Thứ Năm, 13 tháng 1, 2011

HẠT BỤI NÀO...

            Không hiểu sao khi đọc xong tập thơ thứ ba của Võ Ngọc Thọ - Hạt Bụi và Hoa Quỳnh – tôi lại chợt nhớ lời hát của Trịnh Công Sơn: hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…, phải chăng vì cả hai hình tượng anh dùng đặt tên cho tập thơ này đều gợi về một cái gì rất nhỏ bé,mong manh, ngắn ngủi trong cảm nhận về sự sống, đời người?
            Từ bài thơ mở đầu đã mang theo ám ảnh về một đường tàu – định mệnh, dù rằng anh nói về một vấn đề lớn lao:
            Có vẻ như con tàu đã vào đúng đường ray độc nhất
            người lái tàu quá thuộc những lời răn

            Có vẻ như ga vắng khách
            mà người tiễn, nhân viên đường sắt thì đông

            Có vẻ như đoàn tàu đang bị lỗ
            nhưng những người ăn theo thì giàu sụ…
                                                (Có vẻ như…)
            Tôi nhận ra những bài thơ gần đây của Võ Ngọc Thọ thường bắt nguồn từ những quan sát cảm nhận hiện thực có phần gai góc và sù sì của đời sống, những suy ngẫm thơ cứ thế bật ra theo lối tự sự để chuyển tải những trăn trở hướng về đất nước, nhân dân. Những bài thơ làm với cảm hứng công dân thường không mấy khi dễ chịu và dễ dãi, vì còn quá nhiều những ưu tư cuộc sống đọng lại. Cũng là những hình tượng thơ trở thành  đối tượng chiêm ngưỡng, ca ngợi của thi ca nhưng Võ Ngọc Thọ lại ngẫm nhiều hơn đến nỗi đau, đến sự hy sinh lặng thầm, những mất mát trong phận người. Chẳng hạn một bài thơ ngắn viết về Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, anh kết bằng hai câu ray rứt:
            Đèn khuya  tuổi mẹ mỏi mòn
            Nén hương khói tạt khóc con đêm dài…
            Có một nhà thơ đã từng tuyên ngôn: “Tôi đứng về phe nước mắt!” giữa không khí thời đại hừng hực những khúc tráng ca. Bây giờ khi thơ đã thấm đẫm cảm hứng nhân văn, quan tâm hơn những vấn đề nhân sinh, ta lại gặp quá nhiều nước mắt! Võ Ngọc Thọ có độ tiết chế hơn trong tình cảm, trừ khi đó là nỗi đau của riêng anh, còn thơ anh đủ độ tỉnh táo để không có những giọt nước mắt cá sấu giả vờ yêu nước thương dân, ăn năn sám hối như một mốt thời thượng của những loại ngụy-thi-sĩ! Có thể đó là những giọt thơ rơi trong chiều mưa hay cảm hứng vào một ngày xuân cờ đỏ mai vàng, một suy ngẫm về lòng yêu nước không là đặc quyền của một tầng lớp, giai cấp phe phái nào cho đến trăn trở về thời gian có ich và mặc cảm vô tích sự, Võ Ngọc Thọ đã có thừa độ tỉnh để rạch ròi trong thái độ:
            Người hiền tài chơi gốc
            Có sẵn một kế sách an dân

            Kẻ gian nịnh chơi gốc
            Nuôi sẵn dã tâm hại dân bán nước…
                                    (Chơi gốc)
            Trong cảm hứng thơ kết hợp suy tư phận người và đất nước, Võ Ngọc Thọ đã có một bài thơ thật đời mà cũng rất giàu triết lý, những triết lý chắt lọc từ trải nghiệm nhân tình thế thái : Người đàn ông mài dao dạo. Tôi nghĩ đó cũng là cách anh hình dung về chính mình, về cái tạng thơ của mình:
            Không mài dũa
            đá vẫn cứ là đá
            dao cũ mòn bỏ đi

            Người đàn ông cắm cúi mài dao
như mài trên chính thân phận mình…
Trong Hạt Bụi và Hoa Quỳnh, Võ Ngọc Thọ dành nhiều đất cho tình yêu, đề tài muôn thuở! Tuy nhiên đó không phải là thứ tình yêu nồng nàn đắm đuối của tuổi hai mươi mà là tình yêu muộn mằn của một người nhiều trải nghiệm. Đó là tình yêu rất nồng nàn bền bỉ thách thức với thời gian, ấp ủ tự trong lòng, chạy đua với tuổi tác. Lớn hơn tình cảm nam nữ thông thường, đó là thái độ tôn vinh cái đẹp, trân trọng chút hương thầm đọng lại với đời:
Hoa rồi cũng úa tàn
sẽ thay bằng những bông hoa khác

Xuân về
tôi lại đem chiếc bình cũ ra dùng
nhớ những người đi qua…
còn gửi lại chút hương
                        (Chiếc bình hoa)
Có thể dễ dàng nhận ra sự trở lại của hình tượng hoa, một ám ảnh thường trực trong thơ Võ Ngọc Thọ từ những tập thơ trước: hoa mai vàng, hoa bằng lăng, hoa hồng, hoa hướng dương,những làn hương hoa, những dáng hoa … và anh làm người tỉ mẩn nhặt hoa và trò chuyện cùng hoa. Nên cái say trong tình yêu của Võ Ngọc Thọ là cái say của một người tình thầm lặng, chiêm ngưỡng mà không muốn chiếm đoạt sở hữu, nhiều hoài niệm nhiều bâng khuâng:
Tôi ngồi trong lặng lẽ
Bên bóng hoa mơ màng
Hương tình em sâu lắng
Chiều chợt buồn mênh mang…
                        (Hương…)
Anh gửi vào trong hoa một triết lý của người đã chạm vào ngưỡng lục thập hoa giáp của một đời . Thời gian càng hối hả, con người càng cần sống chậm để chiêm nghiệm giá trị đời người, như một tâm sự anh gửi gắm trong Thơ viết một ngày không vội vã:
Ngày không vội vã
ấy là ngày ngồi nghe biển tâm tình
nhìn sóng dào dạt vỗ bờ
rồi tan mau trong ly cà phê giọt chậm…
Trong nhịp thời gian chậm rãi ấy, anh đã chiêm nghiệm được rất nhiều vẻ đẹp và cả những mặt gai góc của đời, đã sống rất nhiều vai khác nhau: người công dân, người tình, người cha, người ông… Tôi không muốn nói nhiều thêm những bài thơ anh viết cho gia đình, cho Mẹ, cho Cha, cho con gái, cho cháu ngoại, vì đó là khi anh viết cho riêng mình bằng tất cả máu thịt và niềm kính ngưỡng, nỗi đau mất mát. Không cần bình và không thể bình những bài thơ ấy mà chỉ biết lặng lẽ cảm cùng anh.
Khép lại những cảm nhận vội vàng này, tôi xin được cùng anh đọc bài thơ, như một phản biện cho cảm nhận ban đầu của tôi:
Chẳng có hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
chỉ có thơ
và tình em
giúp tôi đứng dậy

Những đêm buồn
bạn cùng vầng trăng và hạt bụi
ơi, vô thường
nở đóa quỳnh thơm!
                        (Hạt Bụi và Hoa Quỳnh)
Vâng, đó là bức thông điệp nhẹ nhàng lắng đọng mà Võ Ngọc Thọ muốn gửi gắm cho chúng ta trong tập thơ này.
                                                                                    TRẦN HÀ NAM