Thứ Tư, 21 tháng 10, 2009

Tây Tiến (*) - hiện thực về người lính những năm đầu kháng chiến


Giữa cái bộn bề của thị trường thơ hôm nay, Tây Tiến của Quang Dũng vẫn luôn làm xôn xao cõi lòng bởi những vần thơ đượm màu kiêu bạc hào hoa: Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi…
Thơ hay có sức rung động mãnh liệt là vậy. Không cần tỉ mẩn bóc từng câu từng chữ mà thấm vào lòng người sự rung cảm chân thật đến run rẩy từng làn da thớ thịt. Tây Tiến đã chinh phục người đọc bằng tâm trạng của người trai ra đi cứu nước trong buổi đầu kháng chiến - với tâm tư in bóng trong dáng hình sông núi:
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi/Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/Mường Lát hoa về trong đêm hơi/Dốc lên  khúc khuỷu dốc thăm thẳm/Heo hút cồn mây súng ngửi trời/Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống/Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi…
Cảnh ấy cũng là tình. Cũng là sương, là hoa, là mây, là mưa - những chi tiết thường gặp trong thơ cổ - nhưng còn đượm thêm không khí trầm hùng của thời đại được diễn tả bằng những từ ngữ, thanh điệu khi đọc lên ta cảm thấy ngang tàng. Hình ảnh của một đoàn quân mỏi đi trong cái khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút, giữa cái bồng bềnh sương khói chơi vơi được tác giả phác họa bằng những nét chấm phá tài tình. Con mắt thơ không dừng lại ở không gian rừng núi mà còn mở ra một không gian - tâm trạng của một hồn thơ chiến sĩ. Phảng phất một chút Lý Bạch trước Hoàng Hà - ngút ngát chí tang bồng của người trai thời loạn. Trong gian nan của người chiến sĩ Tây Tiến, ta vẫn gặp chút hóm hỉnh ở hình ảnh súng ngửi trời. Chạm mặt với thực tế khắc nghiệt - song chất hào hoa lãng tử không mất đi mà lại càng được tô đậm thêm, chân thật sống động trong những câu thơ đượm tình quê, tình đồng đội, tình quân dân. Một hiện thực về người lính Tây Tiến - anh bộ đội Cụ Hồ trong những năm đầu chiến đấu gian khổ. Đó là cơn mưa gợi nỗi nhớ nhà sâu thẳm, là sợi khói cơm thơm quyện chặt tình người, một bóng hình đong đưa làm xao xuyến những trái tim trai trẻ…
Bài thơ có nói đến hy sinh, mất mát, gian khổ nhưng cảm xúc hào hùng của lớp người "ra đi bảo tồn sông núi" đã lấn át cái bi lụy buồn thương. Đoàn binh Tây Tiến trong thơ Quang Dũng như một sự kết tụ của tráng khí muôn đời, pha chút lãng mạn kiểu Kinh Kha "một đi không trở lại". Phải chăng, với tinh thần "coi cái chết nhẹ tựa lông hồng" mà toàn bài thơ mặc dù có nói đến chết chóc nhưng giọng điệu rất bình thản: "anh về đất?". Phải chăng khi xác định chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh, người lính đã nhận ra mục đích của cuộc chiến đấu còn lớn hơn vạn lần những gian khổ, hy sinh?
Bài thơ không cường điệu hóa cảm xúc dẫu trong âm điệu gân guốc, khỏe khoắn của toàn bài có những từ ngữ mang hơi hướng cổ điển như xiêm áo, dữ oai hùm, mồ viễn xứ, áo bào, khúc độc hành và cách diễn đạt tưởng chừng lạ lẫm tràn ngập không khí lãng mạn. Nếu chỉ chăm chăm đi tìm chất thép trong bài thơ theo quan điểm xã hội học thiển cận thì sẽ chẳng nhìn thấy cái đẹp của Tây Tiến. Cái đẹp của bài thơ viết ra từ lửa máu đã làm rung lên những cảm xúc đồng điệu của bao thế hệ.   
. Trần Hà Nam
(*) giảng dạy trong chương trình Văn học lớp 12.

Tây Tiến
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi


Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ


Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa


Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm


Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành


Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi
Phù Lưu Chanh 1948
. Quang Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét