Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2009

Bình thơ TRIỀU LA VỸ (2001)


TRIỀU LA VỸ - CON SÓNG NHỎ ÂN TÌNH

Tôi biết đến thơ Triều La Vỹ trước khi gặp mặt chàng trai hiền lành nhỏ nhẹ này. Duyên thơ như một cuộc hẹn hò để những người chưa hề biết nhau tìm đến với nhau bằng một chút tình đồng điệu. Vỹ xuất hiện trong làng thơ Bình Định không phải bằng sự rụt rè của các cô các cậu học trò bỡ ngỡ mới chập chững làm thơ mà bằng những vần thơ rất có duyên, có sức cuốn hút riêng :Tiếng gì rơi sâu như đêm/Ngẩn ngơ như lá qua thềm nhân gian/Tiếng gì thơm tự bàn chân/Gọi ai ai gọi trăm lần vẫn không/Tiếng gì thở đầy như sông/Biết đâu là bể đau lòng núi non… (Tiếng mưa)
Triều La Vỹ có cách lắng những âm vang của đời thực thành những khoảnh khắc nên thơ, nên tình trong những câu thơ rất nhiều thi ảnh. Chất liệu cuộc sống đi vào thơ bắt đầu từ những hoài niệm, từ những rung động của một tâm hồn đa cảm. Thơ từ thời sinh viên của Triều La Vỹ có cách diễn đạt lạ, cách cảm của thi ca hiện đại lung linh ẩn ức và bùng nổ thành tứ lạ :
Trong cơn nghiện/Ngật ngưỡng trăng về nốc cạn hoàng hôn/Đêm đánh ghen với nỗi buồn thiếu phụ/Nũng nịu đòi hóa đá Vọng phu…/Loài cá sấu bơi qua vũng nước mắt/Hát một bài vu vơ/Nghe từ cái nhìn ngây thơ/Mọc lên một loài hoa mang tên khát vọng…/Loanh quanh mãi một đời/Tròn đợi tròn mong/Khuyết ngày khuyết tháng/Nỗi nhớ ơi/Làm sao mà cai được ?/Chỉ còn cái-nhìn-củi-khô/Chỉ còn làn-son-hờn-tủi(…)(Chiếc bóng)
Đó là kỹ thuật lạ hóa những điều đã thành quen thuộc, lượng hóa những cái không thể cân đo đong đếm. Đại loại như : "Khoảng cách một tình yêu/Là hổn hển một hơi thở/là ngốc nghếch một lời hẹn/là hạt muối ngàn năm/Xót từng góc biển…" (Khoảng cách). Còn bây giờ, khi đã bước chân vào cuộc sống, không chỉ là chuyện kỹ thuật thơ, Triều La Vỹ đã thật sự khám phá được những tứ lạ trong cách so sánh ngộ nghĩnh nhưng diễn tả rất chính xác tâm trạng con người đối mặt với những vấn đề cuộc sống:"Bầu trời là chiếc đồng hồ lỏng dây/Con lắc mặt trời nửa vòng quay đã mệt (…)Một thời vắt chân lên cổ/Bở hơi tai mua sắm được gì/Dè sẻn từng đồng xu tuổi tác/Như ngày nào/ Tôi lẫm đẫm tập đi" (Nhật ký đêm). Vỹ còn tìm tòi trong những hình ảnh quen thuộc từng gắn bó một thời tuổi thơ, những chi tiết bình thường vào thơ Vỹ đã ánh lên vẻ đẹp riêng khó trộn lẫn : "Bên kia lời lá biếc/Lòng khô bao sông hồ/ Tình như con gà nhỏ/Vừa cục tác hôm qua…"(Chiêm nghiệm)
Triều La Vỹ có thế mạnh trong hoài niệm, khi mà không gian thực và mộng đã đan cài vào nhau, thời gian xóa nhòa ranh giới khi ký ức sống động trong lòng. Kỷ niệm khơi ra những góc khuất tâm hồn, những ân tình của tuổi nhỏ với quê hương, của mối tình đầu vụng dại nhưng đã chớm qua vị đắng. Điều đáng quý là sự chân thành đã khiến câu thơ của Triều La Vỹ không sa vào uốn éo làm duyên ngay cả những đề tài dễ khiến người làm thơ sa vào những từ sáo mà ý rỗng :
Đã nghe trong ngọn sóng trào/Tiếng thời gian/Lén bạc đầu/Mà thương…/Đã nghe trong gió vô hồn/Tiếng ngàn cây/Chửa hẹn buồn mà lên/Đã nghe trong giọt mưa đêm/Tiếng ngàn xưa cứ mông mênh tháng ngày/Đã nghe hạnh phúc thở dài/Trên từng sợi tóc mệt nhoài vì yêu/Đã nghe… tiếng dế đăm chiêu/Gọi nhau về với cánh diều tuổi thơ (…) (Hoài niệm)
Từ "Bên kia lời hẹn", qua một thời "Lá xanh", người đọc vẫn cảm nhận được một chất Triều La Vỹ - như con sóng nhỏ của dòng sông quê muốn cuộn dâng thác lũ tình cảm nhưng vẫn hiền hòa gần gũi với biết bao người trong dòng chảy êm ái. Những tình cảm được diễn tả trong thơ Vỹ phần lớn đều lặng thầm len lén tâm tư như một khúc hoài cảm :"Mẹ ngồi khâu áo vá/Thời gian lén nhói trên vai/ Tháng năm nấu vàng thành đá/Đúc thành dấu Mẹ một đời" (Ngọc Trai). Có đôi khi, giọng thơ muốn trở thành khinh bạc, bụi bặm một chút, mượn những giọt say, khói thuốc, ném cuộc tình vào và ra khỏi đời nhau thì câu thơ cũng chỉ quặn lên một chút như khúc ngoặt của dòng sông thơ Triều La Vỹ mà thôi. Nhưng âu đó cũng là một cách để người đọc người nghe có thể phát hiện một khả năng bốc cháy hết mình của thi sĩ. Thơ tình Triều La Vỹ đẹp trong những hình ảnh thăng hoa, vẫn giữ được chất nồng nàn của thời sinh viên : "Rong chơi/Cho đã một ngày/Ngủ quên/Để mộng rơi gầy trời xanh/Ai lay cho lá động tình/Ơ kìa… trăng lén theo rình bắt sâu" (Tứ tuyệt cho em) nhưng đã bắt đầu khắc khoải những nỗi đời trần trụi thô ráp : "Đời cứ thức thôi mình mất ngủ/ Cọ vào đâu cho sạch nỗi buồn/ Là ủi tình xưa mới lại/ Áo ai cồm cộm mùa xuân" (Khúc xuân). Tôi muốn những dòng cuối viết cho Triều La Vỹ dừng lại lâu hơn ở những giai điệu mùa xuân của một tâm hồn còn rất xuân :
Cái tình vừa liếc đã xanh
Mùa xuân trẩy nụ vào anh thẹn thò
Xui chi phút gặp tình cờ
Cho anh xin cái hẹn vờ… cầu may

Cái tình vừa rót đã say
Mùa xuân thổi gió trên tay bềnh bồng
Bờ môi rơi xuống phập phồng
Anh trôi không trọn nửa vòng eo ngoan

Cái tình vừa ngấm đã tan
Mùa xuân bắc những nấc thang lên trời
Nhìn nhau lòng rớt mồng tơi
Người ơi hạt đắng bẻ đôi ngậm giùm

Cái tình vừa trách đã thương
Mùa xuân hối hả ra đường lá non
Gối tay lên tiếng tim buồn
Anh xanh hết những dỗi hờn… không em
(Lục bát mùa xuân)
Những câu thơ như vậy của Triều La Vỹ đã giúp tôi tìm lại được một thuở rất nhiều mộng mơ, và tìm lại được những cảm xúc thơ cho chính mình. Còn nhớ buổi đầu gặp gỡ tại Bút Lửa Dzũ Kha, tôi đã lặng người khi nghe những lời thơ của Vỹ gợi về ký ức quê hương thanh bình trong lòng tôi "Lòng đã chín người ơi mau về gặt/nghiêng cánh đồng cho nắng vàng sân/Tre đang ngà trên vai xóm nhỏ/Hoa mướp lay cho bướm tần ngần…" (Mùa gặt). Hình như những bài thơ hay nhất của Triều La Vỹ đều mang một nét bóng dáng quê hương, bởi quê huơng giúp thơ Vỹ có độ chân cảm, lắng đọng và dễ tìm được hồn thơ đồng điệu. Đôi khi, sa vào trau chuốt quá, thơ Vỹ sẽ mất vẻ đáng yêu của buổi đầu mà hóa thành dễ dãi. Đó cũng là điều thường gặp mà khó tránh của những người làm thơ trẻ . Mong Triều La Vỹ cứ nghĩ và viết bằng tất cả tấm lòng thành thực của mình, và giữ mãi một hồn thơ đẹp.
14/7/2001
TRẦN HÀ NAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét