Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2009

Giọng điệu tranh luận của một nhà văn!

(Nhân bài được đăng trên mạng của một ông nhà văn dùng những lời mạt sát đích danh cá nhân PGS.TS Nguyễn Đăng Na về bài nghiên cứu " VỀ BÀI THƠ NÔM SỐ 79 CỦA NGUYỄN BỈNH KHIÊM" - Tạp chí Hán Nôm số 4/2009).
Trước hết, tôi xin nói ngay rằng mục đích của bài viết ông nhà văn nọ là thiếu đàng hoàng minh bạch, vì nếu là tranh cãi học thuật thì đăng lên ngay Tạp chí Hán Nôm và nếu xuất phát từ mục đích khoa học thì ít ra cũng phải kiên nhẫn chờ đọc hết các luận điểm trong bài viết của PGS.TS Nguyễn Đăng Na. Vậy mà ông lại đưa lên một tờ báo không mang tính học thuật để chỉ trích. Bản thân tờ báo này nếu như muốn "rộng đường dư luận" một cách quang minh chính đại thì phải đăng bài của PGS.TS Nguyễn Đăng Na trước rồi mới đăng ý kiến của ông nhà văn nọ sau! Còn phê phán theo kiểu trích dẫn thì chân lý khoa học dễ bị bóp méo!
Điều thứ hai, khi giật tít cho bài báo của mình là BÌNH LUẬN KHÔNG NÊN ĐI QUÁ XA TÁC PHẨM, bài viết của ông lập tức được truyền đi trên mạng với những cái tít khác nghe kêu hơn, giật gân hơn và ...vô văn hoá hơn, thành ra chuyện Nhà văn mắng Phó giáo sư tiến sĩ! Có lẽ Nhà văn này phải to lắm, chuẩn mực lắm mới mắng mỏ như thế! Ai đáng mắng đây?
Thứ ba, xin bàn về giọng điệu bài viết của ông nhà văn!
Ông làm cái việc cắt xén, trích dẫn nhằm xuyên tạc dụng ý bài viết của PGS.TS Nguyễn Đăng Na, để đi đến cái kết đầy tính răn dạy "Bình luận cho phải lý, không nên đi quá xa tác phẩm, không nên chỉ để khoe kiến thức". Nhưng cái đáng phẫn nộ trong lời lẽ của ông nhà văn  nọ là giọng điệu phản khoa học, khi kết tội "Ông Na hoặc là người cuồng chữ, loạn chữ, hoặc là người tâm thần ở dạng vĩ cuồng. Coi thiên hạ bằng nửa con mắt.". Xin thưa với ông: những người có học không ai lấy giọng kẻ cả trịch thượng như ông để xúc phạm danh dự cá nhân một cách nặng nề như vậy! Trong khi say sưa chứng minh cho ý kiến của mình, ông nhà văn trích dẫn và bình chú bằng một lối văn hạ sát đối phương một cách hể hả! Thế nhưng, ông đã cố tình quên không trích luôn lời kết trong bài viết của PGS.TS Nguyễn Đăng Na - một ý kiến thể hiện rõ sự khiêm tốn cần thiết của một người làm khoa học: "Đây là hai vấn đề mà chúng tôi đã trình bày. Nếu chúng tôi có viết gì sơ xuất, rất mong các độc giả chỉ giúp và lượng thứ". Bởi lẽ đơn giản, khi ông muốn hạ thấp nhân cách khoa học của người khác, trích dẫn câu này của PGS.TS Nguyễn Đăng Na thì ông không có cớ gì để chua thêm nhưng lời bình đầy dụng ý khi xuyên tạc giọng văn của người nghiên cứu. Nào là: "Rõ ra giọng điệu cao ngạo, khinh đời. Nói nôm na là: Các anh ngu lắm. Thôi thì, (hãy giỏng tai lên) mà nghe ta giảng giải cho biết thế nào là cái cần câu.", nào là : "Có nghĩa là: Tôi không buồn nói nữa, vì các anh quá dốt. ". Có lẽ tôi trích như thế là quá đủ để thấy ông nhà văn nọ đã hằn học như thế nào, dường như chính ông đang bị xúc phạm (mà bài viết thì chủ yếu nói về nội dung bài thơ, đưa ra thêm một cách hiểu, không động chạm đến bất cứ một vị GS, TS, hay Nhà Văn khả kính nào!).
Bản thân tôi là một người giảng dạy văn THPT, khi được đọc bài nghiên cứu của bậc thầy Nguyễn Đăng Na, đã vỡ lẽ ra rất nhiều ý để có thể giảng một cách thích hợp với đối tượng học sinh, bổ khuyết thêm những điều còn lỗ mỗ! Một bài nghiên cứu như thế, đăng trong một Tạp chí nghiên cứu thì có gì sai, nhất là khi tác giả viết với một tinh thần cầu thị khoa học? Để đi đến chân lý, cần có những tranh luận mang tính khoa học, nhưng không phải với giọng chỉ trích cá nhân, xúc phạm đến một bậc thầy khả kính như PGS.TS Nguyễn Đăng Na. Còn Sách giáo khoa phân ban, có nhiều vị cùng tham gia soạn, nhưng đã thật sự làm hết trách nhiệm chưa? Những sai sót ấy, một người dốt như tôi cũng nhận thấy nhiều điểm bất hợp lý, nên thầy Nguyễn Đăng Na có bất bình thì không phải là không có lý!
T.H.N
(Nguồn các bài viết liên quan được trích dẫn, xin mời qua trang http://nguyenxuandien.blogspot.com tham khảo. Cảm ơn TS. Nguyễn Xuân Diện đã đưa thông tin hai chiều)
CÁC BÀI VIẾT VỀ CHƯƠNG TRÌNH VÀ SÁCH GIÁO KHOA NGỮ VĂN CỦA TÔI:
BÀI 1 http://tranhanam.vnweblogs.com/post/3463/58265
BÀI 2 http://tranhanam.vnweblogs.com/post/3463/59115
BÀI 3 http://tranhanam.vnweblogs.com/post/3463/59217

Ông Hoàng Tiến có biết giai thoại này không?

tranlangtu | 13 November, 2009 18:35

Tôi đọc bài viết của ông được đưa lên nhiều trang blog, có bài nhan đề là "Nhà văn Hòang Tiến mắng PGS.TS NĐN". Lại thấy có nhiều người vốn nồng nhiệt chê trách nền học thuật Việt Nam đã vội vàng tung hô bài viết hồ đồ của ông. Tôi không định tranh luận với ông, vì nghĩ tầm cỡ một PGS.TS còn bị ông "mắng" thì chắc gì ông đã nghe vài lời thưa lại của một kẻ vô danh tiểu tốt như tôi!
Nhưng có cái tôi rành mà ông lại nói ẩu quá, ông tung hô ông mạng (Internet) quảng bác nhất, làm tôi không thể nín cười! Mạng cũng là sản phẩm của con người thôi, thưa ông! Và trên đó có kim cương, vàng bạc đá quý nhưng cũng không ít hàng giả, hàng kém và có cả cóc nhái rác rưởi nữa! Ông nói thế thì e rằng có ngày ông ngộ độc mạng mất thôi.
Không dám ngồi bàn chuyện với ông, chỉ xin chép lại một câu chuyện trên mạng để ông đọc và ngẫm chơi, vì ông tôn sùng ÔNG MẠNG, ông ngẫm ra cái gì thì tùy ông, vì tôi không phải là ông để buộc ông phải nghĩ ra ý tứ trong câu chuyện. Gọi là ôn cố tri tân một chút:

Giữa Vương An Thạch và Tô Thức có một giai thoại lý thú.
Tô Đông Pha đọc thơ của Vương An Thạch, thấy có hai câu:
Minh nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm
Đông Pha chê là vô lý: trăng sáng sao lại hót ở đầu núi, chó vàng sao lại nằm trong lòng hoa được?
Do nghĩ như vậy nên Đông Pha lấy bút sửa chữ khiếu ra chữ chiếu, sửa chữ tâm thành chữ âm, thành ra:

Minh nguyệt sơn đầu chiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa âm

Trăng sáng soi đầu núi
Chó vàng nằm dưới hoa
Sau đó, Tô Đông Pha bị đổi tới một nơi ở phía nam. Ở đó, Đông Pha thấy một loài chim tên là Minh nguyệt, và một loài sâu tên là Hoàng khuyển. Lúc đó, Đông Pha nhớ lại hai câu thơ của Vương An Thạch, có nghĩa là:
Con chim Minh nguyệt hót ở đầu núi
Con sâu Hoàng khuyển nằm giữa đóa hoa
Lúc ấy Đông Pha mới biết kiến thức của mình còn kém họ Vương nhiều.
(http://vi.wikipedia.org/wiki/V%C6%B0%C6%A1ng_An_Th%E1%BA%A1ch)