Thứ Ba, 20 tháng 10, 2009

Tản mạn: Cảm xúc Quy Nhơn mưa

Chỉ còn chưa đầy mười ngày nữa, tôi sẽ xa Qui Nhơn. Bây giờ mới thấy thật thấm thía cảm xúc xa quê hương thật sự. Tính ra, đây mới là lần xa quê thứ hai của tôi. Lần thứ nhất vào 1976 giã biệt mảnh đất gắn bó tuổi thơ Cầu Đơ, Hà Trì, Hà Tây về quê cha đất tổ. Và lần này, sau ba mươi năm lại tiếp tục một chuyến đi ra Hà Nội. Chưa biết sẽ thành đạt, nối chí cha ông hay không nhưng trước phút chia tay mảnh đất gắn bó với mình, sao mà không nao nao trong dạ?Hà Nội với tôi giờ đây cũng chỉ nhạt nhoà như ký ức Thạch Lam trong truyện ngắn Hai đứa trẻ: “Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo…” – là chốn kinh kỳ trong tâm thức một anh chàng tỉnh lẻ. Hà Nội trong ký ức là mùa thu đầy mưa khi tôi tròn 20 tuổi, lóng ngóng vụng về đạp xe bên người bạn gái mới quen lang thang khắp các phố phường, lạ lẫm đưa mắt ngắm những hàng cây sũng nước, những mặt hồ mịt mờ trắng xoá. Hà Nội của những lần tập huấn ngắn ngày, lang thang cùng người bạn xứ Cẩm Thành trên đê Yên Phụ, uống chén chè Thái vỉa hè, ra tới hồ Gươm ngủ kín mít trong chiếc áo ấm trên ghế đá như hai gã du thủ du thực chính hiệu. Là một đêm say cạn mười lăm bầu Làng Vân cùng những người bạn nghệ sĩ bốc trời trong quán rượu Hồ Tây sau lưng trường Chu Văn An, đàm đạo văn võ cùng một đệ tử chân truyền môn phái Vịnh Xuân để vỡ lẽ ra sau cái vẻ bụi bặm của anh là một chất sĩ phu Bắc Hà lãng tử. Và chỉ có thế! Hà Nội còn là hơn một tháng lăn lóc ngủ bẹp trên sàn của văn phòng công ty thằng bạn, ngóc đầu dậy không nổi vì cái tính khí thất thường ngày nắng ngày mưa của Hà nội lúc giao mùa. Là đêm chong mắt trắng, râu tóc lởm chởm miệt mài ôn thi, bụng đói meo, ăn uống qua loa cơm chỉ, mì tôm và chống chọi sự mỏi mệt bằng những hộp C sủi. Hà Nội của mấy tháng trước chen chúc xe buýt đề phòng móc túi, của buổi tối loanh quanh mấy thầy trò tưởng đi lạc trong khu phố cổ . Và Hà Nội của những ngày sắp tới chưa biết ra sao khi phải xa vợ con gần hai năm trời đằng đẵng, chỉ có dịp loanh quanh về lại dịp Tết, dịp hè.Nhưng bây giờ, tôi sắp xa Qui Nhơn thân yêu của tôi, xa cái ổ chuột hè nóng hầm hập, đông lạnh căm căm mà cả nhà tôi cũng đã gắn bó suốt mười năm trời, làm dân núi ngay giữa thành phố Qui Nhơn đang từng ngày biến đổi. Tôi đã quen với cái lặng lẽ ban đêm để quên những âm thanh ồn ã của xe lam, xe máy, xích lô ồn ào lúc 4 – 5 giờ sáng khi còn sống dưới phố, giữa trung tâm thành phố. Tôi chưa hình dung được những ngày sắp tới khi phải chuyển đổi nếp sinh hoạt quen thuộc ngày ngày sẵn có vợ chăm, chiều chiều cả nhà quây quần bên nhau quanh mâm cơm sang cuộc sống của một anh chàng đi ở trọ. Không quên được cảm giác khi đêm đêm ngồi trước màn hình vi tính dõi theo diễn đàn của học trò, của cư dân mạng Bình Định. Làm một gã nghiện nét chính cống. Cách đây nửa tháng thôi, những học trò của tôi đã giã biệt thầy bước chân vào mái trường Đại học ở Sài Gòn. Bây giờ thì thầy lại đi ra Hà Nội, cả ngàn cây số. Cũng lạ chả hiểu tại sao mình lại đa cảm thế! Hay do bây giờ trời nổi cơn giông. Lại nhớ đến thơ bạn mình : “Trời nổi cơn giông mùa hạ - Áo em màu tím u buồn…”. Có phải duyên số không, khi người con gái áo tím ngày xưa ấy đã là của mình, là mẹ của hai thằng cu vừa lì vừa ngố. Và cơn giông lại tới, mai mốt anh đi xa ba mẹ con, áo em có trầm tư một màu tím u buồn? Mưa giông nửa đêm, ầm ì dai dẳng tiếng sấm âm âm. Nhà nhà đã đóng cửa, cũng chẳng mấy ai ngoài phố giờ này. Lại nhớ một thời bạt mạng văn thơ! Chẳng hiểu vì sao mà duyên số văn chương cứ vận vào mình, mà rõ ràng mình là một kẻ bất tài gặp vận. Trời xui đất khiến để làm tới hai chức phó chủ nhiệm của hai câu lạc bộ văn chương tỉnh nhà. Anh em lại “ưu ái” cho cái chân dẫn chương trình những đêm sinh hoạt thơ văn. Chẳng hiểu từ lúc nào, mình đã thôi la cà quán xá để mong ngóng những đêm 14 có CLB Xuân Diệu để được gặp anh em làm thơ văn đàm đạo. Cũng chẳng hiểu vì sao mình còn duy trì và thậm chí lôi kéo các em học sinh tới với thơ văn trong cái thời buổi “văn chương hạ giới rẻ như bèo” này? Thậm chí vợ còn than thở mình làm việc “ăn cơm nhà vác ngà voi”, đi “thổi tù và hàng Tổng”. Viết lách thì chả ra hồn, vậy mà có dịp bù khú cùng thi hữu là cảm thấy vui vui, tăng hai tăng ba sa đà chuyện trên trời dưới đất có khi đến sáng mới về. Có hôm nửa đêm phóng xe ào ào dưới ánh đèn vàng cao áp mà chẳng bao giờ cảm thấy bất an. Hình như Qui Nhơn vốn bình yên và sẵn chiều lòng những chàng có máu thơ văn , kể cả những lúc ngồi la cà xóm ga cũng vẫn thấy anh em xích lô, khuân vác và các tay anh chị giang hồ hoá ra lại cũng dễ thương đáo để. Chắc còn lâu lắm, mình mới lại được sống trong không khí đậm chất thơ, chất hào phóng giữa những anh em văn nghệ Qui Nhơn. Nhớ làm sao giọng ngâm thơ anh Ba Phất, anh Năm Bửu, mái tóc rũ lên rũ xuống của Lê Hoài Lương lúc ngồi uống rượu mà hiếm khi gục ngã cuối cùng. Nhớ cả những dịp gặp các em nhóm QNC – Quinhoncity mời làm người thử rượu “kiểm định chất lượng” ở quán Suối Trầu của văn sĩ , bay mất gần một lít Bàu Đá thứ thiệt. Quên sao bà chị A.M, ông anh Vân Hiền lặn lội từ Phù Cát vô là có dịp chứng kiến anh bồ sùng sục vì ghen, đòi ăn thua đủ với anh em nghệ sĩ. Mà bà chị cứ vô tư khơ khớ cười, lại ôm đàn ca hay hơn bao giờ hết những bài tình bất hủ của Trịnh Công Sơn để cuối cùng lời ca giọng hát chiến thắng anh chàng trót dại yêu bà chị nghệ sĩ. Còn nhiều, còn nhiều lắm bao kỷ niệm Qui Nhơn. Và cả những lo lắng bồn chồn không tránh khỏi. Ông bà dạy phụ mẫu tại đường bất khả viễn du, nhưng biết làm sao khi thời gian không cho phép chần chờ. Vả lại lần này đi cũng là đem lại chút niềm vui cho cha, vốn kỳ vọng con cháu nối chí cha ông, xứng đáng là cháu nội cụ cử Hà Trì, là cháu của ông chú tiến sĩ viện sĩ viện Hàn lâm NewYork! Tự cười mình lỡ mang tiếng con cháu của nhánh họ Trần đỗ đạt cao nhất, nên đâm ra phải gánh trọng trách có danh gì với núi sông! Nhưng tất cả mới chỉ khởi đầu, bốc phét ba hoa không khéo lại lâm vào cảnh “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng Tổng”! Chỉ tự nhủ lòng mình: dù đi đâu xa cũng xứng đáng là một người mang dòng máu Bình Định, là dân xứ Nẫu để không hổ thẹn nơi đất khách xứ người. Chỉ lo cho mẹ sức khoẻ kém, lại cứ thương thằng út mà héo hon cả dạ.Mưa tạnh rồi! Thôi đừng đa cảm nữa! Sấm rì rầm chưa biết sẽ báo hiệu điều chi?
27.9.2006

(Lưu từ ngoisaoblog.vn/tranhanam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét