Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009

Bài bình ca dao

MÌNH MÃI CÒN SON
Mình nói với ta mình hãy còn son
Ta đi qua ngõ thấy con mình bò
Con mình những trấu cùng tro
Ta đi gánh nước tắm cho con mình
Con mình vừa đẹp vừa xinh
Một nửa giống mình, nửa lại giống ta

    Ca dao với cặp hô ứng “mình – ta” có nhiều dạng : có bài thì tha thiết : “Mình về có nhớ ta chăng/Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”; có bài lại độc địa với nhau : “Bao giờ chạch đẻ ngọn đa/Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình…”. Riêng ba cặp lục bát của bài ca dao này đã chứa đựng rất nhiều kịch tính bắt nguồn từ chuyện “mình nói với ta  mình hãy còn son”.

   Trong đời, nhiều cô gái đã gặp phải loại Sở Khanh “quất ngựa truy phong” biệt mù tăm tích sau khi “con ong đã tỏ đường đi lối về”. Có người vì muốn đi tìm hạnh phúc mới đã phải che đậy quá khứ trót lầm lỡ của mình, cũng có người mong tìm một chỗ dựa để có thể chăm sóc đứa con ngoài ý muốn… Cảnh ngộ trớ trêu ấy không chỉ là tàn tích của một thời quá khứ vốn rất nhiều định kiến dành sẵn cho người phụ nữ mà bây giờ vẫn thế, nên có bao người như cô gái đành chọn giải pháp đặt mình lên bàn cân số phận, để gửi gắm hy vọng mong manh vào một người đàn ông có thể đem lại hạnh phúc cho mình.
    Sự thật vô tình bị phát hiện, khi “ta đi qua ngõ thấy con mình bò” quả thật dở khóc dở cười. Dẫu ta – mình đã có tình ý, sâu nặng đến mấy cũng khó  chấp nhận một điều dối trá hiển nhiên. Chàng trai nếu là người hời hợt, thiếu bản lĩnh thì cũng có đủ lý do để thản nhiên bước luôn qua ngõ, thậm chí còn hả hê vì thoát cảnh “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”. Lúc ấy, cô gái sẽ bị xem là hạng đàn bà lẳng lơ, mượn vẻ ngoài còn xuân sắc để mồi chài, quyến rũ đàn ông. Màn kịch sẽ chấm dứt ngay từ cặp lục bát đầu tiên, hạnh phúc không bao giờ đến với cô gái.
    Cái nhìn của chàng trai ở đây không phải hờ hững như vậy, vì chàng còn nhận ra “con mình những trấu cùng tro”. Câu thơ gợi lên nỗi đời cay đắng của cô gái khi chịu nỗi nhục của kẻ “bôi tro trát trấu” vào danh dự của bản thân, gia đình, dòng tộc, xóm làng. Ở màn hai này, chỉ có chàng trai lẳng lặng “gánh nước tắm cho con mình”. Nếu lời ca dao dừng lại ở đây, nghĩa cử hào hiệp ấy cũng chỉ là dấu hiệu của một sự thương hại không hơn không kém. Giả sử cô gái vì chịu ơn mà đền đáp lại thì hạnh phúc chưa có gì bảo đảm. Vì lòng thương hại chưa đủ làm cơ sở cho mối duyên bền vững.
    Cặp lục bát thứ ba vẫn là lời chàng trai như một sự kết ý vừa khéo, đểû giúp ta hiểu trọn tấm lòng chàng. Ngôn ngữ dân tộc đến đây mới phát huy hết vẻ đẹp tinh diệu trong lời khen “con mình vừa đẹp vừa xinh”. Đẹp là phẩm chất bên trong, xinh là diện mạo bên ngoài. Quan trọng hơn là đẹp xinh giống mình – với nghĩa chiêu tuyết, bênh vực cho cô gái. Còn “con mình” đâu phải phân biệt con mình – con ta, mà “con của mình” cũng như “con của chúng mình” – nên mới giống ta. Vì yêu mình, yêu cả con mình, chàng đã nguyện làm người “gánh nước” gột sạch mặc cảm lầm lỡ cho cô gái. Chàng trai vừa khôn khéo, vừa nhân hậu nên biết tự tạo hạnh phúc cho riêng mình, còn biết đem đến hạnh phúc thật sự cho người mình yêu.
Phải là người yêu hết mình một cách chân thực thì ta mới tìm ra ẩn số sau lời hé mở mình hãy còn son. Cô gái trong bài ca dao này quả cũng “ghê gớm” và chủ động không kém Hồ Xuân Hương khi tự nhận mình hãy còn son. Tấm lòng son đã gặp gỡ tấm lòng vàng, với chàng trai thì cô mãi vẫn còn son, âu cũng là tri âm tri kỷ vậy !
                        Qui Nhơn, ngày khai trường năm 2000
                            Trần Hà Nam
                                              

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét