Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

Tản mạn về phong cách nhà văn - Hàn Mặc Tử


Phong cách nhà văn, được hiểu theo một công thức quen thuộc: phong cách xét từ hai mặt nội dung và hình thức. Nội dung bao hàm ba phương diện: cách nhìn - cách cảm - cách đánh giá. Hình thức xét ở hai mặt: cách lựa chọn và cách thể hiện. Nhà văn có phong cách tức là các mặt biểu hiện trên phải độc đáo, sáng tạo, mang dấu ấn cá tính riêng biệt. Cơ sở hình thành nên một phong cách nhà văn là yếu tố dân tộc - lịch sử - thời đại ; đồng thời còn là những nét riêng trong đời tư, các nhân tố gia đình, dòng tộc, quê hương... Tất cả những điều này chi phối, định hướng việc tìm hiểu phong cách tác giả trong văn học nhà trường, thành nếp tư duy quen thuộc và ít nhiều làm mất cảm hứng sáng tạo trong cảm nhận nét hấp dẫn, sức sống tác phẩm toát lên từ phong cách nhà văn. Trên trang riêng này, thử một lần thoát khỏi tư duy nhà giáo để làm một người cảm thụ thuần túy xem sao!



Trong số các nhà văn nhà thơ, có lẽ ấn tượng nhất với tôi là Hàn Mặc Tử. Từ những ngày xưa khi còn là học trò, đã ám ảnh bởi những câu thơ Hàn:
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?

(Đây thôn Vĩ Dạ)
Để rồi đến khi thành sinh viên, năm 1987, niềm vui lớn lao chính là khi mua được quyển "Thơ Hàn Mặc Tử". Đến lúc đó, mới thật sự làm một hành trình đi tìm chân dung Hàn Mặc Tử trong thơ. Nhưng điều khiến tôi nhớ về Hàn, hình dung về Hàn có phần nào ảnh hưởng từ Chế Lan Viên, trong bài tựa "Hàn Mặc Tử, anh là ai": "Bây giờ thì Hàn Mặc Tử nằm đây, trên điểm cao Gành Ráng này, đối diện với bể Đông. Bể chói lòa như thơ Anh và giông bão tựa đời Anh". Chế quả thật là một trong những tri âm của Hàn, khi hai con người cùng "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" từ thuở cùng là chủ soái của "trường thơ Loạn", cùng tự nhận mình là điên, là say, là người mơ, người thơ... Kể cả khi thơ lãng mạn trong nhà trường bị xem là "bạc nhược, suy đồi" thì Chế vẫn mượn lời Hàn đề từ cho bài thơ của mình: "Người Thơ phong vận như Thơ ấy". Mới thấy, lời quả quyết của hơn 40 năm trước của Chế cùng lời tựa năm 1987 nhất quán một cách đánh giá: "Mai sau, những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi, còn lại chút gì trên đời này đáng kể, đó chính là Hàn Mặc Tử". Dẫu cho trong thời điểm 1987, bài viết của Chế Lan Viên còn nhiều phen phải đóng vai trò thầy cãi để chứng minh sự trở lại xứng đáng trên văn đàn Việt Nam của Hàn. Cũng phải thôi, vì văn học Việt Nam đến thời điểm đó mới bừng tỉnh và đang dè dặt những bước chân trên hành trình đổi mới. Việc quy chụp quan điểm, khắt khe với dòng văn học trước cách mạng vẫn còn nặng nề. Bài viết mang tính "định hướng" cách tiếp cận Hàn Mặc Tử phần nào chi phối cảm xúc, nhưng khi đọc hết tập thơ, người viết bài này đã hoàn toàn bị hút vào không gian thơ Hàn Mặc Tử, không phải bằng cảm giác của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam khi lạc bước vào một vườn thơ "rộng rinh và ớn lạnh" mà bằng tất cả sự trong trẻo của một tâm hồn mê đắm văn chương một cách trong trẻo và thánh thiện của một sinh viên khoa Văn.
Có thể bây giờ, khi đã qua tuổi 40, lòng không còn trinh bạch như buổi đầu lưu luyến ấy, nhưng Hàn vẫn có một sức hút, nỗi ám ảnh dị thường.
Một Hàn Mặc Tử đã sống trong thơ "bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn", sống một cách "mãnh liệt và đầy đủ", sống bằng cách "phát triển hết cả cảm giác của Tình Yêu", "đã vui buồn, giận hờn đến gần đứt cả Sự Sống". Phát biểu của chính Hàn Mặc Tử là quan niệm thơ thành thực bậc nhất, chính xác đến từng câu chữ, hình ảnh, giọng điệu trong sáng tác của Hàn. Người Thơ ấy chỉ sống trên dương thế 28 năm, nhưng sức sống từ thơ Hàn đã vượt qua mọi giới hạn thời gian. Thiết nghĩ Hàn mới chính là người đã đẩy Thơ Mới đi đến tận cùng hành trình hiện đại hóa, một cách hết sức tự nhiên bằng bản năng thi nhân của Hàn.
Chu Văn Sơn có lí khi gọi thi pháp của Hàn là "Thi học của cái tột cùng". Nhưng tôi hoàn toàn không thích cái cách tiếp cận Hàn bằng lối hàn lâm kinh viện của anh, ngồn ngộn kiến thức, uyên bác thật đấy, nhưng đọc xong rồi cảm thấy ngờ ngợ vì dường như đó không phải là Hàn của mình, Hàn như mình hình dung và yêu mến! Dù cho luận thuyết của anh về Hàn cũng có những lúc gật gù tâm đắc "Thế là đau thương! Thế mới đau thương!" khi khảo sát về tập Đau thương - tức Thơ Điên của Hàn, nhiều người gật gù theo nhưng riêng tôi không cảm được! Cũng đành, biết sao!
Hàn Mặc Tử, với tôi, là người đem đến cho thơ cái rụt rè buổi đầu trinh bạch trong tình yêu, với những cảm giác sống động cựa quậy trong từng câu chữ:
"Xiêm áo hôm nay tề chỉnh quá
Dám ôm hồn Cúc ở trong sương"

Trạng thái "tình trong như đã mặt ngoài còn e" từ thời Nguyễn Du phải đến Hàn mới thật sự đốt thiêu tâm hồn bằng ngọn lửa tình ngùn ngụt nhưng lại che đậy bằng dáng vẻ bên ngoài "bẽn lẽn" ngượng ngập của người "gái quê" chân chất:
Vô tình để gió hôn lên má
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm
Em sợ lang quân em biết được
Nghi ngờ đến cái tiết trinh em

Chân dung Gái quê cũng là chân dung của Hàn trong khoảnh khắc đầu tiên đặt chân trên con đường cách tân để làm một hành trình thơ mới thoát thai khỏi cách nhìn cũ, cảm nhận cũ. Hồn xưa Lý Bạch vẫn còn đó trong làn gió Đường thi của bài Xuân Tứ, nhưng lại rất phương Tây trong nụ hôn làm hồng đôi má giai nhân! Lại thêm cái tươi mát của ca dao dân Việt gợi cảm với lối xưng "em" rất nữ tính, gợi về vẻ đẹp "Thân em như chẽn lúa đòng đòng - Phất phơ dưới ngọn nắng hồng sớm mai". Nghĩa là Hàn không đi tìm cái mới trong việc miệt mài tìm tứ lạ, "khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen" như Xuân Diệu mà chủ động tìm một lối của riêng mình. Hàn đã thật ngạo nghễ khi phê phán Baudelaire bùng nhùng giữa dục tính và tình cảm, trong lá thư gửi người bạn thơ Hoàng Trọng Miên để tuyên ngôn quan niệm thơ của mình.
Chọn con đường này, Hàn đã phát huy sức sáng tạo bùng nổ của mình trong những bài thơ tuyệt tác của tập Đau thương. Có lẽ trong cuộc so tài để chứng tỏ cái ngạo khí thi sĩ phương Đông với tác giả Hoa Ác - nhà thơ Baudelaire, Hàn đã phải đối diện với tư cách con chiên của Chúa, vượt qua lời nguyền thành "thi sĩ của đội quân Thánh giá", nên đã có lúc Hàn nguyện với lòng sẽ đốt tập Thơ Điên để giữ trọn "Sự trong sạch của tâm hồn" trước khi về nước Chúa chăng? May thay, những người bạn đã làm trái di nguyện của Hàn, để cho bao thế hệ sững sờ với những câu thơ có sức quyến rũ ma mị, đôi khi chỉ cảm mà không cần thiết hiểu. Vả chăng, Hàn cũng đã sám hối trong thơ rồi còn gì, bằng tất cả sự tôn sùng dành cho Đức Mẹ Đồng Trinh và Thiên Chúa:
Xin thứ tha những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng
Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng

Có thể qua từng chặng Đau thương : Hương thơm - Mật đắng - Máu cuồng và Hồn điên ta chứng kiến một tâm hồn nhỏ máu vì bị tách ra khỏi cuộc đời yêu thương bởi căn bệnh quái ác, bị cách ly bởi những thành kiến nghiệt ngã của người đời. Nhưng hạnh phúc biết bao khi Hàn nhận phần đau thương bỏng rát về mình, để đem cho Đời "những dòng thơ rất mát".
Hỡi những ai đọc Hàn, hãy đừng quá chú tâm vào tài năng thơ có thể làm nên những bài đọc xuôi, đọc ngược theo 6 cách như "Cửa sổ đêm khuya" mà hãy lắng nghe tiếng lòng của Hàn đau đáu vọng vang trong từng câu chữ:
Ngoài kia xuân đã thắm duyên chưa
Trời ở trong đây chẳng có mùa
Chẳng có niềm trăng và ý nhạc
Có nàng cung nữ nhớ thương vua

Khúc cung oán sầu hận ấy là lòng đau của chính Hàn, nhập vào nỗi niềm cung nữ. Đâu phải là nỗi cô đơn thi sĩ làm dáng mà là nỗi đau thực sự của một Con Người. Con Người ấy đã từng yêu biết bao nhiêu Mùa Xuân Chín:
Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi!

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây

(...)
Có mùa xuân nào tình tứ và ý nhị thế chăng? Hình ảnh mùa xuân tươi tắn non tơ như tâm hồn thi sĩ dạt dào bao cảm xúc lãng mạn. Có nét tương đồng giữa Hàn Mặc Tử và Lưu Trọng Lư trong cách cảm nhận Hương thơm của tình yêu với vẻ rụt rè như chàng trai mơ mộng hóa thân thành "khách xa", chiêm ngưỡng bức tranh non tơ của thiên nhiên, lắng nghe âm thanh trong vắt của "bao cô thôn nữ". Cứ xa xa mà ngắm, vậy mà đã rạo rực xuân tình trong cảm giác rất mãnh liệt vang lên thành tiếng, hiện ra thành hình: sột soạt, vắt vẻo, hổn hển, thầm thĩ... để cho lòng chàng dậy lên một nỗi "bâng khuâng" giấu mình trong hoài niệm.
Thế giới của Hàn sáng láng nguồn cảm xúc, linh động những cảm xúc trong một không gian luôn cựa quậy câu chữ hình ảnh, ngay cả trong những lúc tưởng như tĩnh lặng, lắng đọng nhất. Ảo và Thực như trộn hòa, không cần phải cố gắng dụng công trong ngữ âm, trong điệp từ. Với Hàn, làm thơ là để cho cảm xúc cứ thế bật lên thành lời, thành nhạc:
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng! Trăng! Trăng...
Hàn Mặc Tử gọi Trăng như chú mục đồng gọi nghé, để trăng hiện lên thật lung linh, huyền hồ, ma mị, bỡn cợt, trêu ngươi, rã rượi trong tuyệt vọng nhưng cũng khắc khoải bao khát vọng. Hàn có cả một Bến sông Trăng để thỏa thuê lặn ngụp, biến hóa, trửng giỡn, đê mê.
- Ha ha! Ta đuổi theo trăng, ta đuổi theo trăng
Trăng bay lả tả ngả trên cành vàng...
- Áo ta rách rưới trời không vá
Suốt bốn mùa trăng mặc vải trăng...
- Một miệng ta trăng là trăng
Lòng ta là vô số gái hồng nhan...
- Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu r
a
- Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương anh nằm chết như trăng
Chẳng có một nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm

Chợt nhớ một kỉ niệm cùng Nguyễn Mạnh Quân - người bạn thân hồi còn là sinh viên điêu khắc, là người Quy Nhơn nên chọn đề tài là tượng Hàn Mặc Tử. Cả hai đã cùng lang thang trong Quy Hòa, đã nghiền ngẫm lại tập thơ của Hàn cả hàng mấy tháng trời, đã băn khoăn đi tìm một biểu tượng về Hàn: hoa cúc hay là trăng? Để rồi, bức tượng gỗ mít tạc chân dung Hàn Mặc Tử của Quân đã được chấm điểm cao tuyệt đối và được giữ lại trưng bày ở khoa Điêu khắc trường Mỹ Thuật Huế. Bức tượng bán thân được tạc cách điệu, với khuôn ngực Hàn là một khối âm mang hình vầng trăng khuyết. Vầng trăng đã được anh bạn chọn như là linh hồn, sự sống của Hàn, đã chinh phục những giám khảo điêu khắc khó tính nhất. Tôi chỉ được xem bức ảnh chụp bài thi đã rùng mình, bởi chợt nhớ câu thơ Hàn:
- Hôm nay có một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột
...
Vầng trăng - một nửa ấy là một cảm nhận hoàn toàn khác với "Vầng trăng ai xẻ làm đôi" của Nguyễn Du, nhưng lại giống lạ kì ở phẩm chất của những kẻ trót sinh ra cùng một "nòi tình"! Nửa trăng của Hàn "ai cắn vỡ" đã hiện hữu như một biểu tượng đau thương của một hồn thơ luôn khao khát hòa nhập giữa cuộc đời:
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Thần thái của thơ Hàn là từ vầng trăng đợi chờ, vầng trăng đau thương một nửa kia. Để thành thơ, thành tình người vô lượng:
Tôi ước ao là tôi ước ao
Tình tôi vô lượng sẽ dâng cao
Như bông trăng nở, bông trăng nở
Những cánh bông thơ trắng ngạt ngào

Vầng trăng khuyết ấy, trái tim đau ấy đang phiêu du ở một chốn nào, đang "chơi giữa mùa trăng" liệu có kịp về với bến sông Trăng?
2.12.2011
TRẦN HÀ NAM