyện thật thú vị: đó là sự hoà đồng của những tâm hồn, đem đến cho lòng người cảm hứng mạnh mẽ đồng thời như chứng minh tiếp cho câu chuyện Larra bằng một lời kết ngắn gọn “Tiếng hát át tiếng sóng”, và để cho tiếp nối một câu chuyện mới, một bài ca bất diệt về sức sống tràn trề ẩn chứa trong những con người bình thường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét