Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2009

Bình thơ TRẦN LỄ (2001)

DUYÊN THƠ TRẦN LỄ

Câu lạc bộ Văn học Xuân Diệu được bao nhiêu tuổi thì cũng chừng ấy năm người ta được biết đến một người mần thơ đến rất đều đặn, gần như không buổi nào bỏ các kỳ sinh hoạt. “Ông già Patêsô” - Lão nướng bánh đã đến với thơ như một mối duyên tình cờ và thành̀ người tình chung thủy của nàng Thơ đến trọn kiếp. Mà cũng lạ, đầu bạc, răng rụng, mắt mờ, chân yếu, tay run, ấy vậy mà người ta biết nhiều đến một anh Trần Lễ thơ tình trẻ tráng như thuở hai mươi, sung sức lắm!

Hãy lắng nghe một chút giọng thơ này :

Anh đưa em vào hạ

Em thả cánh phượng hồng

Bay qua miền phố lạ

Chớm mùa sữa “Ya-ua”

Còn giấu trong yếm lụa

Ươm men hườm chưa chua

(Mùa sữa “Ya-ua”)

và : Sáng nay mình xí được

Nụ hôn trên cúc vàng

Đêm về thơm giấc mộng

Em đến đòi nụ hôn…

(Mộng cúc vàng)

ai có biết chăng người viết nên những vần thơ như vậy lúc đó đã qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy” lâu rồi. Chất trẻ trung, tươi mới trong thơ Trần Lễ không phải là cách làm duyên, uốn éo đến khó chịu ở một số người cố tỏ ra mình trẻ mà xuất phát từ một tâm hồn còn rất mặn nồng với Tình Yêu – Thiếu Nữ. Nói đến một Trần Lễ trẻ, không hẳn chỉ là những vần thơ hướng về tuổi trẻ, mà còn có thể nhận ra sự trẻ trung trong suy nghĩ của một con người coi thơ là một điều rất thiêng liêng, coi những ân tình giữa cuộc đời là điều đáng trân trọng. Trong thơ Trần Lễ có những khoảnh khắc suy tư của một người tâm hồn đã chín :

Chờ em bên tách cà phê

Giọt đen đắng đọng lòng tê tái sầu

Biết rồi, em chẳng đến đâu

Mà tôi vẫn đợi thâm sâu với tình

Tách cà phê cũng thương mình

Nhỏ buồn

Giọt chậm

Cho mình

Đợi em…

(Đợi)

Không biết người ấy đã phải chờ đợi bao lâu khiến thời gian cứ tí tách rơi buồn, đọng đắng? Để có được duyên thơ tri kỷ ấy, nhà thơ của chúng ta đã phải trải qua biết bao tháng ngày cơ cực vật lộn với đời : kéo xe ở Sài Gòn, làm vôi Long Thọ, bán kẹo ăn mì vất vưởng, thui thủi ra đi… Những ngày tha hương đằng đẵng của một kiếp người vẫn đọng lại một nỗi niềm không nguôi hướng về quê hương với kỷ niệm xót xa: “Mấy chục năm xa Huế/Gởi về quê tấm lòng/ Con tằm không dứt được bãi dâu/ Tôi làm sao quên được mùi cơm hến/Nón rách chờ em đêm mưa bến Ngự/Chén bánh bèo đỡ dạ dốc Nam Giao…” Tình quê” ấy đau đáu đã kết thành những vần thơ từ những lúc hoa niên đến khi thành ông lão :

Miệng móm cười méo xẹo

Chiếc bánh nở tròn vo

Đêm dài con dế hát

Ngọn đèn thức đợi chờ

Nhện mỏi mòn đan tơ…

(Lão nướng bánh).

Tôi nhận ra một điều rất quý giá trong những bài thơ hay của Trần Lễ : đó là sự chân thành và điềm tĩnh. Có những bài thơ như một lời kể chuyện rất thật thà về cuộc đời nhiều sóng gió, có những bài lại là một rung động bất chợt trước Hoa – Thiếu Nữ trong một không gian mang dáng dấp Cổ Tích, Huyền Thoại. Thơ tình Trần Lễ phần nhiều là Tình Thơ – một mảng hồi ức đẹp, một thoáng bâng khuâng trước vẻ đẹp cuộc đời. Nhưng có lẽ đọng nhiều ấn tượng nhất là những giấc mơ đan xen cả hạnh phúc và khổ đau, để người “mần thơ” ấy nghe được tiếng lòng sâu thẳm của mình : “Mở mắt thấy hoa đẹp/Nhắm mắt thấy mình già/Thời gian mòn quá khứ/Không gian thì bao la (…) Hôm nay mình còn lại/Nỗi vui buồn cho nhau/Bốn mùa hoa vẫn nở/Bốn mùa không trước sau” (Hoa bốn mùa). Rõ ràng sự cảm nhận của Trần Lễ tưởng như giống thi nhân đời Đường mà đã khác Đường thi nhiều lắm. Sự khác biệt xuất phát từ một hồn thơ không sợ già, không sợ chết: “Lỡ mai em về/Anh không còn nữa/Xin em đừng đặt hoa lên mộ đá/Nguồn thương yêu anh gởi cả em rồi!” (Xin em).

Giọng điệu Trần Lễ thích hợp với nhịp ngũ ngôn gợi lên những hoài niệm và nhịp lục bát truyền thống gợi những cảm xúc ngọt ngào. Những bài thơ tự do đọng lại thường là câu chuyện kể xúc động, dù đôi khi vần điệu chưa chặt chẽ nhưng chính điều đó mới làm nên một nét riêng. Tôi đã từng nghe ông nói rất say sưa về thơ và rất chân thành nghe đóng góp của anh em thi hữu để sẵn lòng chuốt lại câu thơ. Nhưng đôi khi sự đẽo gọt ấy làm mất đi chất Trần Lễ trong ông. Chẳng hạn bài thơ “Chiếc nón” đã từng đọng lại rất lâu trong tôi cái mộc mạc “Đến tặng em chiếc nón/Từ Huế tôi mang về…” giờ đây khi tác giả sửa lại : “Tặng em chiếc nón Bài Thơ/Vấn vương từ Huế mang về…”, tôi thấy lòng mình nguội đi nhiều lắm! Đâu cứ phải “nón Bài Thơ vấn vương”, “chừ”, “mô” mới ra chất Huế ? Tôi mong được đọc Trần Lễ nhiều ở những bài giản dị nhưng rất có hồn, để giữ được trong lòng mình một bác Trần Lễ, anh Trần Lễ quý mến chân tình trong lời thơ rất nhiều nhớ thương dào dạt:

“Tiếng đàn Xuân vời vợi

Trăng mười bốn thơ thơ

Sao giăng đèn phố biển

Sóng hát vỗ xanh bờ”

(Chiếc lá Sydney)

Thương và quý lắm!

14/11/2001

TRẦN HÀ NAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét