Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

CON NGƯỜI QUA TÁC PHẦM BÀ LÃO IDECGHIN... (KẾT)

Truyền thuyết về chàng Đankô là bài ca tuyệt đẹp về sức mạnh của con người với ánh lửa rực cháy của lý tưởng sống. Đây là con người có tính cách tương phản với Larra - kẻ từ bỏ đồng loại của mình. Bóng đêm, đầm lầy và khu rừng tượng trưng cho những thế lực đen tối muốn ngăn cản sức vươn tới của con người. Những thế lực ấy đã làm cho những người trước kia vốn hùng dũng, quả cảm đã phải chùn bước. Trong hoàn cảnh hết sức điển hình ấy, bản chất của mỗi con người được bộc lộ rõ ràng. Đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết, kẻ mất tinh thần đã “kinh hoảng trước cái chết, không ai còn sợ cuộc đời nô lệ nữa…”. Giữa lúc ấy “Đankô xuất hiện”. Cái quyết tâm của chàng trai là ý chí sắt đá của con người trước mọi trở lực nguy nan, là ý chí của những người dám hành động. Chỉ có những người dám hành động thì mới có thể biến ước mơ thành hiện thực “Nghĩ ngợi không thể hất bỏ được tảng đá trên đường ta đi. Kẻ nào không mó tay vào việc gì thì chẳng làm nên công chuyện gì. Cứ nghĩ làm chi cho hao tâm tổn sức? Hãy đứng lên, chúng ta sẽ đi vào rừng và xuyên qua rừng, bởi vì rừng cũng có chỗ kết thúc, mọi cái trên đời đều có chỗ kết thúc! Ta đi đi! Nào! Tiến bước!...”. Sức mạnh của Đankô là sức mạnh của người quả cảm, sức mạnh của con người tự tin vào bản thân mình. Đankô, chàng trai dũng mãnh dẫn đầu đoàn người đã phải đối chọi với cái hèn nhát của con người khi họ gặp trở lực mới. Mâu thuẫn xung đột lên đến đỉnh điểm khi đoàn người dừng lại và kết án Đankô. Những lời lẽ của chàng trai một lần nữa chứng minh cho giá trị chân chính của con người: “Tôi có gan dẫn đường và tôi dẫn các người đi! Còn các người, các người đã làm gì để tự giúp mình? Các người chỉ cắm cổ đi và không biết giữ sức để đi được lâu dài hơn! Các người chỉ mải miết như đàn cừu!”. Giá trị chân chính của con người là đi và biết hướng phải đi tới. . Chàng Đankô cũng bị chính đồng loại của mình đẩy vào ranh giới của sự sống và cái chết. Trong con người anh giờ cháy lên hai ngọn lửa: ngọn lửa uất hận trước sự u tối của con người và ngọn lửa của tình yêu thương đồng loại. Cái cao thượng của Đankô đang đối chọi với cái thấp hèn của bầy người u mê. Một điều tất yếu sẽ xảy đến: Đankô phải chết, và Con - Người - viết – hoa ấy đã chọn cái chết cho bản thân, cái chết cho đúng với bản chất con người cao thượng của anh. Hành động anh hùng “xé toang lồng ngực” đã làm nên điều thần kỳ; Đankô đã nâng những tâm hồn đồng loại lên. “Trái tim cháy sáng rực như mặt trời, và cả khu rừng im lặng, sáng lên dưới ngọn đuốc của lòng thương yêu vĩ đại đối với mọi người”. Mặt trời chỉ có một, Đankô chỉ có một trái tim, cuộc sống chỉ có một chân lý vĩnh cửu; ánh sáng cháy rực của trái tim Đankô chính là ánh sáng của chân lý. Con Người ấy trong những giờ phút phải giáp mặt giữa ranh giới của sự sống và cái chết, sự căm thù và lòng thương yêu, cá nhân và tập thể, đã chọn con đường hành động theo đúng nghĩa con người, đánh thức những phần tốt đẹp trong bản chất con người. Hình tượng Đankô đầy tính lãng mạn mà M.Gorki đã xây dựng nên tượng trưng cho hình mẫu lý tưởng của con người. Qua hình tượng Đankô, tác giả muốn nhắn nhủ con người: hãy vươn lên đến những chân trời tốt đẹp hơn.
* *
*
Dựng lên ba mẩu chuyện, ái hư chen cái thực, cái thực hoà vào cái hư, bút pháp lãng mạn của M.Gorki đã đem đến cho chúng ta một tác phẩm tuyệt vời. Với truyện ngắn “Bà lão Idecghin”, M.Gorki đã gửi gắm đến chúng ta một nhận thức đẹp về con người, thúc đẩy chúng ta vươn lên đến giới hạn của con người, CON-NGƯỜI-VIẾT-HOA; đó là giá trị nhân văn trong tác phẩm này của ông cũng như bao tuyệt tác khác, ông đã từng cất lên những lời ca bất tuyệt về con người: “Con Người, tiếng ấy tự hào biết bao”
7.11.1987
TRẦN HÀ NAM
(Văn 2B khoá 9 )
(Đánh lại vi tính xong ngày 31.12.2009)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét