Thứ Ba, 20 tháng 10, 2009

XUẤT DƯƠNG LƯU BIỆT - Lớp 11

Phan Bội Châu - tác phẩm tiêu biểu

Xuất dương lưu biệt


Sinh vi nam tử yếu hi kỳ
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di
Ư bách niên trung tu hữu ngã
Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy
Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si
Nguyện trục trường phong đông hải khứ
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi

Bài thơ Xuất dương lưu biệt được sáng tác năm 1905, khi Phan Bội Châu từ biệt các bạn đồng chí lên đường tìm đường cứu nước.Tác phẩm là tiếng nói hăm hở của một trang nam nhi quyết tâm hoàn thành sự nghiệp phục quốc.
Tác phẩm được viết bằng chữ Hán, theo truyền thống "thi dĩ ngôn chí" của thi ca phương Đông, đó cũng là dấu vết rõ nhất của con người từng theo đuổi sự nghiệp công danh, thập niên đăng hoả học chữ Thánh hiền của Phan Bội Châu. Giọng điệu, khí phách cho đến hình tượng thơ còn mang đậm dấu ấn của thi pháp trung đại nhưng về mặt tư tưởng đã đánh dấu một sự vượt thoát ra khỏi khuôn khổ suy nghĩ của một trí thức Hán học, đoạn tuyệt với tư tưởng Nho giáo về căn bản.
Có thể phân tích bài thơ theo cấu trúc : Tiền giải - Hậu giải quen thuộc của thể thơ thất ngôn bát cú luật Đường:
1. Tiền giải:
Dịch thơ: Làm trai phải lạ ở trên đời - Há để càn khôn tự chuyển dời - Trong khoảng trăm năm cần có tớ - Sau này muôn thuở há không ai (Tôn Quang Phiệt dịch).
Khi viết nên những dòng thơ này, Phan Bội Châu đã bước sang tuổi 38 - lứa tuổi đã qua bao thăng trầm, chuẩn bị chớm bước vào tuổi "tứ thập nhi bất hoặc" - tự tin ở chính mình. Làm trai "tam thập nhi lập", hẳn một người đã từng đậu Giải nguyên năm Canh Tý (1900) như Phan Bội Châu không phải vướng bận băn khoăn về ý nghĩa làm trai như Giải nguyên Nguyễn Công Trứ thuở xưa, mặc dù cách nói cũng cùng một kiểu: "Thông minh nhất nam tử - Yếu vi thiên hạ kỳ" (Chí nam nhi). Ông Giải San lúc ấy thừa điều kiện để đi theo con đường tiền nhân Uy Viễn tướng công, nhưng cuối cùng con đường của Phan Bội Châu lại theo một ngã rẽ khác hẳn. Chữ "kỳ" của Nguyễn Công Trứ bó hẹp trong "bút trận" - thi cử đỗ đạt làm quan, phụng sự vô điều kiện cho triều đình phong kiến. Phan Bội Châu ít nhiều chịu ảnh hưởng của quan niệm làm trai thời phong kiến nhưng trong cách nói vẫn khẳng định một cách đầy tự hào về ý thức cá nhân mạnh mẽ của mình.
Một nguời đã từng ý thức với câu thơ tâm đắc "Lập thân tối hạ thị văn chương" (Viên Mai) hẳn không chấp nhận bó mình theo quan niệm phong kiến! Bởi vậy, trong phần tiền giải này, khi nhấn mạnh vào vai trò nam tử, Phan Sào Nam chẳng qua chỉ mượn một quan niệm có sẵn nhằm khẳng định cho cái bản ngã đội trời đạp đất hào hùng của chính mình thôi, không hề có một dấu ấn của con người bổn phận theo lý tưởng làm trai phong kiến.
2. Phần hậu giải:
Dịch thơ: Non sông đã chết, sống thêm nhục - Hiền thánh còn đâu học cũng hoài - Muốn vượt biển Đông theo cánh gió - Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.
Điều cốt tủy trong suy nghĩ, tình cảm của nhà thơ gửi cả vào phần hậu giải này, là bức thông điệp mà Phan Bội Châu gửi gắm lại bạn bè trước giờ lưu biệt. Đúng ra, với đề tài "lưu biệt", trong thơ xưa vốn dĩ hay nói về cảm xúc bịn rịn lưu luyến hay nỗi hận sầu của người trai "chí chưa thành, danh chưa đạt". Vậy mà Phan Bội Châu đã dành hai câu luận để nói về thời thế một cách sâu sắc: ông đạt sự sống chết, vinh - nhục của một đời trai trong mối liên hệ với vận nước, bằng tất cả nỗi đớn đau của người dân mất nước. Câu thơ thật thấm thía! Nguyên văn câu thơ chữ Hán nói về hiền thánh không hề có một chút e dè khi ông phê phán gay gắt cả một nền học cũ đã lỗi thời bằng thái độ đoạn tuyệt dứt khoát. Nước mất - dân ngu, đó chính là lời kết tội của Phan Bội Châu với cả chế độ phong kiến và giáo lý Khổng - Mạnh đã mục ruỗng. Chính sự bảo thủ ấy đã tiếp tay cho kẻ thù đặt ách thống trị lên đất nước. Khác với một Nguyễn Công Trứ bi quan yếm thế khi nếm trải "Vào trường danh lợi vinh liền nhục" để rồi ao ước "làm cây thông đứng giữa trời mà reo"; khác với một Tú Xương từng nguyền rủa chế độ thi cử và kẻ sĩ cùng thời "Sĩ khí rụt rè gà phải cáo - Văn trường liều lĩnh đấm ăn xôi" mà vẫn lận đận lều chõng mong được chen chân vào rồi cay cú "Tám khoa không khỏi phạm trường qui"; Phan Bội Châu đã xác định con đường khác hẳn. Hai câu kết hào hùng hiện rõ tư thế bậc đại trượng phu dám phá bung cả khuôn khổ lề thói cũ, đem đến một quan niệm làm trai mới mẻ:
Nguyện trục trường phong đông hải khứ
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi

Con người nhà thơ hiện ra giữa không gian vũ trụ mới hào hùng, phóng khoáng làm sao! Cái hào sảng của trường phong - trận gió dài, cơn gió mạnh, cái mênh mông của đông hải - gắn với chí lớn con người muốn tát cạn biển đông đã dồn nén vào một chữ "khứ" - gắn với hành trình ra đi ngùn ngụt hùng tâm tráng chí. Vang vọng trong câu thơ hào khí của bậc nữ lưu Triệu Trinh Nương thuở nào: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, chém cá kình ở biển Đông, chứ không cúi đầu làm thê thiếp kẻ khác". Tâm nguyện cứu nước dù gần hai ngàn năm trước hay thời Phan Bội Châu cũng giống nhau ở ý chí không chịu cúi đầu làm nô lệ một cách nhục nhã. Phan Sào Nam đã bộc lộ ý chí cứu nước qua hình tượng thật đẹp kết lại bài thơ: Ngàn con sóng bạc nhất tề cùng bay lên, cả đất trời như đã hoà theo quyết tâm cứu nước của người anh hùng. Con đường của Phan Bội Châu là con đường hành động, thái độ của Phan Bội Châu là thái độ không cam chịu chờ thời. Không một chút do dự băn khoăn, bài thơ là dự báo về những việc kinh thiên động địa trong tương lai của người anh hùng khiến cho thực dân Pháp và bọn bán nước phải run sợ kinh hoàng.
Khép lại Xuất dương lưu biệt, người đọc nhận ra một khí phách, một nhân cách của một nhân vật lỗi lạc đầu thế kỷ XX. Bài thơ thổi một luồng sinh khí vào văn chương thời đại, mở ra những trang đầy hào khí của văn thơ yêu nước đầu thế kỷ, tiếp nối tinh thần bất khuất của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập của thế kỷ trước, có giá trị động viên bao thế hệ yêu nước nối tiếp người chiến sĩ Phan Bội Châu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét