Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2009

Giới thiệu thơ học sinh - CLB SÁNG TÁC TRẺ (2003)


Bài cho Câu lạc bộ trẻ - Hội VHNT Bình Định

Những vần thơ mang tình đất

Trường Lê Quý Đôn mấy năm nay đã thành địa chỉ đỏ đón học sinh từ các huyện về học. Cùng bao bỡ ngỡ âu lo khi bước chân vào ngưỡng cửa cấp III, các em còn mang theo tâm hồn tươi rói màu đất phù sa và mượt mà giai điệu những dòng sông quê miền Trung xanh ngăn ngắt.
Thơ học trò - mỗi khi chúng ta nghĩ đến mảng thơ này thường lại có một cách hình dung kẻ cả của những người lớn "học trò ấy mà!". Tôi đã đọc và tôi cũng đã nghĩ như vậy (có lẽ đó cũng là cố tật của người làm nghề dạy học, hay bới lông tìm vết, nhất là thơ ấy lại là của học trò mình). Nhưng quả thật, tôi đã phải một phen ngạc nhiên vì cấu tứ, hình ảnh thơ khá già dặn trong thơ của các em. Vẫn có những lời còn vụng dại, thế nhưng những tâm tình nhắn gửi của các em trong thơ thì không hề non nớt chút nào. Một nỗi nhớ quay quắt hình ảnh mẹ :
Ôi, những mùa đông trôi qua buốt rát
Chắt chiu quê nghèo mẹ lặn lội nuôi con
Bao yêu thương, hy vọng mãi luôn còn
Dãi dầm nắng mưa, nét son mẹ phai dấu
                             (Bến cả -Lê Anh Nguyệt)
Một rung động thiếu nữ được diễn tả bằng những lời thật ngọt :
Chiều chiều, "người ấy" lại đi qua
Hôm nay sao đứng lại bên nhà
Len lén nhìn lên song cửa sổ
Một giàn giấy tím đã nở hoa
                                                (Bâng khuâng - Nguyễn Hà Huyền Trân)
Những tác giả được giới thiệu hôm nay tuổi đời còn rất trẻ, mới qua ngưỡng trăng tròn. Hai gương mặt thơ Nguyễn Hà Huyền Trân và Lê Anh Nguyệt thật ngẫu nhiên lại cùng đến từ huyện Hòai Ân – nơi những ngày qua cuồng xoay những dòng lũ xóay, với bao nỗi đau thắt lòng nhà sập, nước dâng. bởi thế các em không chỉ có những dòng thơ tươi trẻ mà đã chớm hằn những âu lo khi lần đầu xa quê, xa mẹ. Có lẽ quê hương còn nhiều vất vả cũng là nguồn thương làm nên thế giới thơ riêng của các em. Thế giới thơ ấy khác hẳn thơ chúng tôi thời trước, cũng không giống như bây giờ chúng tôi làm thơ về lứa tuổi học trò. Có lẽ một phần vì các em mê thơ, say văn nên đã đến với thơ như nguồn giãi bày những ẩn ức, những tình cảm trong trẻo của thế hệ mình. Tình quê, tình mẹ, bao nỗi niềm được các em thể hiện bằng tất cà những bồi hồi xúc động của học trò lần đầu xa quê. Có ai đó đã nói “Không có thơ trẻ, thơ già, chỉ có thơ hay, thơ dở”, nhưng tôi lại nghĩ khi thơ được soi chiếu qua lăng kính tâm hồn của những người trẻ  lại có một sức sống rất riêng, không phải “cưa sừng làm nghé” như nhiều bài thơ người lớn. Hy vọng rằng những tình cảm được nhen lên thành thơ hôm nay vẫn là một ngọn lửa ủ ấp trong suốt những năm tháng học trò . Đôi khi tôi bỗng thèm mình còn giữ được chất men nồng như thế để cất lên những lời ca ngợi cuộc sống mến thương này.



Nguyễn Hà Huyền Trân


                                                BÂNG KHUÂNG
Tan học thì đường ai nấy đi
Lại theo người ta chẳng nói gì,
Cứ vờ nhìn lá mây trên phố
Rực hồng hoa phượng đến mùa thi


Chiều chiều, "người ấy" lại đi qua
Hôm nay sao đứng lại bên nhà
Len lén nhìn lên song cửa sổ
Một giàn giấy tím đã nở hoa


Tan học chiều nay không có ai
Lặng lẽ đi theo trên lối dài
Phố vẫn đông, sao thấy vắng
Ngu ngơ với gió, bước chân nai


"Người ấy" ra trường vào năm nay
Sân trường vắng ngắt chợt buồn thay
Tiếng ve ngân khúc, thênh thang nhớ
Bất giác vu vơ bỗng nhớ ai.


NHỚ QUÊ
Lên thành phố đã ba năm
Xôn xao trong những đêm nằm nghe mưa
Biết cha đang bận cày bừa
Mẹ lo nhà dột, phên thưa, gió lùa
Thèm ăn cá lóc canh chua
Mẹ mình vẫn nấu mỗi mùa gặt xong
Chiều chiều đi giữa phố đông
Học trò tỉnh lẻ nhói lòng nhớ quê




Nguyễn Hà Huyền Trân
                             TIẾNG QUÊ
Quê mình ngày này đẹp lắm chị ơi!
Đẹp như khi chị tròn mười sáu
Vầng trăng non còn đang ẩn náu
Khoác lên mình chiếc áo nàng tiên
Chị ra đi, chân mải miết triền miên,
Chỉ còn mẹ và những ngày quê nắng đỏ
Bờ đê dài bóng ai sao bé nhỏ
Lấm lem bùn lầy như thuở còn chăn trâu


Thời gian ơi xin hãy trôi mau,
Để chị về cho quê hết tủi
Để mẹ bước ra đồng không lủi thủi
Ruộng quê mình gấp gáp những cánh cò


Thu về, em cảm thấy âu lo
Giấy nhập học ướt nhoè hai mi mắt
Nhà bây giờ chỉ còn mẹ quay quắt
Đợi chị về cùng mẹ và quê hương


MỘT THUỞ MƯỜI LĂM
Những ngày tháng đẹp như trang cổ tích
Trôi qua mau như cơn gió theo mùa
Ta chẳng thể cứ mãi mười lăm tuổi
Sao thương hoài thuở hoa bướm ngày xưa
Mái trường và bao kỷ niệm buồn vui
Hộc bàn cũ, chỗ ngồi quen mùi vở
Vu vơ những buồn vui tưởng chừng vô cớ
Ngỡ đâu mình đã quên...


Khép lại tuổi hồng một thuở quàng khăn
Thời gian làm sao xoá nhoà thương nhớ
Bạn bè ơi! Phải chăng còn mắc nợ
Ứơc một ngày sum họp thoả hàn huyên


Lê Anh Nguyệt


HOA CỎ MAY


Hoa cỏ may
Rơi nhẹ nhàng
Theo gót em về trên con đê nhỏ
Vướng mắt ai nhìn
Bỗng, xa xăm!
Một trời hoàng hôn
Mắt em xanh
Trong thơ ngây biếc lạ
Một mùa hạ vô tình
Lững thững vội đi qua
Cơn mưa hạ
Rơi áo ai, khắc khoải!
Hay mắt em nhìn
Vẫn vô tình như thuở mây trôi...
Rồi một ngày,
Hoa cỏ may
Đưa nỗi buồn
Vào lòng ai thương nhớ
Chợt bỡ ngỡ
Đưa gót quay về
Vấp lối cũ
Hoa cỏ may
Bay...!


Lê Anh Nguyệt
                                  BẾN CẢ
Ngày qua ngày, con ngóng thời gian trôi lặng lẽ
Năm tháng xa nhà con nhớ quá mẹ ơi!
Thành phố phồn hoa nhưng trôi qua vội vã
Đêm khuya về lầm lũi tiếng chổi thưa
                   +
Con đường xưa về quê mẹ sao xa tắp
Bụi quay về lấp loá dấu chân con
Mẹ lên thăm với đôi mắt mỏi mòn
Gió thời gian thổi tóc mẹ thêm bạc
                   +
Ôi, những mùa đông trôi qua buốt rát
Chắt chiu quê nghèo mẹ lặn lội nuôi con
Bao yêu thương, hy vọng mãi luôn còn
Dãi dầm nắng mưa, nét son mẹ phai dấu
                   +
Thời gian trôi như giấc mơ xa vắng
Giật mình con kêu Mẹ giữa đêm khuya
Dù mai đây con mê mải chưa về
Tiếng kêu mẹ con vẫn còn nhớ mãi
                   +
Đêm nay thời gian lại trôi lặng lẽ
Ngóng về quê, con nhớ mẹ quá thôi
Sóng cuộc đời đưa đẩy con dạt trôi
Thì mẹ vẫn là nơi con gối bãi .




Lê Anh Nguyệt

ĐÔI MẮT HÒN VỌNG PHU

Tôi đến thăm người chờ chồng hoá đá

Bên biển khơi bóng bạc hoá rêu xanh
Đôi mắt đỏ mưa lần trôi vết dấu
Mỏi mòn theo nhịp đếm của thời gian
                +
Tôi đã biết đôi mắt người hoá đá
Vẫn mang theo bao chất chứa trong lòng
Mỗi hoàng hôn chim bay nơi phương lạ
Mắt của người hoá đá bỗng rưng rưng
                +
Nơi biển xanh người đi xa chẳng lại
Để mắt người mang sóng biển xa xăm
Tay bế con, đôi mắt sâu vời vợi
Chở đong đầy bao ký ức , tháng năm...
                +
Tôi đến đây
Và tôi đã thấy
Gió thổi đầy đôi mắt  vọng phu.

Bình thơ PHẠM ÁNH (2005) - CLB Sáng tác trẻ

LỐI CŨ ta về…

Đã quen với nếp sống phố thị, hàng ngày đối diện cái chen chúc ồn ào của những cảnh chợ đời, tâm hồn tôi dịu lại khi được gặp những dòng thơ Phạm Ánh, trong tập thơ Lối cũ (NXB Đà Nẵng 2004). Như một khoảnh khắc dẫn dụ của ẩn ức làng quê, thơ anh đưa ta về với đường làng, bóng tre, mái tranh nghèo, hoa dú dẻ, cây cải rau răm, hương bồ kết, mùi rơm rạ… toàn những gì rất cũ rất xưa mà rất thương rất nhớ.

Thơ Phạm Ánh không mới mà vẫn khiến ta xúc động chính vì ký ức làng quê cứ đằm đằm, nhắc nhớ một dĩ vãng không thể nguôi ngoai. Kỷ niệm cứ theo đuổi suốt hành trình nhọc nhằn vượt lên bao mặc cảm số phận, như một nguồn cảm hứng không bao giờ cạn trong thơ anh:

…Tôi tìm về thánh thót tiếng chim

Nơi đồng vắng chiều xanh rất lạ

Câu lục bát trải lòng theo gió

Tôi mềm lòng nghe ai hát dân ca…

(Ký ức quê hương)

Tôi chắc rằng ai đã từng là một cậu bé quê, trước khi là một nhà thơ, sẽ cùng cảm xúc này của Phạm Ánh. Không gian cứ mở ra cùng những nối kết tự nhiên đồng vắng chiều xanh, câu lục bát – dân ca và tiếng chim khắc khoải trong bao chiều thương nhớ, làm sao không thể mềm lòng? Không gian thơ anh là Đề Gi, Hội Sơn, sông La Tinh, Chợ Gồm, Phù Ly, Khánh Lộc… ắp đầy những chất liệu dân dã khúc bài chòi, cái cuốc cái liềm, dây bầu dây bí, bùn lầy lấm lem đã quyện hoà nhuần nhuyễn thành năm tháng ân tình, năm tháng đi về lặng lẽ thời gian để rồi níu thời gian lại lòng đầy bâng khuâng. Không phải tình cờ khi trong 40 bài thơ, anh đã dành hẳn 19 bài viết theo thể lục bát, mỗi bài là một niềm riêng, nhưng xâu chuỗi lại thành một giọng tâm tình chủ đạo trong thơ anh. Các bài còn lại cũng thấp thoáng những thi ảnh ca dao, âm điệu cấu tứ cho đến ngắt nhịp gieo vần. Tôi đã thử làm một phép thống kê trong thơ anh để lý giải cho những cảm nhận một cách “khoa học” hơn: riêng từ láy, anh dùng nhiều nhất những từ đong đưa, chập chờn, thầm thì, lặng lẽ, ngập ngừng, chòng chành, …. Cách nói ấy tạo chúng ta cách nghĩ về một con người hiền lành, không thích những thanh âm ồn ào mà cứ nép mình sống chủ yếu với nội tâm. Những từ láy dày đặc kia chính là điệu hồn của Phạm Ánh đã trải ra cùng thơ, hướng về những vẻ đẹp lấm tấm, long lanh, xôn xao, lấp lánh, phơ phất, dịu dàng, lung linh, xa xôi, ta có thể nhận ra con người anh khá rụt rè, luôn sống cùng những dư ảnh đẹp đẽ thiên về nội cảm, để được nôn nao, bềnh bồng cùng cảm giác thăng hoa sáng tạo của mình. Có lẽ anh có chút gì ảnh hưởng của hồn thơ Lưu Trọng Lư, một chút hồn Nguyễn Bính chân quê (không phải Nguyễn Bính giang hồ). Ta có cảm tưởng như anh làm chủ được ngôn ngữ nhưng không thích vượt ra khỏi cái ngưỡng bình thường giản dị để có những cảm giác phiêu bồng lãng đãng như những thi sĩ bình thường. Cũng phải thôi, anh đến với thơ như một nguồn giãi bày tâm sự, không vu khoát, không cao đàm bù khú như những kẻ tài mọn mà lại thích huênh hoang như chúng tôi. Thơ anh thừa cái nồng mà thiếu cái say, bài nào đọc cũng có cảm giác dễ chịu vì rất thật lòng. Thảng hoặc có vài bài màu mè thì cũng không thoát ra cái mạch ca dao nên nhanh chóng trở về với con người thực của anh. Tôi hiểu, để có đứa con tinh thần này, anh đã phải vượt lên cái tỉnh táo thường ngày để làm cái việc “điên rồ” nhất là tự in thơ. Không phải tìm chút danh mà cuối cùng cũng chỉ là cái tình như muốn trả món nợ lòng đeo đẳng với quê hương. Ngay tiêu đề của các bài thơ đã thể hiện rõ tinh thần của tác giả: Hương quê, Hoa quê, Ký ức quê hương, Phù Cát quê tôi, Đêm xa quê, Chút tình quê, Hồn quê ; rồi lại Vườn cũ, Rêu cũ, Lối cũ, Thu xưa, Nhớ trường xưa, Bến xưa, Cội nguồn với những Xóm nhỏ, Sương chiều, Chiều mưa, Bóng chiều, Ngoại tôi, Chiếc nón. Bởi thế, ta dễ hiểu được vì sao tình yêu tìm thấy trong thơ anh trong trẻo và cảm động đến thế:

Tổ tiên xưa vốn cuốc cày

Sinh tôi nặng nợ bùn lầy lấm lem

Mất còn còn mất bon chen

Mong sao sống với tình em ban đầu

(Cội nguồn)

Những câu thơ rõ ràng là tỏ tình mà vẫn cứ mang nặng chất mộc mạc của dân Bình Định vốn thật thà như đếm! Vậy mà không kém ý tứ sâu sắc, bởi lời ấy là lời ước chuyện trăm năm se tơ kết tóc, nên không ngần ngại bộc bạch ngọn-nguồn-lạch-sông cho em khỏi phân vân, là cách nói chính gốc ca dao như của chàng trai quê thứ thiệt. Có một bài thơ để lại cho tôi một dư vị ngọt đằm của nghĩa tình thủy chung:

Dẫu là ngọn cỏ hạt sương

Đêm tàn trăng rụng nỗi buồn chia ly

Dẫu là sông nước trời mây

Tơ trời ai buộc vơi đầy trong nhau

Dẫu em sương khói về đâu

Tôi còn nỗi nhớ như màu lá xanh

Dẫu buồn em ném vào anh

Trăm năm hạt cát nặng tình bến xưa

(Hạt cát)

Bài thơ đọc lên thoáng chút ngậm ngùi: mất – còn, hợp – tan, tiếc – nhớ, buồn – thương, vậy mà vẫn ấm áp vì tình người đôn hậu. Chao ôi, cuộc đời đâu dễ cho ta hạnh phúc niềm vui, mà lại hay thử thách ta qua những nỗi buồn như định mệnh. Bỗng dưng tôi lại nhớ một lời hát của Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”. Có phải bài thơ này cũng là một quan niệm như tấm-lòng-gió-cuốn về cùng lối cũ, để tôi nhận ra rất rõ khuôn mặt người thơ Phạm Ánh?

Quy Nhơn, tháng 9 năm 2005

TRẦN HÀ NAM

Bình thơ TRIỀU LA VỸ (2001)


TRIỀU LA VỸ - CON SÓNG NHỎ ÂN TÌNH

Tôi biết đến thơ Triều La Vỹ trước khi gặp mặt chàng trai hiền lành nhỏ nhẹ này. Duyên thơ như một cuộc hẹn hò để những người chưa hề biết nhau tìm đến với nhau bằng một chút tình đồng điệu. Vỹ xuất hiện trong làng thơ Bình Định không phải bằng sự rụt rè của các cô các cậu học trò bỡ ngỡ mới chập chững làm thơ mà bằng những vần thơ rất có duyên, có sức cuốn hút riêng :Tiếng gì rơi sâu như đêm/Ngẩn ngơ như lá qua thềm nhân gian/Tiếng gì thơm tự bàn chân/Gọi ai ai gọi trăm lần vẫn không/Tiếng gì thở đầy như sông/Biết đâu là bể đau lòng núi non… (Tiếng mưa)
Triều La Vỹ có cách lắng những âm vang của đời thực thành những khoảnh khắc nên thơ, nên tình trong những câu thơ rất nhiều thi ảnh. Chất liệu cuộc sống đi vào thơ bắt đầu từ những hoài niệm, từ những rung động của một tâm hồn đa cảm. Thơ từ thời sinh viên của Triều La Vỹ có cách diễn đạt lạ, cách cảm của thi ca hiện đại lung linh ẩn ức và bùng nổ thành tứ lạ :
Trong cơn nghiện/Ngật ngưỡng trăng về nốc cạn hoàng hôn/Đêm đánh ghen với nỗi buồn thiếu phụ/Nũng nịu đòi hóa đá Vọng phu…/Loài cá sấu bơi qua vũng nước mắt/Hát một bài vu vơ/Nghe từ cái nhìn ngây thơ/Mọc lên một loài hoa mang tên khát vọng…/Loanh quanh mãi một đời/Tròn đợi tròn mong/Khuyết ngày khuyết tháng/Nỗi nhớ ơi/Làm sao mà cai được ?/Chỉ còn cái-nhìn-củi-khô/Chỉ còn làn-son-hờn-tủi(…)(Chiếc bóng)
Đó là kỹ thuật lạ hóa những điều đã thành quen thuộc, lượng hóa những cái không thể cân đo đong đếm. Đại loại như : "Khoảng cách một tình yêu/Là hổn hển một hơi thở/là ngốc nghếch một lời hẹn/là hạt muối ngàn năm/Xót từng góc biển…" (Khoảng cách). Còn bây giờ, khi đã bước chân vào cuộc sống, không chỉ là chuyện kỹ thuật thơ, Triều La Vỹ đã thật sự khám phá được những tứ lạ trong cách so sánh ngộ nghĩnh nhưng diễn tả rất chính xác tâm trạng con người đối mặt với những vấn đề cuộc sống:"Bầu trời là chiếc đồng hồ lỏng dây/Con lắc mặt trời nửa vòng quay đã mệt (…)Một thời vắt chân lên cổ/Bở hơi tai mua sắm được gì/Dè sẻn từng đồng xu tuổi tác/Như ngày nào/ Tôi lẫm đẫm tập đi" (Nhật ký đêm). Vỹ còn tìm tòi trong những hình ảnh quen thuộc từng gắn bó một thời tuổi thơ, những chi tiết bình thường vào thơ Vỹ đã ánh lên vẻ đẹp riêng khó trộn lẫn : "Bên kia lời lá biếc/Lòng khô bao sông hồ/ Tình như con gà nhỏ/Vừa cục tác hôm qua…"(Chiêm nghiệm)
Triều La Vỹ có thế mạnh trong hoài niệm, khi mà không gian thực và mộng đã đan cài vào nhau, thời gian xóa nhòa ranh giới khi ký ức sống động trong lòng. Kỷ niệm khơi ra những góc khuất tâm hồn, những ân tình của tuổi nhỏ với quê hương, của mối tình đầu vụng dại nhưng đã chớm qua vị đắng. Điều đáng quý là sự chân thành đã khiến câu thơ của Triều La Vỹ không sa vào uốn éo làm duyên ngay cả những đề tài dễ khiến người làm thơ sa vào những từ sáo mà ý rỗng :
Đã nghe trong ngọn sóng trào/Tiếng thời gian/Lén bạc đầu/Mà thương…/Đã nghe trong gió vô hồn/Tiếng ngàn cây/Chửa hẹn buồn mà lên/Đã nghe trong giọt mưa đêm/Tiếng ngàn xưa cứ mông mênh tháng ngày/Đã nghe hạnh phúc thở dài/Trên từng sợi tóc mệt nhoài vì yêu/Đã nghe… tiếng dế đăm chiêu/Gọi nhau về với cánh diều tuổi thơ (…) (Hoài niệm)
Từ "Bên kia lời hẹn", qua một thời "Lá xanh", người đọc vẫn cảm nhận được một chất Triều La Vỹ - như con sóng nhỏ của dòng sông quê muốn cuộn dâng thác lũ tình cảm nhưng vẫn hiền hòa gần gũi với biết bao người trong dòng chảy êm ái. Những tình cảm được diễn tả trong thơ Vỹ phần lớn đều lặng thầm len lén tâm tư như một khúc hoài cảm :"Mẹ ngồi khâu áo vá/Thời gian lén nhói trên vai/ Tháng năm nấu vàng thành đá/Đúc thành dấu Mẹ một đời" (Ngọc Trai). Có đôi khi, giọng thơ muốn trở thành khinh bạc, bụi bặm một chút, mượn những giọt say, khói thuốc, ném cuộc tình vào và ra khỏi đời nhau thì câu thơ cũng chỉ quặn lên một chút như khúc ngoặt của dòng sông thơ Triều La Vỹ mà thôi. Nhưng âu đó cũng là một cách để người đọc người nghe có thể phát hiện một khả năng bốc cháy hết mình của thi sĩ. Thơ tình Triều La Vỹ đẹp trong những hình ảnh thăng hoa, vẫn giữ được chất nồng nàn của thời sinh viên : "Rong chơi/Cho đã một ngày/Ngủ quên/Để mộng rơi gầy trời xanh/Ai lay cho lá động tình/Ơ kìa… trăng lén theo rình bắt sâu" (Tứ tuyệt cho em) nhưng đã bắt đầu khắc khoải những nỗi đời trần trụi thô ráp : "Đời cứ thức thôi mình mất ngủ/ Cọ vào đâu cho sạch nỗi buồn/ Là ủi tình xưa mới lại/ Áo ai cồm cộm mùa xuân" (Khúc xuân). Tôi muốn những dòng cuối viết cho Triều La Vỹ dừng lại lâu hơn ở những giai điệu mùa xuân của một tâm hồn còn rất xuân :
Cái tình vừa liếc đã xanh
Mùa xuân trẩy nụ vào anh thẹn thò
Xui chi phút gặp tình cờ
Cho anh xin cái hẹn vờ… cầu may

Cái tình vừa rót đã say
Mùa xuân thổi gió trên tay bềnh bồng
Bờ môi rơi xuống phập phồng
Anh trôi không trọn nửa vòng eo ngoan

Cái tình vừa ngấm đã tan
Mùa xuân bắc những nấc thang lên trời
Nhìn nhau lòng rớt mồng tơi
Người ơi hạt đắng bẻ đôi ngậm giùm

Cái tình vừa trách đã thương
Mùa xuân hối hả ra đường lá non
Gối tay lên tiếng tim buồn
Anh xanh hết những dỗi hờn… không em
(Lục bát mùa xuân)
Những câu thơ như vậy của Triều La Vỹ đã giúp tôi tìm lại được một thuở rất nhiều mộng mơ, và tìm lại được những cảm xúc thơ cho chính mình. Còn nhớ buổi đầu gặp gỡ tại Bút Lửa Dzũ Kha, tôi đã lặng người khi nghe những lời thơ của Vỹ gợi về ký ức quê hương thanh bình trong lòng tôi "Lòng đã chín người ơi mau về gặt/nghiêng cánh đồng cho nắng vàng sân/Tre đang ngà trên vai xóm nhỏ/Hoa mướp lay cho bướm tần ngần…" (Mùa gặt). Hình như những bài thơ hay nhất của Triều La Vỹ đều mang một nét bóng dáng quê hương, bởi quê huơng giúp thơ Vỹ có độ chân cảm, lắng đọng và dễ tìm được hồn thơ đồng điệu. Đôi khi, sa vào trau chuốt quá, thơ Vỹ sẽ mất vẻ đáng yêu của buổi đầu mà hóa thành dễ dãi. Đó cũng là điều thường gặp mà khó tránh của những người làm thơ trẻ . Mong Triều La Vỹ cứ nghĩ và viết bằng tất cả tấm lòng thành thực của mình, và giữ mãi một hồn thơ đẹp.
14/7/2001
TRẦN HÀ NAM

Bình thơ LÊ BÁ DU (2002) - Tưởng niệm anh!

TÌNH THƠ LÊ BÁ DU
Lê Bá Du đã qua tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, vậy mà đọc thơ của anh vẫn còn mượt mà những vần điệu của lứa tuổi hai mươi. Anh đã kiên trì hành trình tìm nàng thơ và đã lưu dấu trong lòng bạn đọc được ít nhiều thương mến.
Thơ Lê Bá Du là những mảng hồi ức, những giấc mơ, rất dịu dàng đầy luyến nhớ :
… Đưa em về vùng quê
Mưa đầu mùa bất chợt
Vuốt ướt mái tóc thề
Đọng bờ môi ấm ngọt…
(Kỷ niệm)
Anh không ham hố tìm tòi cách tân thơ mà thường chọn cho mình một giọng điệu tâm tình quen thuộc để gửi gắm những nỗi niềm thơ. Ngay cả trong đề tài cũng thường gắn với những gì rất riêng tư, thường là những câu chuyện nho nhỏ, những giấc mơ xinh xinh. Phải chăng vì vậy phần lớn các bài thơ mới dừng lại ở ý tưởng chứ chưa tạo thành một tứ riêng?Thơ anh đến được với bạn đọc thường là nhờ vào những hình ảnh quen, những suy tư mà người đọc ít nhiều nhận ra chút tình đồng điệu :
Lạc loài giữa phố bơ vơ
Lối ngang đường dọc bàn cờ ngược xuôi
Nửa như tới, nửa như lui
Lòng ai lắm ngả để tôi lạc loài
(Lạc loài)
Anh tự nhận mình là một kẻ lang bạt, phải chăng vì vậy ta nhận ra anh thường khát khao một bến dừng bình yên? Đôi khi trong thơ anh thoáng nét suy tư của một người từng trải nhưng những suy tư ấy chưa thật sự sâu sắc và chưa thật đọng. Những “giọt sầu”, “lỗi hẹn”, “hững hờ” dễ trở thành sáo ngữ, thơ bị lộ ý và trở nên dễ dãi. Nhưng khi những kỷ niệm đã thành máu thịt một đời, thơ anh trở nên đằm thắm lạ thường. Theo tôi, bài thơ thành công nhất của Lê Bá Du là Về thăm Tuy Phước quê em , ở đó đã kết hợp được tình yêu – tình quê hương và rất nhiều trăn trở của một đời lang bạt. Ta nghe được một lời tâm tình rất thật, rất sâu sắc :
Xin người chớ vội đổi thay
Lũy tre khói bếp luống cày mạ xanh
Đời ta lang bạt đã đành
Bỗng dưng phút chốc hóa thành trẻ con
Quả thật, mỗi người chúng ta sẽ mãi vẫn là một đứa trẻ khi về lại cùng quê hương. Cái hay của bài thơ là chỗ quê em đã thành quê anh, để tình đời – tình quê – tình người càng thêm nồng đậm.
Với một người làm thơ đã bước qua tuổi năm mươi như Lê Bá Du, chúng ta không trông chờ có những bước đột phá, những giọng điệu mới mẻ hay một ý tưởng táo bạo như các nhà thơ trẻ. Chỉ mong sao anh giữ được mãi bền tình thơ để góp cho đời thêm những tiếng tâm tình lắng đọng.
*Tác giả LÊ BÁ DU đã mất năm 2008

Bình thơ TRẦN LỄ (2001)

DUYÊN THƠ TRẦN LỄ

Câu lạc bộ Văn học Xuân Diệu được bao nhiêu tuổi thì cũng chừng ấy năm người ta được biết đến một người mần thơ đến rất đều đặn, gần như không buổi nào bỏ các kỳ sinh hoạt. “Ông già Patêsô” - Lão nướng bánh đã đến với thơ như một mối duyên tình cờ và thành̀ người tình chung thủy của nàng Thơ đến trọn kiếp. Mà cũng lạ, đầu bạc, răng rụng, mắt mờ, chân yếu, tay run, ấy vậy mà người ta biết nhiều đến một anh Trần Lễ thơ tình trẻ tráng như thuở hai mươi, sung sức lắm!

Hãy lắng nghe một chút giọng thơ này :

Anh đưa em vào hạ

Em thả cánh phượng hồng

Bay qua miền phố lạ

Chớm mùa sữa “Ya-ua”

Còn giấu trong yếm lụa

Ươm men hườm chưa chua

(Mùa sữa “Ya-ua”)

và : Sáng nay mình xí được

Nụ hôn trên cúc vàng

Đêm về thơm giấc mộng

Em đến đòi nụ hôn…

(Mộng cúc vàng)

ai có biết chăng người viết nên những vần thơ như vậy lúc đó đã qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy” lâu rồi. Chất trẻ trung, tươi mới trong thơ Trần Lễ không phải là cách làm duyên, uốn éo đến khó chịu ở một số người cố tỏ ra mình trẻ mà xuất phát từ một tâm hồn còn rất mặn nồng với Tình Yêu – Thiếu Nữ. Nói đến một Trần Lễ trẻ, không hẳn chỉ là những vần thơ hướng về tuổi trẻ, mà còn có thể nhận ra sự trẻ trung trong suy nghĩ của một con người coi thơ là một điều rất thiêng liêng, coi những ân tình giữa cuộc đời là điều đáng trân trọng. Trong thơ Trần Lễ có những khoảnh khắc suy tư của một người tâm hồn đã chín :

Chờ em bên tách cà phê

Giọt đen đắng đọng lòng tê tái sầu

Biết rồi, em chẳng đến đâu

Mà tôi vẫn đợi thâm sâu với tình

Tách cà phê cũng thương mình

Nhỏ buồn

Giọt chậm

Cho mình

Đợi em…

(Đợi)

Không biết người ấy đã phải chờ đợi bao lâu khiến thời gian cứ tí tách rơi buồn, đọng đắng? Để có được duyên thơ tri kỷ ấy, nhà thơ của chúng ta đã phải trải qua biết bao tháng ngày cơ cực vật lộn với đời : kéo xe ở Sài Gòn, làm vôi Long Thọ, bán kẹo ăn mì vất vưởng, thui thủi ra đi… Những ngày tha hương đằng đẵng của một kiếp người vẫn đọng lại một nỗi niềm không nguôi hướng về quê hương với kỷ niệm xót xa: “Mấy chục năm xa Huế/Gởi về quê tấm lòng/ Con tằm không dứt được bãi dâu/ Tôi làm sao quên được mùi cơm hến/Nón rách chờ em đêm mưa bến Ngự/Chén bánh bèo đỡ dạ dốc Nam Giao…” Tình quê” ấy đau đáu đã kết thành những vần thơ từ những lúc hoa niên đến khi thành ông lão :

Miệng móm cười méo xẹo

Chiếc bánh nở tròn vo

Đêm dài con dế hát

Ngọn đèn thức đợi chờ

Nhện mỏi mòn đan tơ…

(Lão nướng bánh).

Tôi nhận ra một điều rất quý giá trong những bài thơ hay của Trần Lễ : đó là sự chân thành và điềm tĩnh. Có những bài thơ như một lời kể chuyện rất thật thà về cuộc đời nhiều sóng gió, có những bài lại là một rung động bất chợt trước Hoa – Thiếu Nữ trong một không gian mang dáng dấp Cổ Tích, Huyền Thoại. Thơ tình Trần Lễ phần nhiều là Tình Thơ – một mảng hồi ức đẹp, một thoáng bâng khuâng trước vẻ đẹp cuộc đời. Nhưng có lẽ đọng nhiều ấn tượng nhất là những giấc mơ đan xen cả hạnh phúc và khổ đau, để người “mần thơ” ấy nghe được tiếng lòng sâu thẳm của mình : “Mở mắt thấy hoa đẹp/Nhắm mắt thấy mình già/Thời gian mòn quá khứ/Không gian thì bao la (…) Hôm nay mình còn lại/Nỗi vui buồn cho nhau/Bốn mùa hoa vẫn nở/Bốn mùa không trước sau” (Hoa bốn mùa). Rõ ràng sự cảm nhận của Trần Lễ tưởng như giống thi nhân đời Đường mà đã khác Đường thi nhiều lắm. Sự khác biệt xuất phát từ một hồn thơ không sợ già, không sợ chết: “Lỡ mai em về/Anh không còn nữa/Xin em đừng đặt hoa lên mộ đá/Nguồn thương yêu anh gởi cả em rồi!” (Xin em).

Giọng điệu Trần Lễ thích hợp với nhịp ngũ ngôn gợi lên những hoài niệm và nhịp lục bát truyền thống gợi những cảm xúc ngọt ngào. Những bài thơ tự do đọng lại thường là câu chuyện kể xúc động, dù đôi khi vần điệu chưa chặt chẽ nhưng chính điều đó mới làm nên một nét riêng. Tôi đã từng nghe ông nói rất say sưa về thơ và rất chân thành nghe đóng góp của anh em thi hữu để sẵn lòng chuốt lại câu thơ. Nhưng đôi khi sự đẽo gọt ấy làm mất đi chất Trần Lễ trong ông. Chẳng hạn bài thơ “Chiếc nón” đã từng đọng lại rất lâu trong tôi cái mộc mạc “Đến tặng em chiếc nón/Từ Huế tôi mang về…” giờ đây khi tác giả sửa lại : “Tặng em chiếc nón Bài Thơ/Vấn vương từ Huế mang về…”, tôi thấy lòng mình nguội đi nhiều lắm! Đâu cứ phải “nón Bài Thơ vấn vương”, “chừ”, “mô” mới ra chất Huế ? Tôi mong được đọc Trần Lễ nhiều ở những bài giản dị nhưng rất có hồn, để giữ được trong lòng mình một bác Trần Lễ, anh Trần Lễ quý mến chân tình trong lời thơ rất nhiều nhớ thương dào dạt:

“Tiếng đàn Xuân vời vợi

Trăng mười bốn thơ thơ

Sao giăng đèn phố biển

Sóng hát vỗ xanh bờ”

(Chiếc lá Sydney)

Thương và quý lắm!

14/11/2001

TRẦN HÀ NAM

Bình thơ CLB Sáng tác trẻ (2003)

Xương rồng ủ kín niềm thương
Đã bao lần tôi đi ngang qua số nhà 30 Nguyễn Văn Bé, nhưng bằng đôi mắt vô cảm và pha chút tò mò khi thấy những đứa bé làm dấu nói chuyện với nhau bằng tay. Tôi không hiểu chúng, và cũng chưa khi nào tôi đặt câu hỏi băn khoăn cho số phận của những đứa bé tật nguyền. Tôi cũng chưa khi nào để tâm đến số nhà 100 đường Phan Bội Châu – nơi đặt Cơ sở dạy nghề miễn phí Nguyễn Nga. Cho đến khi tôi gặp những bạn trẻ khá đặc biệt lê từng bước nặng nhọc lên gác 3 của Hội VHNT để dự buổi sinh hoạt thơ. Họ ngồi khép nép ở một góc phòng, chăm chú nghe những nhà thơ đàn anh đọc sáng tác. Rồi đến khi tôi nhận được tuyển tập thơ văn “Những vì sao mơ ước” với lời đề tặng trân trọng, tác giả chính là những con người lặng lẽ làm khán giả hôm nào. Tôi đã chăm chú tập trung đọc những bài thơ của các anh chị em sáng tác. Và chợt nhận ra một điều: hình như bản thân tôi mới là người khuyết tật nếu đem so tâm hồn tôi với các bạn. Bởi lẽ, đôi khi tôi rên rỉ quá nhiều cho những thiệt thòi bản thân, dù rằng những mất mát chẳng thấm tháp gì so với nhũng mất mát, mặc cảm mà các bạn đã một thời gian dài đeo đẳng một cách âm thầm. Tôi còn là một kẻ vô tâm, thờ ơ trước nỗi đau đồng loại, tôi đã nhìn những bé câm đùa giỡn bằng con mắt của một người thường, với lòng thương hại nhiều hơn là nghĩ rằng trong bao con người ấy, có một điều lớn hơn và họ cần hơn là lòng thương hại bao la: họ muốn tự khẳng định mình giữa cái thế giới bình thường lành lặn này. Chín cây bút đã chọn cho bút nhóm của mình cái tên giàu ý nghĩa : “Hoa Xương Rồng”. Tôi chợt nhớ câu thơ của người bạn: “Xương rồng ủ kín niềm thương – Đất cằn nắng nghiệt bình thường nở hoa” (Võ Ngọc Thọ), những lời thơ ấy dường như đã nói lên rất đúng vẻ đẹp của loài hoa nơi gió cát. Những niềm thương ủ kín đã được khơi dòng thành những câu thơ lời văn đầy ước mơ, yêu đời lạc quan vượt lên số phận. Tôi đã được đọc, không phải là câu chữ thông thường mà trong đó ẩn chứa những số phận. Một Thuý Hoa trong trẻo với “Tình Xuân” – có ai biết cô gái ấy đã tự đứng lên bằng đôi chân của chính mình chỉ bằng thơ văn của một tâm hồn giàu nghị lực. Đặng Thành Tâm với “Bạn tôi”, Phạm Ánh với “Khúc ca cho em”, Nguyễn Thị Tuyết với “Một đôi” đã quên đi nỗi đau của chính mình để viết về bạn bè bằng những thương mến nồng nàn và lời động viên chí tình. Hay đọc thơ Đoàn Trọng Nghĩa, Yến Hoà, Đồng Thị Nga, Anh Đào, Trà Mỹ Nga với bao tâm sự, khát vọng yêu và sống mãnh liệt, có ai hiểu họ đã phải từng bước vượt lên mặc cảm để đến với đời bằng cả tấm lòng? Tôi chợt nhận ra sự vô duyên đến thừa thãi của mình khi ra sức tán tụng bình phẩm thơ của những con người này, bởi lẽ khi Thơ đã hoá thân vào Đời, độ chân cảm có giá trị hơn bất cứ một sự bình phẩm phân tích nào. Con đuờng của họ còn bao tháng ngày vất vả mưu sinh, công việc của họ đâu chỉ dành cho riêng mình mà mỗi việc làm thường nhật không tên cũng như những vần thơ câu văn được viết lên kia, đang tiếp thêm nghị lực niềm tin cho bao người cùng cảnh ngộ. Riêng tôi , khi đón nhận thơ văn của bút nhóm Hoa Xương Rồng, tôi biết mình vừa có thêm những người bạn tốt, những người bạn giúp tôi cảm nhận rõ hơn và tin tưởng hơn giá trị đích thực của văn chương chân chính giữa đời này.

II. Một số gương mặt thơ sinh viên :
Quy Nhơn trong suy nghĩ của nhiều nhà thơ, nhà văn đã là thành phố thi ca. Biển sóng Quy Nhơn dào dạt ân tình đã đón những con sóng thơ từ các miền quê khác về đây tụ hội: Lê Kiều Hưng - một chàng trai Thanh Hoá, Nguyễn Thị Lam - một cô gái Hà Tĩnh, Nguyễn Thị Hồng – cây bút sinh viên người Nghệ An mà sáng tác của họ đã rải rác xuất hiện trên các tập san học trò Aùo Trắng, Mực Tím và tạp chí Văn nghệ Bình Định. Có lẽ khác với thời chúng tôi còn ngồi tại giảng đường Sư phạm Quy Nhơn, sinh viên thế hệ bây giờ mạnh bạo hơn, va chạm với cuộc sống nhiều hơn và thơ của họ cũng dám nói cả những điều mà thế hệ chúng tôi chỉ trước họ không bao lâu chẳng bao giờ dám hé lộ. Nhưng điều làm nên phần ngọt ngào lắng đọng nhất của các sinh viên này vẫn là những tâm tình hoài niệm hướng về quê hương và cái chất lãng mạn sôi nổi mau buồn chóng vui của tuổi trẻ không lẫn vào đâu được. Những trải nghiệm từ cuộc sống sinh viên sẽ là thứ thuốc thử hữu hiệu để gạt dần đi những xô bồ hỗn tạp, những giọng điệu ồn ào, những triết lý vụn vặt, những buồn thương vơ vẩn, vụn vặt riêng tư để cái còn lại cuối cùng là họ tìm thấy gương mặt của chính mình trong gương mặt cuộc đời. Đúng như suy nghĩ của Nguyễn Thị Hồng: “Phải viết. Có lẽ thế. Tuổi trẻ để phát ngôn một quan niệm thật khó”, những sinh viên đang bước vào thế giới người lớn viết để thử nghiệm, để giải bày, để được sống hết mình bằng chất men nồng của những người trẻ tuổi. Thơ sinh viên còn không ít những suy tư chưa chín, đôi khi thật thà như chuyện trò hàng ngày, nói cho hết, nói cho thoả những cảm xúc ấp ủ trong lòng… Nhưng có nhiều bài, nhiều tứ thơ thật bất ngờ, lắm khi làm chúng ta phải giật mình vì độ già dặn mà vẫn rất trẻ, rất tha thiết mê đắm mà lắm khi những nhà thơ “chuyên nghiệp” không thể nào viết được. Phần lớn những bài thơ ấy đều gắn với thế giới rất riêng tư của lứa tuổi khát sống, giàu mộng tưởng. Trên hành trình thơ nhọc nhằn, đòi hỏi mỗi chúng ta phải tự bứt phá. Các cây bút sinh viên có thừa sự thông minh và nhạy cảm, cùng ý thức phải viết, chắc chắn chúng ta sẽ còn gặp được họ trong những đề tài vượt ra những hoài niệm đắm chìm, không chỉ viết về cuộc sống sinh viên mà còn cảm nhận sâu sắc và chân thực hơn về đất nước, quê hương . Mảnh đất Quy Nhơn ân tình muối mặn sẽ là một nguồn cảm hứng giúp họ bay trên đôi cánh thi ca.

Thơ sinh viên:

LÊ KIỀU HƯNG

BÊN DÒNG SÔNG MÃ

Ngày ấy mẹ tiễn cha ra chiến trường

Chiếc khăn chơi vơi giữa lưng chừng trời đất

Cạn khô bao dòng nước mắt

Chiếc nón cời huơ động cả hoàng hôn

Lũ bạn mình bắt ốc mò gion

Áo rách chân trần nước da đen đủi

Rưng rức thương những cuộc đời lầm lũi

Bát canh chua chan cả nắng mưa về

Tiếng sáo diều vang vọng bờ đê

Rớt xuống lòng sông giấu nỗi niềm chất chứa

Cô gái lấy chồng bên kia không về nữa

Để bao gã trai làng ngẩn ngơ...

Nằm ưu tư chênh chếch một con đò

Vểnh tai run những chiều mưa đổ

Tiếng gọi đò trôi dọc triền sông lở

Bên kia bồi sông đau đáu điều chi?

Và bây giờ mẹ lại tiễn con đi

Bên dòng sông hương mùa đang căng nứt

Ngô lúa non tơ xanh màu xanh mơ ước

Nước sông gieo rười rượi ấm bên lòng...

.-------------------


TRỞ VỀ

Anh dắt em về với tuổi thơ

Cây Kơnia vẫn một mình đứng đó

Phố núi chợt hoá thành con suối nhỏ

Biển hồ khát khao rong ruổi một cánh buồm

Em nhìn sâu hơn vào đôi mắt mẹ buồn

Thấy hanh hao Dã quỳ vàng rực cháy

Mùa khô lại về trên nương rẫy

Và... suốt đời đắng lịm trái cà phê!

Đêm trở mình giữa lòng mẹ Ban mê

Chợt rưng rưng ánh trăng mòn hao khuyết

Qua bao mùa nắng mưa giờ giật mình mới biết

Cái mất - còn rút ruột trái tin yêu

Giờ mới thấy thương những đợt nắng cuối chiều

Mẹ ơi! Mùa giăng đầy trên tóc

Lần thứ hai trong đời biết khóc

Khi con trở về với ấm áp thương yêu...

.--------------


BỨC TRANH

Tựa cằm bó gối ngồi im

Nhắm hờ đôi mắt lặng tìm chơi vơi...

Thật rồi em đã xa tôi

Em đi

Để nửa cuộc đời cho ai?

.---------------

BÃO

Lời rung tiếng cũng nghẹn ngào

Giọt trăng mặn chát tan vào tim đơn

Nói lời chi để buồn hơn

Tình thôi nổi gió thành cơn

Bão lòng!

.--------------

TRĂNG NỬA KHUYA

Nửa khuya trăng sáng vô cùng

Sáng quay quắt sáng cho lòng mênh mang

Sáng da diết đến dịu dàng

Trăng càng sáng anh lại càng vắng em

.---------------

HOA MƯỜI GIỜ

Hỏi rằng ai đẹp như em nhỉ

Làm ngất ngây bao gã tình si

Đời chẳng cho em người tri kỷ

Thì thôi đành khoe sắc mà chi?...

.-------------------


VỀ THĂM NGOẠI

Con lại về đây giữa lòng thơm thảo

Gặp tuổi thơ mơ bảy sắc cầu vồng

Đã qua rồi bao mùa xưa mưa bão

Mà nặng lòng vương những cơn giông!

Đi giữa đường quê say mùi gió mới

Bức tranh quê hương tươi thắm một màu

Sóng lúa dạt dào ngạt ngào hương bưởi

Nghe nắng cười đon đả hỏi thăm nhau

Tuổi thơ ngây riêng gửi niềm quê cũ

Và con đi không biết mấy dặm đường

Qua bao mùa trong vườn hoa trái chín

Ủ ấm lòng con những yêu thương.

Cuối mùa vui hoàng hôn in bóng ngoại

Thời gian trôi bỏm bẻm thắm miếng trầu

Mừng cháu mừng con công thành danh toại

Con rưng buồn nghe lá rụng vườn sau...

.-------------


ĐIỀU ANH MUỐN NÓI

Anh chẳng chạm vào ký ức của em

Sợ làm rung dây cung buồn xa vắng

Em đã vùi chôn vào trong quên lãng

Năm tháng khuất rồi sau trái tim em

Anh nhắc làm gì dĩ vãng của đêm

Là bóng tối của rối mùa mùa nông nổi

Em đừng về con đường xưa lạc lối

Thuở dại khờ nào biết đến khổ đau

Nắng lại hồng sau một thoáng mưa ngâu

Đem cho em bầu trời trong xanh biếc

Có những điều không đáng để mình nuối tiếc

Thì cớ gì phải vương vít buồn đau...

.------------------


VỚI ĐÊM

Anh đứng giữa đêm biển lồng lộng gió

Sóng khẽ ru ngân một khúc nhạc buồn

Đêm nghiêng mình suy tư trăn trở

Thao thức hoài một bóng dáng yêu thương

Muốn cùng em đón mùa vui rộn rã

Lại e trời vương vít chuyện gió mưa

Đêm thắp nến anh vẫn còn khờ quá

Lỡ như em lạc bước phía không mùa!

Anh đứng giữa đêm biển tràn ngập gió

Mà con tim ngột ngạt đến không ngờ

Đêm giấu diếm điều gì chẳng rõ

Nên dối lòng ngay trong cả giấc mơ

Anh với đêm giữa lưng chừng phố biển

Chơi - vơi - ơi! Anh khao khát chính mình

Bên này sóng nửa bên kia cũng sóng

Câu thơ gầy em có thấy chông chênh?

.-----------------------


THƠ GỬI MÙA ĐÔNG

Quy Nhơn bốn mùa dang dở

Thu - Đông - Xuân - Hạ nửa chừng

Ai đi tìm trong nhung nhớ

Nhặt về chút lạnh rưng rưng

Gửi cho mùa đông ngoài nớ

Chút hanh hao ở trong này

Xa xôi thôi đành nhắc nhở

Tự tìm hơi ấm bàn tay

Em khoác mùa đông xuống phố

Ta quàng nỗi nhớ lên vai

Nửa đêm giáo đường chuông đổ

Vọng ngân đôi tiếng thở dài...