Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

LẠM BÀN VỀ PHẦN NGHỊ LUẬN VĂN HỌC TRONG ĐỀ THI HSG QUỐC GIA NGỮ VĂN 2011


Đề cho : Mỗi hình tượng nhân vật phụ nữ thực sự thành công bao giờ cũng là kết quả của sự phát hiện sâu sắc về nữ tính. Và yêu cầu phân tích một số tác phẩm từ VHDG đến văn học hiện đại để làm sáng tỏ nhận định. Một đề văn như thế này, xác định rõ khái niệm đã đổ máu mắt, huống chi phải làm một tập hợp từ cả hai bộ phận văn học, phải làm sao bao quát cả văn đến thơ, kịch... và phải giải quyết gói gọn trong khoảng thời gian nhiều nhất là 150 phút (bời lẽ câu NLXH 8 điểm cũng không thể viết dưới 30 phút được!) trong tổng thời gian 180 phút.
Thực ra khái niệm tính nữ trong văn chương đã râm ran từ những năm bắt đầu có sự chuyển mình, đổi mới văn học sau 1986. Tuy nhiên, nâng tầm lên một vấn đề có ý nghĩa lí luận thì lại không phải là dễ dàng. Chưa kể khái niệm về "nữ tính" như đề ra có đòi hỏi phải giới hạn trong văn học Việt Nam hay không? Nữ tính là vấn đề dân tộc hay vấn đề nhân loại? Nghĩa là ngay từ đầu phạm vi của đề ra đã không chuẩn mực. Bởi lẽ với học sinh giỏi chưa từng có giới hạn chỉ học phần Văn học Việt Nam, mà ngay trong các chuyên đề chuyên sâu cũng có học phần văn học nước ngoài. Nếu giới hạn trong phạm vi lí luận lại càng nên lấy các tác phẩm văn học nước ngoài làm chuẩn mực (điều này chắc chắn khỏi phải bàn cãi vì các học giả của chúng ta cho đến các nhà văn vẫn quen truyền thống lấy văn chương nước ngoài Đông Tây Kim Cổ làm chuẩn mực).
Còn ra đề kiểu chấp nhận cho các em nói chung chung, đại khái: thật sự thành công nghĩa là tác phẩm phải đạt đến giá trị Chân - Thiện - Mĩ... Nữ tính là tập hợp Công - Dung - Ngôn - Hạnh; phụ nữ phải là người bà, người mẹ, người vợ, người chị, người em gái, người tình... thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi cách nhìn phiến diện. Còn đòi hỏi các em phải nắm vững các khái niệm "nữ tính", "mẫu tính" thì e rằng các em khỏi cần học Đại học làm gì mà học thẳng lên thạc sĩ, tiến sĩ!!! Còn trình độ phổ thông thì đưa ra khái niệm này quả thật giống như đánh đố nhau! Tôi dám đoan chắc ở 63 tỉnh thành, đưa đề này cho các giáo viên dạy chuyên cự phách làm, đố ai dám bảo đảm mình đã trình bày thật sự rõ ràng khái niệm "nữ tính", dám cam đoan chỉ qua "một số tác phẩm" từ VHDG đến VHHĐ mà làm "sáng tỏ nhận định" được! Và tôi cũng vui lòng làm một giám khảo chấm bài của học sinh nào đạt giải Nhất của kì thi lần này mà đạt điểm tối đa còn tồn tại vô số những lỗi kiến thức! Bởi lẽ toàn bộ những tiêu chí của đề đều không đạt đến chuẩn mực cần phải có của một đề mở.
Đề mở này có hai hướng giải quyết: theo hướng lấy hình tượng phụ nữ làm chuẩn thì phải bắt đầu từ khái niệm hình tượng văn học để hình thành tiêu chí cho hình tượng phụ nữ; hướng thứ hai là xem như một đề lí luận văn học, lấy cơ sở là hình tượng phụ nữ để làm rõ khái niệm nữ tính trong văn học. Nhưng dù giải quyết theo hướng nào thì cũng không trọn vẹn bởi lẽ yêu cầu phân tích để làm sáng tỏ không chuẩn! Nếu lấy điểm xuất phát là "Văn học dân gian" thì phải có mệnh đề tiếp theo là "đến Văn học viết" thì mới bảo đảm tính khái quát tổng hợp của đề. Còn yêu cầu như đề này thì dẫn chứng không thể là "một số" (được hiểu ngầm là từ 2 trở lên) mà bắt buộc phải có Văn học dân gian - Văn học hiện đại! Mà như vậy thì sẽ thiếu sức bao quát! Vì mỗi bộ phận văn học, mỗi khuynh hướng, mỗi trào lưu, mỗi giai đoạn văn học lại có những chuẩn mực riêng về nữ tính, không thể đánh giá toàn diện được! Chưa kể là dẫn chứng hoàn toàn có thể lựa chọn cả VHDG nước ngoài, VHHĐ nước ngoài (nàng Sita trong Ramayana hay Phăngtin trong đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền - Những người khốn khổ đều đạt đến phẩm chất của hình tượng văn học thật sự thành công!).
Một đề ra không chuẩn như vậy, sẽ không thể tìm ra những bài văn thực sự hay! Và người ra đề chưa đủ tầm bao quát và hình dung không nổi thực trạng học sinh giỏi Văn sẽ phải khổ sở như thế nào với kiểu đánh đố này!
Trần Hà Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét