Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

Trịnh Hoài Linh - Ruộng và Làng

(Đọc Hương của Đất - tập thơ của Trịnh Hoài Linh, NXB Thời Đại, 2010)
Mẹ...
Ruộng...
Làng...
Trịnh Hoài Linh đã đem vào trong thơ tất cả cái chân chất của một nông dân thứ thiệt. Khi tập thơ của anh thấm đẫm một niềm thơm thảo chất bùn đất quê làng! Thú thật, dạo này tôi dị ứng khi nghe những danh xưng những mĩ từ mượn màu quê kiểng nhưng thực ra đó chỉ là thứ trang sức lòe người đánh bóng tên tuổi để tiện bề loi ngoi trong bả phù hoa danh lợi. Nên đọc thơ Trịnh Hoài Linh ít nhiều cũng có chút cảm giác e dè ấy. Mà cũng lạ, khi người ta nếm đủ mùi vinh hoa thì lại cứ thích về nép trong bóng quê làm dáng, như cái kiểu các ông vào hàng đặc sản gọi món rau muống xào tỏi để tỏ ra mình chưa quên gốc quê mùa. Thật may, thơ của Trịnh Hoài Linh là của một dân làm ruộng thứ thiệt, tay chân chai sần, nứt nẻ vì cắt lúa lội ruộng. Nên trước hết tôi tin anh nói thật, cái khó tìm ra trong thời buổi thiên hạ thích nói láo thích lòe đời. Mà cũng thật may khi lại không phải là cái thật thà như đếm có sao nói vậy để làm cho thơ trở thành dung tục sống sượng - cũng là một cách mà một số người ngộ nhận đó là dòng thơ dân gian, thực chất là tục tĩu hóa thơ.
Thơ Trịnh Hoài Linh có mỹ cảm, có thi pháp hẳn hoi. Thậm chí nếu như đưa vào một công trình luận văn kiểu tìm tính dân tộc trong thi pháp thơ đồng quê, e có khi liệt kê ra hàng đống không gian nghệ thuật làng quê, thời gian nghệ thuật hồi tưởng, tâm thức nông dân... trong gần 40 bài thơ của anh. Và nếu tán giỏi thì Trịnh Hoài Linh khéo trở thành một hiện tượng, một phát hiện của nền thơ trên đường về nguồn quê hương! Xin anh lượng thứ cho những lời của một kẻ cày-đường vốn không rành lắm về nông dân, nông thôn vì đã không hít thở hương đồng có dễ hơn ba chục năm như tôi. Nếu anh là kẻ háo danh thèm tiếng thì cứ coi như đây là sự giễu cợt ba trợn của một kẻ chẳng hiểu gì mà múa ba tấc lưỡi. Nhưng tôi nghĩ mình dám bạo miệng mà nói những điều ấy, bởi Trịnh Hoài Linh là người làm thơ có chất ở đất Bình Định này, và nếu anh có chút ngông, chút dấn thân thì biết đâu sau cái Đại hội nhà văn trẻ năm nào lâu lắc, giờ đây anh đã có hàng chục tập thơ và tiếng tăm như cồn trên văn đàn, nếu sang trọng nữa thì kiếm chút quan chức văn nghệ tỉnh nhà! Chứ có đâu về lại với luống cày, với đồng quê - với Làng, Ruộng và Mẹ - tảo tần hôm sớm cuộc đời để nguyện làm một "lão nông tri điền" thứ thiệt. Anh dại chăng? Hay anh "khôn nẻ vỏ"? Dại - khôn cũng nằm ở miệng người đời thôi. Còn tôi tin Trịnh Hoài Linh chưa hề toan tính điều này, cứ hồn nhiên làm thơ, hồn nhiên chơi với bạn bè văn nghệ đến mức bị lợi dụng thì cũng chỉ lắp bắp không tin nổi sao mình là thằng cày ruộng mà nỡ lòng cũng bị lôi vào cuộc thị phi! Có hề chi, anh vẫn cứ "dzìa dzí Hậu" theo cách nói đặc sệt chất An Nhơn của mình.
Không tin sao được, khi gặp những vần thơ hồn hậu về cánh chim, như thấp thoáng chất đồng dao - nhưng không phải đuổi chim mà lại là gọi chim về:
Đậu xuống sân nhà ta
Hỡi cánh chim tha hương
Lúa của ta đã vàng
Sông ta đầy nước ngọt
Chim tha hồ mà ăn
Chim thỏa thuê mà tắm...
(Cánh Chim)
"Đất lành chim đậu!", Trịnh Hoài Linh đã mở đầu cho tập thơ của mình bằng những lời gọi chim, gọi thơ tung cánh trên cánh đồng làng hào phóng, trên mảnh đất mà anh dày công chăm xới, để thả sức thăng hoa hồn thơ khi mùa vàng đã tới. Ý tưởng thật ngộ nghĩnh nhưng cũng thật giản dị mộc mạc. Còn gì tha thiết và đáng quý bằng chính người nông dân nói về công việc của mình bằng thơ, để có cảm giác thư thái sau giờ phút đổ giọt mồ hôi thánh thót trên luống cày. Nên cũng dễ hiểu tại sao anh nói về quê hương bắt đầu bằng tình cảm tri ân sâu nặng, bắt đầu từ Người Mẹ:
Mẹ bỏ quên
Giọt mồ hôi trên đồng
Con cua cái ốc cho tôi cái chữ
Dảnh mạ quắt queo cho tôi rau cháo đỡ lòng.
(...)
Mẹ bỏ quên
Bỏ quên
Những điều tôi lại nhớ
Khói hương này xin dâng tạ mẹ tôi
(Mẹ bỏ quên)
Tôi thích những câu thơ không phải cố gắng lên giọng mà vẫn rõ mồn một là thơ của Trịnh Hoài Linh. Không cần phải giả vờ thành thật, không cần phải lên gân sám hối. Bóng bà, bóng mẹ, bóng chị... những người phụ nữ tảo tần cứ hiện lên những trang đời đắng đót trong thơ anh, chân thành như lời tâm tình gan ruột, được viết bằng sự hàm ân sâu xa:
Người đàn bà nhặt những hạt thóc
lẫn trong cỏ dại
như nhặt nỗi buồn của đất
chấp chới tuổi thơ tôi trang giấy ngày tựu trường
chữ o ngoằn ngoèo cũng từ quả cà
hạt thóc quả bưởi quả cau
lấp lánh giọt mồ hôi người mẹ...
(Người đàn bà nhặt thóc)
Triết lí về cuộc sống của Trịnh Hoài Linh cũng từ những mảnh đời gần gũi, từ làng từ ruộng mà thành hình. Cuộc sống hằn lên bao vết chân chim trên gương mặt, cũng hằn lên bao suy tư trăn trở về một làng quê luôn ám ảnh phận nghèo. Có lẽ nhiều người làm thơ về làng quê cũng có chung tâm trạng này, và đó cũng là thực trạng buồn khi làng quê Việt Nam qua bao đời rồi vẫn cứ đìu hiu nghèo khó buồn bã trong thơ. Nông dân thuần chất thì nghêu ngao đánh lừa cảm giác bằng cái kiểu "Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu thú lắm chứ..."; còn có chút chữ nghĩa có chút sĩ diện như Trịnh Hoài Linh lại thưởng thức cuộc sống theo hơi hướng người xưa - của những bậc hiền giả lánh đời. Có lúc học đòi Chống gậy trúc dạo chơi núi Bà, có lúc lại ngẫm ngợi Hương của đất:
Trở về đường đất ta thôi
Khói đồng mênh mang sương khói
Cơm hẩm dưa cà
Vỗ bụng hát
Thân phận con người hề
Bèo bọt phù vân...
Cái lối ca ngợi cuộc sống Hàn cư như thế, thực tình tôi không thích lắm, vì nó cũ. Và yếm thế! Giọng điệu ấy dễ lẫn lộn và cũng dễ bị những kẻ láu cá lợi dụng khen lao, ngâm nga để dễ dẫn dắt đến ngộ nhận ở con người vốn thiệt thà không nhiều tham vọng như Trịnh Hoài Linh.
Trong tập thơ có những bài anh thoát ra khỏi không gian làng, khi anh viết trong vai trò của một hội viên văn nghệ đi dự các trại sáng tác. Chẳng hạn những bài viết về Đà Lạt, hồ Xuân Hương, Vũng Tàu...nhưng đi đâu cũng về lại với làng quê, với những lo toan mưa nắng lam lũ của người miền Trung giữa vùng đất lạ:
Đêm Vũng Tàu tôi thức cùng những người đồng hương
(...)
Họ tựa vào nhau
trở về những căn phòng thuê chật chội
ẩm ướt khi gà vừa cất tiếng gáy
cuộc mưu sinh ngày mai còn lắm vất vả
Dải đất miền Trung như gương mặt nông dân
Người miền Trung cõng cái nghèo lưu lạc.
            (Thức cùng đồng hương)
Có lẽ vì thế cho nên với Trịnh Hoài Linh, làng vẫn là nơi tìm thấy chút yên bình để có thể "bắt đầu từ gốc rạ/tôi nhận ra tôi", để Cuối năm uống rượu với bạn làm ruộng. Và trên hết, làng là nơi đón nhận những chân tình, là nơi bao người thân yêu cùng gắn bó sinh tử, là nơi kí thác nguyện ước tâm linh. Xin khép lại bài viết bằng bài thơ Về làng - theo tôi như mang trọn nỗi niềm của Trịnh Hoài Linh:
Về làng
Cúi lạy bờ tre
Rêu phong giếng lạn
Chợ quê trưa người

Về làng hầu chuyện rau khoai
Tóc quê lũ rối
Bời bời bão giông

Về làng
Vịn gốc nghĩa nhân
Mai sau con cháu
Vẫn còn chốn quê

Về làng cạn cốc rượu khê
Tỉnh say say tỉnh
Bên lề văn chương

Về làng còn có người dưng
Cho ta nắm đất
Nén hương bìa làng.
Tôi cũng nghĩ, chỉ có Làng mới thật sự đem lại cho Trịnh Hoài Linh một hồn thơ phong phú, để thơ anh có thể gặp gỡ với những hồn tri âm đồng điệu, ươm mầm cho những bài thơ mới của anh kết thành mùa thơ trĩu hạt.
                                                            Quy Nhơn, tháng 11 năm 2010
                                                                        Trần Hà Nam

Nhà thơ Trịnh Hoài Linh