1. Tổng quan về nghiên cứu Nguyễn Diêu và kịch bản tuồng
Cụ Tú Nhơn Ân là cách gọi tôn kính dành cho cụ Nguyễn Diêu, hiệu Quỳnh Phủ, quê quán Nhơn Ân, Phước Thuận, Tuy Phước. Theo tài liệu của tác giả Thúy Vi đăng trên Báo Bình Định ngày 15.4.2003 thì cụ sinh vào ngày 21/7 năm Minh Mệnh thứ 2 (1822), mất ngày 19-3 năm Tự Đức thứ 33 (1880). Cụ là soạn giả tuồng hát bội nổi tiếng, là thầy dạy học và nghiệp sư hát bội của hậu tổ hát bội Đào Tấn (1845 – 1907). Tuồng hát bội Bình Định nửa cuối thế kỉ XIX gắn liền với tên tuổi của hai thầy trò cụ Tú Nhơn Ân. Trong đó, các vở diễn của Quỳnh Phủ tiên sinh vẫn được lưu diễn đến tận ngày nay là Ngũ Hổ Bình Tây (Liêu), Liệu đố (Chữa bệnh ghen), Nguyệt Cô hóa cáo(còn có các tên gọi Võ Tam Tư trảm Nguyệt Cô, Cổ miếu vãn ca, còn gọi theo lối dân dã làChém Cáo)… Năm 2011 vừa qua, công trình Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ của nhà nghiên cứu lão thành Vũ Ngọc Liễn đã tập hợp, giới thiệu trọn vẹn văn bản của ba vở tuồng này.
Những nghiên cứu văn bản, cảm nhận, giai thoại về cuộc đời và sự nghiệp của nhà soạn tuồng Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu phần lớn chỉ đăng rải rác, mang tính chất bàn góp hoặc điểm xuyết trong quá trình nghiên cứu tuồng hát bội nói chung, chưa có công trình nào tập hợp đầy đủ và bước đầu có ý thức hệ thống như công trình của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn. Nhưng như tác giả công trình đã trình bày về việc biên soạn trong điều kiện bệnh tật, chạy đua với thời gian nên không khỏi còn bỏ sót, nhầm lẫn hoặc chưa đầy đủ, vì vậy trong phạm vi tham luận này, người viết xin điểm thêm một vài ý kiến đánh giá trong hệ thống tư liệu cá nhân thu thập được mà chưa được nói đến trong quyển sách của Vũ tiên sinh.
Đã có nhiều giai thoại truyền tụng về mối quan hệ thầy trò đặc biệt và cũng còn khá nhiều tồn nghi về tác phẩm của cụ Tú Nhơn Ân. Cho đến nay, vở duy nhất từng được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định là tác phẩm Nguyễn Diêu là Ngũ hổ Bình Tây mà chủ yếu được khai thác ở hồi II: Địch Thanh ly Thợn. Còn các vở Liệu đố (Chữa ghen) và Võ Tam Tư trảm Hồ (tứcNguyệt Cô hóa Cáo hay Chém Cáo, Cổ miếu vãn ca) thì nhiều công trình mới chỉ nhắc tên hoặc còn phân vân về tác giả, chưa mấy ai tiếp xúc văn bản, và cũng chưa thể khẳng định văn bản lưu truyền có phải nguyên vẹn là đứa con tinh thần của Nguyễn Diêu hay không. Mà giới" mộ điệu", những người am hiểu về tuồng cứ thưa thớt dần, e rằng di sản của cụ Nguyễn sẽ bị chôn vùi cùng lớp bụi thời gian.
Trong bài viết của tác giả Thúy Vi (Bùi Văn Lợi) trong Báo Bình Định ngày 15.4.2003 ngoài việc nêu rõ ngày tháng năm sinh của Nguyễn Diêu (nhưng chưa rõ dựa vào tài liệu nào để khẳng định chính xác thời điểm sinh và mất của cụ, có lẽ vì vậy tác giả Vũ Ngọc Liễn để trống ngày tháng năm sinh - mất mà chỉ đưa ra khoảng thời gian mang tính chất tương đối), còn phác họa chân dung của một nhà nho lấy cuộc sống an bần lạc đạo, dạy học viết tuồng làm vui qua những bài thơ được lưu truyền rộng rãi của Quỳnh Phủ tiên sinh ở Bình Định. Phần nghiên cứu về tuồng chủ yếu cũng nhắc lại giai thoại học trò Đào Tấn sửa tuồng Ngũ hổ bình Tây của thầy học.
Thứ hai, là ý kiến của tác giả Tất Thắng trong Nghệ thuật tuồng - nhận thức từ một phía (NXB Văn học 2006) có đoạn phân tích về nội dung tư tưởng và triết lý trong Ngũ hổ bình Tây và Chém cáo. Tuy nhiên, phần nói về Chém cáo cũng chưa khẳng định dứt khoát tác giả mà để khuyết danh. Có lẽ đó là sự thận trọng cần thiết khi còn những tồn nghi Đào Tấn hay Nguyễn Diêu mới là tác giả đích thực của vở tuồng này?
Một công trình tái bản của Quách Tấn – Quách Giao là Đào Tấn và hát bội Bình Định (NXB Văn hóa Dân tộc, 2007) có nhắc nhiều đến giai thoại liên quan giữa thầy trò Nguyễn Diêu - Đào Tấn. Có nhiều ghi chép, nhiều bài lặp đi lặp lại câu chuyện chữa tuồng Ngũ hổ bình Tây và bàn luận về Cổ miếu vãn ca mà "nhóm mộ điệu" (hay quan điểm của Quách Tấn?) cho rằng tác giả là Đào Tấn. Phần phụ lục thứ 7 có giới thiệu bài viết “Nguyễn Diêu” của Quách Tấn, trong đó nói kĩ về hoàn cảnh và kí thác tâm sự của cụ Tú Nhơn Ân trong vở Ngũ hổ bình Tây liên quan đến mối tình oan nghiệt với con gái phú ông thuở hoa niên, phân tích nỗi lòng Trại Ba trong lớp “thoát trướng” như một minh chứng. Đồng thời trong bài viết này cũng nói rõ hoàn cảnh sáng tác vở Liệu đố khi cụ Tú đã già yếu, như động thái tạ ơn vua Tự Đức, được vua khen “rất mực tài tình” và ban thưởng. Tác giả nêu nhận xét vở tuồng này hay về giá trị văn chương nhưng khó diễn vì “khó hát, cốt truyện lại không có gì đặc biệt, hát thấy nguôi cho nên không được phổ biến nơi kịch trường”. Trong công trình còn tóm tắt tương đối chi tiết các vở Ngũ hổ bình Tây, Liệu đố. Còn phần tóm tắt Cổ miếu vãn ca thì nêu là do Đào Tấn nhuận sắc từ một vở tuồng cũ có tên Nguyệt Cô hóa cáo, không nêu tên tác giả.
May thay, năm 2011 vừa rồi, nhà nghiên cứu lão thành Vũ Ngọc Liễn đã vượt qua cơn tai biến nhẹ, để hoàn thành công trình biên khảo Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu - ông đồ nghệ sĩ (NXB Sân khấu, 2011), cung cấp một cách tương đối hoàn chỉnh ba văn bản tuồng hát bội khẳng định cụ Tú Nhơn Ân là tác giả của ba vở : Ngũ hổ bình Tây, Liệu đố, Nguyệt Cô hóa cáo với những phác thảo ban đầu về một chân dung "kẻ sĩ đất thang mộc". Việc đi tìm và phiên âm, hiệu đính những vở tuồng hát bội còn lại của Nguyễn Diêu chắc hẳn cần đến sự góp sức của đội ngũ kế cận. Người viết bài này cố gắng khai triển thêm những gợi ý từ người đi trước, phần khảo sát văn bản chủ yếu dựa vào cuốn sách của tác giả Vũ Ngọc Liễn, góp thêm một vài suy nghĩ xung quanh tuồng hát bội của cụ Tú Nhơn Ân. Do điều kiện thời gian, chủ yếu trong bài viết này tập trung nhiều hơn cho vở Ngũ hổ bình Tây và nêu một số nhận định sơ bộ về hai vở còn lại.
Qua việc tiếp cận văn bản của một người làm công tác nghiên cứu văn học, chắc chắn mới chỉ chạm đến phần thô, cái vỏ hình thức chứ chưa thể chạm đến hồn cốt của tuồng hát bội Nguyễn Diêu, xin không bàn đến các miếng, các trò diễn hay thủ pháp sân khấu. Sức kém tài hèn, những lời bàn góp của một kẻ hậu sinh không khỏi khiến cho những bậc trưởng thượng trong làng hát bội cười chê, cũng mong được hai chữ đại xá cho kẻ trót mang lòng yêu mà chưa biết cách nào chinh phục được bộ môn kén chọn tri âm này!
2. Sự khúc xạ của các quan niệm đạo lí phong kiến trong kịch bản tuồng Nguyễn Diêu
Thời gian cụ Tú Nhơn Ân viết các vở tuồng hát bội là thời kì sùng Nho học đến mức mê muội của triều đình nhà Nguyễn (theo Các triều đại Việt Nam – Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng). Tự Đức là ông vua mê tuồng, nhưng căn cứ vào nhiều tài liệu thì dường như tuồng hát trong cung đình hoàn toàn khác về cảm hứng, đề tài so với tuồng trong dân gian. Cho nên nếu như phân loại, có thể nói, các vở tuồng của cụ Tú Nhơn Ân thuộc dòng tuồng dân gian, có đời sống riêng, ít chịu sự gò bó tư tưởng như các vở thuộc đề tài quân quốc. Hơn thế, nhìn vào các tác giả kịch bản đồng thời hoặc thế hệ hậu sinh, phần lớn là các trí thức Hán học uyên thâm, những ông tiến sĩ, cử nhân, tú tài nhưng dấu ấn quan phương có phần khá nặng trong đề tài, chủ đề. Từ Nguyễn Diêu đến Đào Tấn chính là quá trình biến chuyển trong đề tài, cảm hứng về các đề tài hiện thực và chịu sự chi phối của quan niệm đạo lí dân gian. Tuồng hát có sức sống mãnh liệt vào buổi ấy chính vì nói thay cho những tâm tư, tình cảm của quần chúng. Trong Ngũ Hổ Bình Tây, các chuẩn mực Trung – Hiếu vốn đứng đầu trong nhân luân theo quan niệm Nho giáo đã bị chữ Tình lấn át, mà độc đáo hơn chữ tình ấy đã vượt thoát khỏi ràng buộc tư tưởng phong kiến. Trại Ba vì chồng mà vi phạm chữ Hiếu với cha, cũng là quốc vương Khiết Đan, vậy là cũng vi phạm chữ Trung. Vậy mà vua Khiết Đơn cũng sẵn sàng tha thứ vì tình cha con. Ở đó, tình cha con, nghĩa vợ chồng đã hoàn toàn thắng thế. Địch Thanh khi bị Trại Ba chất vấn đã hoàn toàn đuối lí trước những bắt bẻ sắc sảo của phu nhân. Chữ Tình chi phối toàn bộ các hành động nhân vật.
Hãy xem trong hồi I của Ngũ hổ Bình Tây, các hổ tướng cùng Địch Thanh khi đi đánh Tây Liêu đã phát ngôn rất tự đắc về vai trò kẻ chinh phục. Giọng điệu các nhân vật rặt một kiểu khẩu khí “trung quân báo quốc”, cao ngạo vai trò nước lớn. Hơn thế, khi giao chiến cùng Trại Ba thì rặt một điệu khinh thường nữ nhi. Chẳng hạn, Lưu Khánh ỷ thị tài phép, lớn tiếng thóa mạ Trại Ba:
Đã gặp tay nam tử
Chớ múa miệng nữ nhi
Chẳng thẹn mình rằng phận ngoại di
Lại muối mặt khoe tài cùng trung quốc gớm à!
Lưu Khánh bị đả bại, đến Trương Trung, Thạch Ngọc khi đứng trước tình thế nguyên soái Địch Thanh phân vân vì lỡ đánh nhầm Đơn bang, lại nhơn nhơn dương oai diễu võ, tự ví mình như Hoắc Khứ Bệnh diệt trừ Hung Nô:
Thưa nguyên soái! Hễ là trai thì
Chí khí oanh oanh liệt liệt
Chớ như Tử sanh hữu hữu vô vô
Có thanh giặc Hung Nô
Mới biết tài Khứ Bệnh [1]
Ai dè, tứ tướng huênh hoang khoác lác thảy đều bại dưới tay Trại Ba, quả thật tình thế đảo ngược nơi chiến trường này đem lại cảm giác khinh khoái và làm cho nguyên soái Địch Thanh kinh hồn táng đởm, thân chinh giao chiến cùng Trại Ba phải hạ giọng, buột miệng khen tài công chúa Đơn bang. Ngũ hổ tướng phút chốc thành những con chuột nhỏ bị mèo vờn. Trại Ba thả sức tung hoành, giăng bẫy lưới tình trửng giỡn Tống trào nguyên soái! Giao chiến với danh tướng thượng quốc, Trại Ba chẳng coi lời khẩu khí ra gì, bắt tướng như trở bàn tay, muốn giết muốn tha tùy ý ! May mà Trại Ba thấy Địch Thanh đẹp trai, nên cũng phúc cho ngũ hổ tướng được toàn mạng :
Quân ! Thượng tù Địch Thanh
Hãy dung đó mượn hồn ít bữa
Sẽ chờ ngày lấy phách năm chàng
Chừ thời giam tại ải quan
Trạch nhật điệu hồi Đơn quốc.
Cái chất hài hước của kịch bản Ngũ hổ bình Tây nằm ở đây ! Tiếng là ngũ hổ, nhưng lại thành một xâu tù, bị đả bại bởi một nữ nhi, đã vậy vô tù xa còn cãi nhau ỏm tỏi. Hỡi ôi ! Thể thống thiên triều trật ề thành một màn hài kịch nhốn nháo cuối hồi thứ nhất. Hào khí nước lớn đã thành trò giễu nhại, khi thất bại thì đổ thừa « Cớ sự ni cũng bởi anh Tiêu – Hoạn nạn ấy ở nơi chú Quý ». Còn Tiêu Đình Quý thì chẳng còn dáng dấp tiên phong mà hiện lên đúng chất kép hài trong màn thoại:
Các anh lấy đó mà coi !
Lời tôi nói thiệt
Phải mỗ rằng ngoa ?
Cái con mẹ này
Ý đã muốn xì xòa
Nên đem lòng chăm bẳm
Từ anh em vào trong này, tự thử chí tư
Giữ một bề cơm mắm
Chẳng thấy bữa cá ngon
Còn như Nguyên soái mới vào một bữa, cha chả là tử tế !
Tôm bạc cá tươi
Gà tiềm vịt xáo !
...
Thầy nhờ thì tớ cũng nhờ
Chớ như không Nguyên soái thì có ra gì đâu !
Anh khá thì em cũng khá
Giọng văn tuồng quả thật khoái hoạt, làm sụp đổ biểu tượng ngũ hổ trung quân báo quốc, khoa trương thanh thế. Lí tưởng anh hùng phong kiến đã hiện lên trong hồi đầu đã hiện thực hóa trong sự thảm bại nhục nhã, thấp cơ thua trí nữ nhi.
Có ngẫu nhiên chăng khi cái lí trong những vở tuồng Nguyễn Diêu lại thuộc về những nhân vật nữ. Giả thuyết về mối bi tình của riêng cụ Tú Nhơn Ân phần nào cắt nghĩa cho những ân hận, dày vò của cụ về việc phụ tình người tri kỉ. Mới hay, trong tuồng đâu chỉ có mục tiêu minh họa cho những quan niệm đạo lí rập khuôn trong quan niệm phong kiến mà còn là nơi hé lộ dấu ấn cái tôi, cá tính sáng tạo của tác giả. Trong một nền văn học chuộng sùng cổ, ước lệ, phi ngã thì tuồng đã làm một cuộc đột phá để lí giải từ góc độ nhân tình thế thái phù hợp với quan niệm nhân dân và nhất là đã khởi đầu cho hành trình về với hiện thực của thể loại thiên về văn chương bác học này.
Những tình tiết trong hồi II của Ngũ hổ bình Tây là Địch Thanh ly Thợn đã làm say mê bao thế hệ công chúng yêu tuồng. Đã nhiều nhà nghiên cứu bàn về hồi đặc sắc nhất này của Ngũ hổ bình Tây. Nếu như hồi 1 là niềm tơ tưởng về một người chồng lí tưởng của công chúa Trại Ba thì hồi 2 lại là nỗi thất vọng của bà vợ Trại Ba sắc sảo với anh chồng hời hợt Địch Thanh. Lúc này không còn là quan hệ đối địch hai phe Tống trào – Đơn bang nữa mà quan hệ chủ yếu trong hồi này xoay quanh tình mẹ con (Địch Thanh – Địch mẫu), tình cha con (Phiên vương – Trại Ba), tình vợ chồng (Trại Ba – Địch Thanh),… Không gian kịch cũng không có cái uy nghi quy củ triều đình quần thần hay cảnh dàn binh bố trận đối địch mà mang màu sắc dân dã cùng với sáng tạo về nhân vật Lí trưởng trong hệ thống chức dịch làng xã Việt Nam và cảnh gặp gỡ Trại Ba – Địch Thanh nơi cửa ải Cáp Man trấn giữ giống như khung cảnh gia đình vợ chồng lời qua tiếng lại. Sáng tạo này của cụ Tú Nhơn Ân đem lại cảm giác gần gũi của sân khấu hát bội với công chúng bình dân, để chuyển hướng hồi 2 thành những đối thoại về nhân tình thế thái. Những suy nghĩ của các nhân vật gắn quan niệm, cách đánh giá theo quan niệm nhân dân. Những lí giải xoay quanh xung đột Hiếu – Trung, nghĩa quân thần, đạo vợ chồng… được gia thêm chữ Tình vốn dĩ nằm ngoài ngũ luân phong kiến. Sự xuất sắc của hồi Địch Thanh ly Thợn này chính là khả năng lột tả tính cách nhân vật trong những tâm trạng giằng xé. Đặc biệt ở hai nhân vật trung tâm là tâm trạng đặt vào trong những tình thế khó xử. Trước hết là Địch Thanh, anh ta vào tình thế bị thất thế mà phải trá hôn, vì tình mẫu tử mà hy sinh nghĩa vợ chồng, trắng trợn dối gạt người vợ Phiên bang đã đầu gối tay ấp. Ý tứ về nhân vật ẩn trong lời hát đòi hỏi người diễn viên phải thật sự thấu đạt kịch bản để lột tả những xung đột trong lòng Địch Thanh qua lời thán:
… Phụng thánh chỉ bình nhung
Ngã Địch Thanh nguyên soái
Như ta Lỡ bước vì người Đình Quý
Gá duyên tạm với Thoại Ba
Trăng hồng lâu giục não cùng ta
Gió cố quốc đưa sầu cho mỗ
Mẹ, mẹ ôi!
Mẹ nương cửa, nhọc tình triêu mộ
Con trông mây, tủi phận thần hôn…
Sau khi được Lưu Khánh báo tin mẹ bị hạ ngục, kể từ đây Địch Thanh tỏ ra bi lụy khóc thương và tìm mọi cách dối vợ bỏ Đơn bang tiếp tục sự nghiệp bình Liêu. Mọi sự biện bạch lí giải cho hành động của Địch Thanh là do hiếu – trung, bỏ qua sự chăm sóc yêu thương của Trại Ba. Một lần nữa, vai trò của Trại Ba lại lấn át hoàn toàn nguyên soái đứng đầu trong ngũ hổ. Những lời thoại của Trại Ba được trau chuốt công phu bộc bạch tấm chân tình và cái giận dữ con nhà võ khi lâm vào cảnh bị chồng bỏ rơi, ra đi không lời từ biệt. tiết tấu màn truy đuổi thật nhanh trong những lời thoại ngắn tạo tình thế khẩn trương. Xét ra, Địch Thanh đường đường nguyên soái Tống trào nhưng thất thế trước Trại Ba mọi mặt, trong vai kẻ đào tẩu khi gặp người tầm nã lại là bà vợ rất dữ dội, đúng là lâm cảnh như lời Lưu Khánh nhận định: “Ăn xôi chùa ngọng miệng – Mắc nước bí bó tay”. Hai phen chạm mặt Trại Ba, Địch Thanh đều đuối lí đành phải xuống nước năn nỉ. Trại Ba vì lụy tình, đau khổ mà phải nén vào lòng, giận Địch Thanh bạc nghĩa bạc tình nhưng lại tỏ ra hiểu đạo lí, giàu lòng vị tha nên đành cho Địch Thanh qua ải phạt Liêu để làm tròn hai chữ Hiếu – Trung. Nhiều bài viết đã chỉ ra “nỗi thốn tâm thiên cổ” cụ Tú Nhơn Ân gửi vào hồi Địch Thanh ly Thợn này, qua những hờn trách oán sầu thương hận của Trại Ba, nên xin phép không nhắc lại trong bài viết này. Chỉ xin nhấn mạnh một lần nữa nét độc đáo: tên tuồng là Ngũ hổ bình Tây, nhưng làm nên sức sống của cả ba hồi diễn lại là nàng công chúa Trại Ba đầy cá tính, đây cũng là đóng góp độc đáo nhất của Nguyễn Diêu gợi nhớ hình ảnh những nữ tướng tài ba lừng danh đất võ Bình Định từ thời Tây Sơn. Phải chăng đó cũng là một lí do để công chúng Bình Định đặc biệt hâm mộ vở tuồng này?
Hơn thế, sự gia công trau chuốt kịch bản của người học trò xuất sắc Đào Tấn với di sản của thầy học ở hồi thứ 2 này lại là một minh chứng cho con đường của tuồng hát khi đi vào đời sống dân gian, lấy thị hiếu công chúng làm trọng chứ không câu nệ vào sự gò bó câu thúc của những nguyên tắc như tuồng cung đình. Lấy chất lượng làm trọng, không chỉ là gia công vào mảng miếng chiêu trò, mà khâu kịch bản tuồng cũng có những gia công của những nghệ nhân, những bậc thầy tuồng hát, khiến Ngũ hổ bình Tây có nhiều biến đổi, nhuận sắc đẹp hơn, hay hơn so với kịch bản ban đầu. Từ đây, ta cũng nhận ra bài học về cải biên, phát triển vốn cổ cho phù hợp với cuộc sống đương đại. Riêng ở lĩnh vực này, Đào công đã có những bước tiến vượt bậc so với thầy học của mình.
**
*
Liệu đố (Chữa bệnh ghen) được lược thuật lại trong công trình của Quách Tấn – Quách Giao, và theo hiện trạng của văn bản do nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn sưu tầm, chúng ta nhận ra điểm thú vị trong sự gia công nhuận sắc và những phẩm bình của người đời sau với vở tuồng. Những bài thơ về Thổ Địa, trong màn diễn cương dường như đã được tu chỉnh cho phù hợp không khí của những ngày kháng chiến chống Pháp ở Liên khu V, nên tài liệu của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn dẫn ra phần Phẩm bình tuồng Liệu đố có những lớp từ hiện tại để nói về các màn diễn như Thổ địa đi công tác, Thổ Địa nhậu rượu… Ý nghĩa vở tuồng đâu chỉ nói chuyện đàn ông năm thê bảy thiếp trong thời phong kiến mà dường như còn có giá trị nhất định trong hoàn cảnh xã hội hiện đại. Thổ Địa đã đóng vai trò như ban hòa giải nhân dân, lấy tình làm trọng để khuyên nhủ con người biết bao dung trước hoàn cảnh. Kể ra, nội dung vở tuồng này hiện nay khó diễn vì chẳng khác nào cổ vũ cho các ông đa thê, nhưng có thể tiếp thu tinh thần khoan dung nơi chị em trước những lỗi lầm của đấng phu quân!!! Cách chữa bệnh ghen khá độc đáo, phải viện dẫn sự trợ lực từ thế giới khác, với vai trò Thổ Địa và anh hồn của mẹ vợ chốn Dạ Đài mới hóa giải được. Liệu vở tuồng này có liên quan đến ẩn ức nào trong đời sống tác giả hay không, có lẽ cũng cần một sự tìm hiểu kĩ càng hơn.
Vở tuồng có nhiều công phu trong diễn xuất và tập trung chất bi kịch của cuộc sống là Võ Tam Tư trảm Nguyệt Cô (Nguyệt Cô hóa cáo). Nhân vật này có nhiều điểm đáng thương khi phải trả giá cho bệnh mê trai (!). Mà cũng lạ, phần lớn các nhân vật tạo sóng gió và đóng vai trò trung tâm trong tuồng của cụ Tú Nhơn Ân như đều mắc chung căn bệnh này. Tuy nhiên, chỉ có Nguyệt Cô là phải trả giá đau đớn cho khát khao được sống được yêu như một con người của mình. Sự táo bạo của nội dung vở diễn khiến nhiều gánh hát thời xưa phải e dè vì các hương thân hào sĩ sợ phạm thuần phong giáo hóa. Như vậy cũng là một bất công cho vở tuồng, khi trở thành nạn nhân của lối thưởng ngoạn phi nghệ thuật. Tuy nhiên cũng lại là một nghịch lí khi vở tuồng ít được diễn thời phong kiến mà lại luôn được đưa ra bàn luận tranh cãi, thậm chí còn tạo xung đột ẩu đả như một cách bảo vệ danh dự vùng miền (theo như lời kể trong giai thoại của Quách Tấn – Quách Giao)[2]. Câu chuyện từ cáo thành người, rồi do mất ngọc người phải trở về kiếp cáo đem lại những bàn luận trái chiều, nhưng không thể phủ nhận đây là vở giàu chất văn học hơn cả, mang đậm dấu ấn rất riêng của cụ Tú Diêu, nếu không muốn nói là một thành tựu cách tân táo bạo nói chung của tuồng hát bội trên hành trình thâm nhập hiện thực. Nhà nghiên cứu Tất Thắng đã rất có lí khi cho rằng: “Với Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, nghệ thuật Tuồng đã đạt tới mức điêu luyện cổ điển trong việc đặc tả cùng một lúc cả ngoại hình và nội tâm nhân vật. Với ngôn ngữ khác lạ hóa, Tuồng đã diễn tả được một hiện tượng không có thật trong đời sống, mà chỉ diễn ra trong sự mường tượng của con người. tính nhân văn tràn đầy và tính triết lí sâu sắc, tính huyền thoại độc đáo của Tuồng đã tìm thấy ở mảnh trò này một minh chứng đầy sức thuyết phục” (Nghệ thuật Tuồng – nhận thức từ một phía, tr.123). Nói thẳng ra, Quỳnh Phủ tiên sinh đã thật sự làm một cuộc cách mạng, cũng giống như Nguyễn Dữ mô tả những cảnh làm tình trong Truyền kì mạn lục, Hồ Xuân Hương đưa những biểu tượng dục tính vào trong thơ, thì màn giao hoan Nguyệt Cô – Tiết Giao là sự táo bạo (có thể là duy nhất) trong nghệ thuật hát bội. Và tiếp cận từ góc độ này, chúng ta thấy những lời buộc tội vở tuồng phạm phải thuần phong giáo hóa là vô căn cứ. Đáng kết án là Lí Tịnh chủ mưu và Tiết Giao đồng phạm đã lợi dụng lòng si mê của Nguyệt Cô để tước đoạt quyền làm người của nàng, và Nguyệt Cô vì phút mất cảnh giác buông thả cho bản năng đã để mất đi chất ngọc người ngàn năm tu luyện. Bài học nhân tình thế thái từ nhiều khía cạnh đã tạo cho vở tuồng mang tính đa thanh phức điệu, không đơn thuần một xu thế giáo huấn như nhiều vở tuồng cổ khác.
3. Nghệ thuật tạo xung đột trong các vở tuồng của Nguyễn Diêu:
Trong các giả thiết đưa ra, gạt bỏ những tồn nghi để đi tìm một bản sắc đích thực trong văn tuồng Nguyễn Diêu, người viết cũng thiên về giả thiết cho rằng tuồng của ông đã nhiều lần có bàn tay gia công, nhuận sắc chỉnh lí của người đời sau. Nhưng cái hồn cốt của từng vở vẫn còn nguyên vẹn. Phần lớn những xung đột kịch đều đơn giản, cách xử lí không quá nhiều trăn trở và nhiều tâm trạng ở các nhân vật như trong tuồng Đào Tấn.
Xung đột tạo kịch tính truyền thống trong tuồng hát bội khai thác trong các tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa thường chuộng đề tài quân quốc với mô-tip “vua băng nịnh tiếm, bà thứ mắc nạn, ông trạng bị vây, chém nịnh định đô, tôn vương tức vị”, thường phân thành hai phe rạch ròi trung – nịnh. Tuồng Nguyễn Diêu trong khảo sát này có hai vở thuộc hình thức diễn truyện, diễn ca, lấy từ tích trong các tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa. Một mặt, nó trung thành với nguyên tác, cốt truyện của tiểu thuyết, nhưng không phụ thuộc hoàn toàn vào gốc truyện. Mặt khác, xung đột được khai triển theo dụng ý nghệ thuật riêng của tác giả, làm biến dạng nguyên bản và định hướng cho xử lí lột tả tính cách nhân vật trên sân khấu.
Cũng từ những chuyển hướng quan niệm từ các vấn đề đạo lí phong kiến truyền thống sang đạo lí nhân dân, ta xác định được những xung đột cơ bản và xung đột thứ yếu trong tuồng Nguyễn Diêu. Ở Ngũ hổ bình Tây, nếu theo cách diễn truyện truyền thống thì ắt hẳn xung đột cơ bản phải là giữa phe thái sư Bàng Hồng và ngũ hổ tướng, để đề cao lòng tận trung báo quốc, trung nghĩa thắng gian nịnh. Vậy mà xung đột trong các hồi 1, 2, 3 đều không tập trung vào mối quan hệ cơ bản của tuồng “quân quốc” mà chỉ mượn cái xác “tôn quân” để chuyển cái hồn “trọng nghĩa”, “lụy tình” mà thôi. Ở hồi 1, xung đột bắt đầu từ nhầm lẫn trên đường chinh phạt, thay vì bình Liêu thì ngũ hổ lại quá quan trảm tướng của… Đơn bang! Thế nhưng đối đầu Tống quốc – Đơn bang giữa một bên là Địch Thanh mang ấn nguyên nhung và một bên là Trại Ba công chúa. Cái khéo và cái ngộ nghĩnh của hồi 1 là: đầu tiên bốn tướng bị Trại Ba đánh cho tơi tả, nhụt nhuệ khí binh tướng thiên triều, cũng làm hả dạ nữ nhi hạ uy hổ tướng! Tiếp theo cuộc đối đầu Địch Thanh – Trại Ba đã chuyển thành xung đột tình - thù. Mọi suy nghĩ, tâm trạng của Trại Ba đều hướng tới mục tiêu chinh phục ông Tống tướng đẹp trai. Để rồi, Địch Thanh từ vai trò kẻ đi chinh phục bị lâm vào thế bị động, thúc thủ trước mưu kế rất “quái” của Trại Ba. Công chúa Đơn bang làm Tống trào nguyên soái bị xỏ mũi, dắt dây! Hồi 1 chính là quá trình dẫn giải sự thắng thế tuyệt đối của nữ quyền trước các đấng nam nhi đại trượng phu khua môi múa mỏ. Đến hồi 2 - Địch Thanh ly Thợn, lớp “Trại Ba thoát trướng” tập trung xung đột cơ bản của hồi tuồng. Xung đột trong hồi này có phần tản mạn vì liên quan nhiều không gian, biến cố dồn dập, có nhiều lớp diễn khác nhau. Địch Thanh phát ngôn mạnh miệng trung quân báo quốc nhưng thực tế là do muốn cứu mẹ cho trọn đạo hiếu. Nhưng đứng trước Trại Ba, chàng ta không thể biện bạch được lí do đào tẩu của mình. Xung đột lí – tình hai phen giữa vợ chồng lên đến cao trào, dẫu có Lưu Khánh trợ lực thì Địch Thanh cũng ngậm hột thị không thể chối tội bạc tình. Cụ Tú Nhơn Ân có lẽ dồn hết bút lực cho đoạn tâm đắc ẩn chứa tâm sự chính mình này:
Địch Thanh: Thưa Công chúa! Công chúa giận cũng phải, làm ngơ cũng phải. nhưng mà xin Công chúa nghĩ lãi cho hạ quan nhờ
Nếu bó tay hào kiệt
Không trả nợ anh hùng
Bận nỗi vợ nỗi chồng
Sao rằng trung rằng hiếu?
Công chúa: Á thôi! Ai không cho ông nguyên soái hiếu? Ai không cho ông nguyên soái trung? Bớ ông nguyên soái! Tôi hỏi
Muốn hiếu trung phải vẹn chữ thỉ chung
Đường khứ tựu phải cho minh bạch
Làm một ông nguyên soái như ông, cha chả là lịch sự!
Đã trốn đi lấm lét
Mà lại nói bơ thờ
Còn trách làm ngơ
Nghĩ không nên giận hay mần răng?
Địch Thanh: Thưa Công chúa! Công chúa giận cũng phải, làm lơ cũng phải. nhưng rứa mà công chúa nghĩ lại cho kẻ hạ quan nhờ. Nay thằng Bàng Hồng nó sàm tấu rằng kẻ hạ quan phản quốc sự cừu, cho nên nó được lệnh thiên tử câu thủ mẫu thân giam vu ngục nội, thời đã rồi! Có phải là
Oan ấy ỷ khôn đôi chối
Nên chi Lụy này đòi bữa chứa chan
(Công chúa lau nước mắt v.v…)
Những tưởng với lời biện bạch ấy có thể làm mềm lòng công chúa, Địch Thanh trổ tài hùng biện lấy phận làm con áp đảo Trại Ba, nhưng một lời công chúa dồn Địch Thanh cứng họng, bẻ gãy cái lí hồ đồ:
Công chúa: Nguyên soái biết thương mẹ, chớ thiếp chẳng biết thương mẹ hay mần răng?
Mẹ Tề như mẹ Tấn
Lòng đó cũng lòng đây
Như nay Nguyên soái có thương mẹ thì Nguyên soái cũng nói cùng thiếp, đặng thiếp vào thiếp tâu cùng phụ vương thiếp, gia binh mã cho Nguyên soái đi
Dẫu có chi, cũng chẳng can chi
Nay Nguyên soái trốn đi! Có phải là
Bởi thương lắm, cho nên mới giận lắm!
Rõ ràng công chúa Đơn bang cũng hiểu đạo lí, không ngăn cản chồng làm tròn chữ Hiếu chữ Trung! Thương mà giận người đầu gối tay ấp không trọng nghĩa vợ chồng, hành động thiếu minh bạch, lộ mặt bạc tình. Mâu thuẫn chưa giải, lại thêm Lưu Khánh châm dầu vào lửa, vậy là lửa giận phừng phừng, nước này thầy trò Địch Thanh chỉ còn dụng chước “dĩ đào vi thượng” mà thôi! Phải đến khi tới Hỏa Phong Quan, nàng mới hạ hỏa mà đành: “Cắn răng mà chịu chữ đoạn tràng – Nhắm mắt lại chờ ngày tái hiệp” để lúc đó Địch Thanh mới hiểu dạ “tư phu thục nữ” mà cư xử đúng đạo phu thê. Cũng phải nói thêm là phần nhuận sắc của Đào Tấn giúp cho xung đột hóa giải được trọn vẹn và cũng thể tất phần nào khi bổ sung thêm dăm lời tình nghĩa mặn nồng cho Địch Thanh tương xứng với tấm lòng Trại Ba công chúa.
Xung đột hồi 3 của vở tuồng ít nhiều mang dáng dấp quen thuộc của nhiều vở tuồng quân quốc, với tình huống Địch Thanh bị vây khổn bởi Tinh La Hải, phải nhờ vợ giải cứu. Viết hồi 3, Quỳnh Phủ tiên sinh cũng không quá chú trọng vào tình thế gay cấn đối địch Tống – Liêu mà muốn giải quyết cho trọn vẹn nỗi ấm ức của cha con Trại Ba, cơn giận bị Lưu Khánh đập một côn, Tiêu Đình Quý buông lời xỉ mạ. Ngũ hổ tướng của tuồng Nguyễn Diêu cố tỏ vẻ oai phong lẫm liệt, hùng tâm tráng chí thì đến hồi này mang đậm chất bi hài, phải dập đầu tạ tội nguyên soái phu nhân, cậy nhờ tài năng nữ nhi mới thoát khốn đốn ở Bạch Hạc quan. Màu sắc dân dã tuồng hài đậm nét hơn cả trong hồi thứ 3 này, với những xung đột tạo tiếng cười sảng khoái, cùng sự xuất hiện của một loạt các nhân vật độ phu (chèo đò), quán, lý trưởng Đơn quốc… Lí tưởng lập công dương danh xem chừng đã mờ nhạt, thiên binh vạn mã Tống quốc phải cậy nhờ tài nhi nữ Đơn bang mới hoàn thành sự nghiệp bình Liêu. Vở tuồng đã vượt thoát khuôn khổ ước lệ, mang hơi thở hiện thực gần gũi với nhân dân, đáng gọi là “tuồng thầy” về tuồng tình cảm.
Vở thứ hai cũng lấy đề tài từ tiểu thuyết chương hồi là Nguyệt Cô hóa cáo, trong bộ ba Thuyết Đường – Phản Đường – Tàn Đường gọi chung là Thuyết Đường diễn nghĩa. Xung đột kịch ở vở này có nhiều éo le, mang hơi hướng triết lí nhân sinh đậm nét. Đề tài vở này ít nhiều đụng chạm đến vấn đề cấm kị phong kiến nên có thể nói cụ Tú Nhơn Ân đã thật sự khai phá cho một mảng tâm lý – tình cảm trong Tuồng. Nhân vật trung tâm lại tiếp tục là nữ, hơn nữa lại là hồ ly tinh tu luyện mà thành. Không rõ khi sáng tạo những xung đột cho vở tuồng này, cụ Tú có ám ảnh bởi mối oan tình với người con gái đã vì ông mà quyên sinh hay không, nên các xung đột đối địch giữa các nhân vật Tiết Giao – Nguyệt Cô bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Xung đột bên trong của Nguyệt Cô mới thật sự tạo nên chấn động tâm tư của người thưởng thức. Bản chất hồ ly được thể hiện trong kịch bản qua sự mê đắm Tiết Giao của Nguyệt Cô thực ra khiến người xem dễ cảm thông và chia sẻ. Phải chăng cuộc sống của một nho sĩ không bị câu thúc trong những ràng buộc của chốn quan trường đã giúp Nguyễn tiên sinh khai thác khá táo bạo những khát vọng thầm kín, những xung đột Yêu và Hận của Nguyệt Cô để làm nên những giằng xé nội tâm đầy ám ảnh của nhân vật và khiến cho độc giả và đặc biệt là khán giả hát bội phải rùng mình trong bi kịch Người – Cáo của nàng? Sức hấp dẫn của Nguyệt Cô cũng khiến cho xung đột bi kịch đẩy đến cao trào khó thấy ở những vở tuồng khác, làm tiền đề cho hướng phát triển của tuồng hát bội lãng mạn sau này phát huy trí tưởng tượng và cảm xúc mãnh liệt.
Với Liệu đố, tác phẩm theo tài liệu của Quách Tấn – Quách Giao cho rằng được viết khoảng 1872 – 1880 khi tác giả đã qua tuổi “tri thiên mệnh”, ta thấy rõ một Nguyễn Diêu rất sâu sắc và bao dung trong xử lí những mâu thuẫn éo le về nhân tình thế thái, trong bối cảnh một xã hội phổ biến tình trạng “đàn ông năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ lấy một chồng”. Đây là vở tuồng hư cấu nhưng rõ ràng đã khai thác tối đa từ hiện thực để xây dựng nên một nhân vật “ghen bất hư truyền”! Mối lương duyên Châu Anh – Kim Liên dường như có yếu tố “thiên duyên tiền định” nhưng quả thật đã đẩy các nhân vật trong cuộc vào tình thế tréo ngoe: Châu Anh có vợ bé, Ngọc Mai nổi cơn ghen trời long đất lở, táng đởm kinh hồn. Kịch bản này là một sáng tạo của Nguyễn Diêu khi không dựa vào một tuồng tích, câu chuyện nào có sẵn trong tiểu thuyết chương hồi, mang sắc thái bình dân khi xoay quanh quan hệ gia đình, xung đột giữa những người phụ nữ trong cảnh “lấy chồng chung”. Nhân vật trung tâm là người vợ bé Kim Liên, chịu phận tiểu tinh nhưng đã thể hiện lòng vị tha để cảm hóa Ngọc Anh. Chủ đề cũng thật độc đáo khi tác giả đưa ra các giải pháp “chữa bệnh ghen”. Nguyễn Du đã từng đưa ra một nhân vật Hoạn Thư trước đó, hẳn cụ Nguyễn Du cũng không hay rằng trong tuồng hát bội của Nguyễn Diêu còn tô đậm tính cách tâm trạng người đàn bà ghen tuông lên đến một mức trần thế không có cách ghen nào lạ đời đến vậy! Kể ra vở tuồng này đặt trong bối cảnh xã hội hiện đại với chế độ một vợ một chồng thì cũng khó có đất diễn, nhưng đặt vào bối cảnh thời phong kiến thì không hiếm những khán giả thời đó nhìn thấy mình trong đó. Tác giả tạo nhiều tình huống khác nhau, kể cả khi Ngọc Mai – Kim Liên cùng chung hoạn nạn, vào sinh ra tử; rồi cả Thổ Địa, âm hồn cùng can thiệp nhưng không hóa giải nổi căn bệnh ghen. Chỉ có Kim Liên bằng sự cam chịu và cả đức hy sinh cao cả mới cảm hóa nổi người vợ lớn, biến hận thành thương, âu cũng là một giải pháp khả dĩ trước chuyện đã rồi. Cái thú vị là khi xây dựng kịch bản này, có lẽ Nguyễn Diêu cũng xuất phát từ cảm hứng hiện thực nơi làng quê ông sống, đưa vào khá nhiều thành ngữ tục ngữ dân gian và dường như có cả những mảng miếng tuồng tích từ bài chòi, truyện cổ dân gian kiểu Thoại Khanh Châu Tuấn để sáng tạo tình huống cắt thịt người giúp Ngọc Mai giải bệnh quỷ! Xung đột hài được khai thác tối đa nhằm tạo tiếng cười sảng khoái và hướng về xu hướng hòa giải bằng lòng vị tha, cảm thông giữa những người phụ nữ với nhau. Bởi vậy, trong hệ thống tuồng hài, vở Liệu đố cũng đáng được xếp vào vị trí những vở tuồng tiêu biểu gắn quan hệ làng xã ngày xưa.
4. Tạm thay lời kết
Trong phạm vi một tham luận nhỏ, người viết không có điều kiện để khai thác thêm những điều rất đáng bàn trong kịch bản tuồng Nguyễn Diêu. Chẳng hạn về chất thơ rất đặc trưng của tuồng hát Bình Định đã được Nguyễn Diêu vận dụng khá nhuần nhuyễn. Mặc dù hạn chế của các vở này là thơ chữ Hán quá nhiều điển tích điển cố và chưa đạt đến chất trau chuốt của văn chương bác học như tuồng sau này của người học trò xuất sắc Đào Tấn. Nhưng rõ ràng, sự biến hóa linh hoạt trong vận dụng nhiều thể thơ luật Đường. lục bát, nói vè… cũng tạo nên tiết tấu riêng và phát triển vượt bậc so với tuồng nói kiểu Sơn Hậu phần lớn thiên về nói lối. Hoặc giả từ những khai phá ban đầu trong việc khắc họa nội tâm, xây dựng tính cách trong tuồng của cụ tú Nhơn Ân, sau này Đào Tấn đã đưa nghệ thuật tuồng lên đỉnh cao rực rỡ, mẫu mực. Những vấn đề như vậy đòi hỏi phải có hẳn một chuyên luận dài hơi.
Bản thân người viết mới chủ yếu tiếp xúc tuồng hát bội Nguyễn Diêu qua kịch bản, bởi vậy những ý kiến trong tham luận này chủ yếu xem xét từ phía kịch bản văn học, không tránh khỏi có những phiến diện. Nhưng có thể thấy sức hấp dẫn của tuồng cụ tú Nhơn Ân vẫn rất sâu rộng trong đời sống đương đại ở địa phương Bình Định, đặc biệt ở quê hương Tuy Phước lưu truyền nhiều câu chuyện thú vị về việc diễn màn đoạt đò trong Ngũ hổ bình Tây bằng cách dựng sân khấu trên một quãng đìa nước, chuyện những đào kép diễn xuất thần Nguyệt cô hóa cáo. Một ông chú tôi là Hương Sơn lão sĩ Trần Đình Chi, thời trẻ từng theo làm kép trong các đoàn hát cứu trợ, năm nay tuổi đã 90 bị nằm bệnh viện vì gãy xương, đã nói tôi mang vào bản Ngũ Hổ Bình Tây để đọc và nhẩm hát theo cho quên đau đớn. Trong các dịp tế hiệp, đầu xuân, tuồng Nguyễn Diêu vẫn có mặt trong các vở diễn hát hiến bà con ở khắp các vùng quê…
Có thể thấy Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu có một vị trí quan trọng trong đội ngũ các tác gia tuồng làm nên đặc trưng riêng của tuồng Bình Định. Đóng góp lớn của ông không chỉ ở vai trò thầy dạy tuồng cho một tài năng kiệt xuất là Tô Giang Đào Tấn mà bên cạnh đó còn góp cho hậu thế những vở tuồng đặc sắc, có dấu ấn sáng tạo riêng. Đó là sự phá vỡ đề tài quân quốc truyền thống, sự táo bạo trong xử lý đề tài phong tình vượt ra khuôn khổ lễ giáo, đặc biệt là xây dựng được những nhân vật nữ vừa là đào võ – đào thương mang đậm sắc thái, tính cách con người vùng đất võ. Hy vọng rằng trong việc bảo tồn và phát triển tuồng truyền thống, những nhà nghiên cứu, đội ngũ diễn viên sẽ tìm ra và kế thừa được thêm di sản quý trong tuồng hát bội của cụ Tú Nhơn Ân, lưu giữ được những nét riêng của dòng tuồng Bình Định.
Bình Định, tháng 5 năm 2012
TRẦN HÀ NAM
Tài liệu tham khảo:
- Tuồng cổ, tập 1 – Hoàng Châu Kí, NXB Văn hóa, Hà Nội, 1978
- Nho giáo và Văn học Việt Nam trung cận đại – Trần Đình Hượu, NXB Giáo dục, 1999
- Nghệ thuật tuồng – nhận thức từ một phía – Tất Thắng, NXB Văn học 2006
- Đào Tấn và hát bội Bình Định – Quách Tấn, Quách Giao, NXB Văn hóa dân tộc 2007
- Góp nhặt dọc đường – Vũ Ngọc Liễn, NXB Sân khấu, 2011
- Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu, ông đồ nghệ sĩ – Vũ Ngọc Liễn, NXB Sân khấu, 2012
[1] Hoắc Khứ Bệnh (140 – 117 TCN) danh tướng của Hán Vũ Đế có công dẹp Hung Nô giữ yên bờ cõi phía Bắc Trung Hoa.
[2] Chuyện kể về ông Tôn thất người Huế bị Đoàn Phong ở Tây Sơn đá hộc máu vì nói xúc xiểm tính cách người Bình Định nhân bàn đến Cổ miếu vãn ca (Nguyệt Cô hóa cáo)
bài viết rất công phu. Khâm phục thầy.
Trả lờiXóaRất vui khi đã có người đọc và cảm nhận được!
Xóa